Để thế hệ U17 là niềm tự hào trong tương lai

THU SÂM

VHO - Nhận định về các học trò sau khi trở về từ giải U17 châu Á, HLV Cristiano Roland đã nói: “Những chiến binh này là tương lai của bóng đá Việt Nam. Tôi tin chắc rằng với tài năng và sự quyết tâm mà họ sở hữu, họ sẽ đạt được những điều tuyệt vời trong tương lai”.

Vậy vấn đề của bóng đá Việt Nam hiện nay là làm sao để chắp cánh cho lứa U17 hôm nay trở thành những trụ cột của bóng đá nước nhà mai sau.

 Để thế hệ U17 là niềm tự hào trong tương lai - ảnh 1
Những tài năng trẻ của lứa U17 hôm nay sẽ là tương lai vững chắc của bóng đá Việt Nam ngày mai nếu họ được “vun trồng” đúng cách. Ảnh: VFF

 Bài học từ quá khứ

Năm 2000, thế hệ cầu thủ của những Văn Quyến, Ánh Cường, Lâm Tấn, Như Thuật, Minh Đức, thủ môn Đức Anh… đã tỏa sáng rực rỡ khi thắng Trung Quốc 3-2, lọt vào bán kết giải U16 châu Á.

Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau mà gần như cả một thế hệ những tưởng sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam có thể đủ sức vươn tới đấu trường châu lục đã sớm lụi tàn.

Trong số những gương mặt “sớm nở tối tàn” ấy chỉ có Minh Đức là ổn định nhất. Thời đỉnh cao, anh là một trong những trung vệ chơi hay nhất của bóng đá nội và là thành viên của đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, đồng thời là cầu thủ hiếm hoi của lứa U16 năm 2000 vươn đến đỉnh cao của bóng đá Việt.

Thế nên tài năng sớm nở tại các giải trẻ là rất quý nhưng để chắp cánh cho các tài năng ấy, để họ có thể vươn lên từ những lộc biếc, sẽ đòi hỏi một chiến lược cụ thể, một chặng đường dài với sự quan tâm, đầu tư đúng hướng.

Tuy nhiên đó là câu chuyện buồn của thế hệ Văn Quyến. Gần đây bóng đá Việt Nam đã được chứng kiến câu chuyện vui của thế hệ những Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Duy Mạnh...

Trước đó là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Họ từng trưởng thành từ các lò đào tạo bóng đá trẻ danh tiếng. Và sau bài học của thế hệ đàn anh, họ đã khôn ngoan để rút ra được nhiều bài học cho mình.

Từ các cầu thủ trẻ, họ đã tỏa sáng tại giải U23 châu Á rồi chinh chiến cùng đội tuyển quốc gia khắp các mặt trận.

Trong gần 10 năm qua, họ đã trở thành thế hệ “vàng mười” của bóng đá Việt Nam và là tấm gương của các cầu thủ trẻ.

Bài học từ họ cũng cho thấy nếu các cầu thủ được luyện rèn trong môi trường tốt, với phương pháp huấn luyện hiện đại, họ có thể làm nên nhiều kỳ tích và xứng đáng trở thành tương lai vững chắc của bóng đá nước nhà.

 Thành công từ xã hội hóa

Sự đầu tư bền bỉ của Tập đoàn T&T (đơn vị chủ quản của Hà Nội FC) vào công tác đào tạo trẻ trong hơn một thập kỷ qua, đã tạo ra một hệ sinh thái bóng đá chuyên nghiệp, từ lứa U11 đến U21.

Mô hình đào tạo hiện đại, kết hợp giữa yếu tố thể chất, kỹ thuật và tư duy chiến thuật, cùng việc mời các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam, đã giúp nâng cao mặt bằng chung của bóng đá trẻ nước nhà.

Những hạt giống này dần khẳng định được vị thế trong các đội tuyển quốc gia trẻ, điển hình là tại giải U17 châu Á lần này.

Hà Nội FC đã đóng góp tới 8 cầu thủ cho đội hình U17 Việt Nam, trong đó có 4-5 cầu thủ thường xuyên đá chính ở 3 trận tại vòng bảng. Đây là những cái tên đã được đào tạo bài bản từ hệ thống học viện và các trung tâm bóng đá vệ tinh do CLB Hà Nội đầu tư, quản lý.

Không chỉ cung cấp cầu thủ, đội bóng Thủ đô còn góp công lớn khi HLV Cristiano Roland (một chuyên gia người Brazil đang làm việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội) được triệu tập vào thành phần ban huấn luyện đội U17 quốc gia.

Ông đưa ra chiến thuật hợp lý để phát huy được kỹ năng của các cầu thủ, giúp các cầu thủ trẻ giữ được sự tổ chức và bản lĩnh thi đấu trước những đối thủ mạnh.

Vai trò của Tập đoàn T&T và CLB Hà Nội trong việc tạo ra nền tảng vững chắc, đồng thời cung cấp nguồn lực đáng tin cậy cho đội tuyển U17 Việt Nam là một thực tế được nhiều chuyên gia công nhận.

Đây có thể xem là một ví dụ tiêu biểu về thành công trong công tác xã hội hóa thể thao.

VÂN SA

Để trở thành trụ cột tương lai của đội tuyển quốc gia

Tại giải U17 châu Á vừa qua, đội tuyển U17 Việt Nam cho thấy tiềm năng lớn trong khâu tổ chức lối chơi, tư duy chiến thuật cũng như khả năng phối hợp nhóm.

Tuy nhiên, thành tích vẫn cho thấy khoảng cách về thể hình, thể lực và tư duy chiến thuật giữa cầu thủ Việt Nam và các đội mạnh trong châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia.

Điều này cho thấy việc tham dự một giải đấu không thể tạo ra đột phá. Muốn thế hệ này trưởng thành, Việt Nam cần một chiến lược dài hạn - không chỉ là tập luyện, mà là cả một hệ sinh thái phát triển tài năng trẻ.

Nhưng vấn đề là ở chỗ ngay sau khi các cầu thủ này trở về, họ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách. Đó là khoảng trống phát triển như không đủ trình độ đá V.League nhưng lại không còn phù hợp với môi trường đào tạo trẻ.

Vì thế các giải đấu trung gian như U19, U21 là sẽ rất cần thiết để họ rèn giũa, trưởng thành trước khi đến với sân chơi lớn.

Bên cạnh đó, cầu thủ trẻ sau giải đấu quốc tế thường quay lại môi trường thi đấu nội địa có chất lượng và áp lực thấp hơn. Điều này làm giảm động lực, đồng thời khiến cầu thủ mất đi sự sắc bén vốn có.

Nhiều tài năng trẻ bị ảnh hưởng bởi áp lực truyền thông, thiếu sự hướng dẫn về phát triển cá nhân, dễ sa sút tâm lý nếu không được kèm cặp kịp thời.

Vậy giải pháp nào để chắp cánh cho lứa U17? Trước tiên chúng ta cần xây dựng hệ thống chuyển tiếp từ lứa U17 đến lứa U19, U21, U23 và đội tuyển quốc gia, với hệ thống thống nhất về lối chơi và triết lý bóng đá.

Điều này giúp cầu thủ thích nghi dễ hơn khi được đôn từ cấp độ đội trẻ lên. Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta nên thành lập một đội hình gồm các tài năng từ lứa U17-U21 thường xuyên tập trung, thi đấu giao hữu quốc tế và có giáo án riêng về phát triển thể lực, dinh dưỡng, tâm lý.

Đây sẽ là sân sau của đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23. Nhờ đó đội tuyển sẽ luôn có lực lượng kế cận sẵn sàng.

Ở cấp độ các trung tâm đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam cũng cần chuẩn hóa hệ thống đào tạo trẻ theo tiêu chuẩn của liên đoàn bóng đá châu Á và thế giới như tăng cường đội ngũ huấn luyện viên giỏi, được cấp bằng chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Đồng thời liên kết với các CLB nước ngoài để có thể cử cầu thủ U17 sang các nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… đào tạo 6 tháng đến 1 năm. Từ đó học hỏi tư duy chiến thuật, lối sống chuyên nghiệp và giúp cầu thủ rèn luyện thể lực.

Một việc cần làm nữa là phát triển các giải đấu trẻ chất lượng cao như tổ chức giải U17, U19 quốc gia với thể thức chuyên nghiệp, có mô hình giống như V-League (lượt đi - lượt về, sân nhà - sân khách), để cầu thủ quen với áp lực thi đấu dài hạn.

Mở rộng các giải đấu giao hữu quốc tế bằng cách tăng số lượng trận đấu với các đội từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Á… để cầu thủ trẻ liên tục được cọ xát với các đội bóng có trình độ cao.

Đặc biệt các CLB đóng vai trò quyết định trong việc phát triển tài năng, là nơi cầu thủ được rèn luyện mỗi ngày. Vì vậy nếu VFF, VPF đưa ra quy định bắt buộc các CLB V-League đăng ký và sử dụng cầu thủ U21 trong đội hình thi đấu.

Từ đó sẽ tạo cơ hội cọ xát cho các tài năng trẻ; các địa phương cũng cần đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất... Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, học văn hóa kết hợp thể thao để các em không phải từ bỏ việc học sớm, mở rộng tương lai nghề nghiệp.

Như vậy để những Gia Bảo, Duy Khang, Việt Long, Văn Bách, Nguyễn Lực, Đức Duy, Văn Khánh, Việt Anh, Hồng Quang, Tấn Dũng... trở thành tương lai vững chắc của bóng đá Việt Nam thì chúng ta cần sự chung tay, góp sức của nhiều phía trong đó cơ quan quản lý bóng đá đóng vai trò xây dựng và triển khai thực hiện một chiến lược dài hạn không chỉ ở cấp độ đội tuyển quốc gia mà ở từng địa phương; phối hợp cùng Bộ GD&ĐT để phát triển bóng đá học đường và sự quan tâm của gia đình cũng như toàn xã hội.

Mỗi cầu thủ U17 hôm nay chính là hạt giống quý báu, nếu được vun trồng đúng cách, họ sẽ là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam trong tương lai không xa.