Để không còn mang tiếng “vắt chanh, bỏ vỏ”

VHO - Trước đây người hâm mộ thể thao từng “đắng lòng” khi thấy hình ảnh cựu thủ môn ĐTQG Kim Hồng phải đi bán bánh mì dạo, trước khi được làm trợ lý HLV tại đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Câu chuyện xưa vắng ấy càng khiến cho thể thao Việt Nam phải mang thêm điều tiếng “vắt chanh bỏ vỏ”.

Để không còn mang tiếng “vắt chanh, bỏ vỏ” - Anh 1

 Các sinh viên là VĐV được tạo điều kiện để vừa học, vừa có thể thi đấu tốt

 Thế nhưng tới giờ mọi chuyện đã khác. Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương và nhất là những chủ trương, định hướng đúng đắn từ Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao, hầu hết các VĐV khi giã nghiệp đã được trang bị cho mình một hành trang đầy đủ để có thể tự tin bước vào đời.

Bớt nỗi lo canh cánh

Mấy chục năm trước, hầu hết các VĐV đỉnh cao của thể thao Việt Nam khi thi đấu vẫn canh cánh nỗi lo về một ngày phong độ không còn, sẽ phải giã nghiệp, không biết làm gì để sống. Thấu hiểu nỗi lo của các VĐV nên ngay khi được giao xây dựng Luật Thể dục, thể thao (sửa đổi, bổ sung), Bộ VHTTDL đã đưa vào quy định VĐV đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia và quốc tế được hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; VĐV không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật; được ưu tiên tuyển dụng vào làm tại các cơ sở thể thao…

“Sau khi Luật Thể dục thể thao sửa đổi năm 2018 được Quốc hội phê duyệt và sau đó Nghị định số 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao có quy định cụ thể về việc tạo điều kiện hướng nghiệp cho các VĐV, Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao) đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các đơn vị để định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các VĐV thể thao hòa nhập và tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia, đóng góp cho thể thao nước nhà. Cụ thể Cục Thể dục thể thao đã tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tập đoàn Alphanam Group về “Tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các VĐV của thể thao Việt Nam có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp”; với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội về “Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao. 

Vừa qua, Cục Thể dục thể thao cũng đã ký thoả thuận hợp tác với Trường Đại học Đại Nam về chính sách hỗ trợ học bổng toàn phần dành cho các VĐV đội tuyển quốc gia tham gia học các ngành đào tạo ở các cấp bậc đào tạo của Trường. Việc ký hợp tác này là nhằm trang bị hành trang, hướng nghiệp cho các VĐV trước khi giã nghiệp và cũng giúp xây dựng nguồn nhân lực cho ngành toàn diện về mọi mặt, giúp VĐV tự tin hòa nhập với bạn bè quốc tế”, bà Bùi Việt Hà, Phó trưởng phòng Tổ chức Cục Thể dục thể thao cho biết.

Nêu một dẫn chứng cụ thể là hiệu quả của chương trình ký kết giữa ngành Thể dục thể thao và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Bùi Việt Hà thông tin, chương trình bắt đầu tuyển sinh từnăm 2021 đến nay đãthu hút sựquan tâm vàđăng kýtheo học của nhiều VĐV như Thu Hoài, Kiều Trinh, đội tuyển Bóng chuyền quốc gia; Văn Vĩ Lương, đội tuyển Thểdục dụng cụquốc gia; Trần Văn Vũ, đội tuyển Karate quốc gia; Đặng ThịLinh, đội tuyển Vật quốc gia; Phan Công Minh, đội tuyển Bắn súng quốc gia…

Song song với việc trởthành sinh viên chương trình Quản trịkinh doanh dành cho các tài năng thểthao của Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội, các VĐV vẫn gặt hái được rất nhiều thành công với những tấm huy chương mang vềcho thểthao Việt Nam như HCĐ nội dung đồng đội Bắn súng ngắn hơi của sinh viên - VĐV Phan Công Minh tại Đại hội thể thao châu Á 19; tại SEA Games 32, sinh viên - VĐV Văn VĩLương giành HCV đồng đội môn Thể dục dụng cụ; sinh viên - VĐV Trần Văn Vũ giành HCĐ cá nhân môn Karate, nội dung Kumite dưới 55kg nam; sinh viên - VĐV Nguyễn Thị Thu giành HCĐ cá nhân môn Karate…

Để không còn mang tiếng “vắt chanh, bỏ vỏ” - Anh 2

Nếu chuẩn bị hành trang tốt, các VĐV sẽ có tương lai đảm bảo khi giã nghiệp

Tương lai bắt đầu từ ngày tuyển sinh hôm nay

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Lê Trung Thành, thể thao thành tích cao luôn đòi hỏi các VĐV phải tập luyện với tần suất khá lớn, vì vậy, chương trình Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thểthao luôn đề cao sự linh hoạt về mặt thời gian, giúp sinh viên cân bằng giữa tập luyện, thi đấu và học tập. Bên cạnh sự nghiệp tỏa sáng, khi đến với chương trình, các VĐV sẽ được tiếp thu nền tảng kiến thức, bài học thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh thể thao. Điều này giúp các VĐV mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp, vững vàng tâm lý thi đấu.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, các VĐV có thể ứng dụng những kiến thức, kỹ năng, bài học thực tiễn vào đời sống để xây dựng và quản lý bản quyền hình ảnh cá nhân, phát triển thương hiệu gắn thể thao với tri thức, xây dựng và quản lý kế hoạch kinh doanh, ứng dụng công cụ hỗ trợ quảng cáo trong kinh doanh, quản lý dòng tiền cá nhân… Bên cạnh đó, khi tham gia khóa học, các VĐV có cơ hội nhận được sự giới thiệu đặc biệt từ các đối tác uy tín của Trường Đại học Kinh tế nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung…

Tham gia giảng dạy trực tiếp khóa học là sự góp mặt của các chuyên gia vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực quản trị kinh doanh cũng như quản trị liên quan đến lĩnh vực thể thao. Đồng hành cùng học viên là đội ngũ cố vấn hỗ trợ và tư vấn trong suốt quá trình học tập, phát triển sự nghiệp quản lý, kinh doanh… Điều này giúp các VĐV không quá bỡ ngỡ khi bước vào một môi trường học tập mới.

Với mong muốn giúp cho các VĐV xây dựng nền tảng cho một tương lai bền vững, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Cục Thể dục thể thao hy vọng rằng chương trình đào tạo đại học ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao sẽ là một hướng đi phù hợp thực tiễn, đảm bảo một ngã rẽ an toàn, bên cạnh con đường sự nghiệp tỏa sáng thuộc về mỗi VĐV.

Bà Bùi Việt Hà cũng ánh lên niềm vui: “Một mùa tuyển sinh mới đã bắt đầu từ hôm nay 12.4, và chúng tôi hy vọng sau 5 năm nữa người hâm mộ sẽ gặp lại họ trong vai trò là những nhà quản trị tài năng trong lĩnh vực kinh doanh thể thao chuyên nghiệp hoặc các ngành nghề khác. Để từ đó các VĐV tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội, dựa trên hành trang đã được trang bị ngay cả khi các em đang thi đấu”. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc