Dấu ấn dụng binh của thầy Kim

NGỌC TRUNG

VHO - Trên hành trình đi đến chức vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam, HLV Kim Sang-sik để lại dấu ấn đậm nét trong cách dùng người, đồng thời như thể chứng minh “hào kiệt thời nào cũng có”.

 Dấu ấn dụng binh của thầy Kim - ảnh 1
HLV Kim Sang-sik không chỉ thể hiện tài dùng người mà còn cho thấy bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng

Phát hiện “tuổi băm”

Thủ thành Nguyễn Đình Triệu và tiền vệ Doãn Ngọc Tân, là hai gương mặt được HLV Kim Sang-sik tin dùng. Đình Triệu bắt chính 6/8 trận, được bình chọn là Thủ môn xuất sắc nhất ASEAN Cup 2024. Ngọc Tân góp mặt 7/8 trận, bao gồm 6 trận có tên trong đội hình xuất phát, là “máy quét” hiệu quả nhất giải với tổng cộng 22 pha tắc bóng. Chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của cầu thủ đang khoác áo Thanh Hóa, người hâm mộ ví von tiền vệ phòng ngự này là “Kante Việt Nam”.

Đình Triệu 33 tuổi, từng nghỉ đá bóng “để tìm công việc tốt hơn”, là bảo vệ tại một công ty dầu khí. Ngọc Tân 30 tuổi, là tân binh tại ĐTQG. Cả hai trải qua sự nghiệp đầy chông gai, được triệu tập vào đội tuyển khi không còn trẻ và rồi trở thành nhà vô địch Đông Nam Á. Hành trình ấy chẳng khác nào câu chuyện cổ tích. Tài năng, nỗ lực, sự kiên trì Đình Triệu và Ngọc Tân xứng đáng được ngợi khen, nhưng không thể không nhắc đến tài dùng người của HLV Kim Sang-sik.

Cần lưu ý, trong nhiều năm trở lại đây, khung thành đội tuyển Việt Nam luôn được trao cho Đặng Văn Lâm rồi Nguyễn Filip. Tuy nhiên, tại ASEAN Cup 2024, HLV Kim Sang-sik lại trao cơ hội cho Đình Triệu cùng lý giải “giao tiếp tốt hơn với hàng phòng ngự”. Trong khi đó, tại trung tuyến, vị trí của Doãn Ngọc Tân gần như bất khả xâm phạm. Phải hiểu rõ học trò, có đủ tự tin lẫn sự táo bạo, nhà cầm quân người Hàn Quốc mới có thể đặt niềm tin đúng chỗ như vậy. Nên nhớ, HLV Kim Sang-sik dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chưa đầy một năm. Trước khi thầy Kim được bổ nhiệm, ĐTQG trải qua quãng thời gian chẳng mấy vui vẻ và trước nữa, lứa cầu thủ tài năng từ giải U23 châu Á tại Thường Châu bị đánh giá đã tới giới hạn.

Cách dùng người biến hóa

Ngoài hai “phát hiện tuổi ba mươi” vừa nêu, trên suốt hành trình đến chức vô địch ASEAN Cup, HLV Kim Sang-sik luôn thực hiện những điều chỉnh cũng như ứng phó tình thế bất lợi vừa bất ngờ vừa hiệu quả. Bùi Vĩ Hào (21 tuổi) vốn còn non trẻ lại được tin dùng ở vị trí tiền đạo lệch phải, nhất là sau khi Nguyễn Văn Toàn chấn thương. Vĩ Hào ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn, trung bình mỗi trận thực hiện 5,8 pha tranh chấp tay đôi, với tỷ lệ thành công 71%. Phía đối diện, Châu Ngọc Quang đá chính 4 trận, bao gồm 1 trận bán kết và cả hai trận chung kết.

Trước thời HLV Kim Sang-sik, Vĩ Hào hay Ngọc Quang không có nhiều cơ hội thể hiện trong màu áo ĐTQG. Tương tự là trường hợp hậu vệ cánh trái Văn Vĩ. Từ cuối thời HLV Park Hang-seo đến triều đại HLV Troussier, vị trí này chưa bao giờ đem đến sự an tâm. Văn Vĩ xuất hiện và cánh trái trở thành hướng tấn công chủ đạo của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024.

Trong khi đó, Hoàng Đức và Bùi Tiến Dũng đánh dấu sự trở lại ấn tượng. Cả hai không được trọng dụng trong thời tiền nhiệm và ít nhiều bị hoài nghi. Tuy nhiên tại giải vô địch Đông Nam Á, Hoàng Đức lẫn Tiến Dũng đều thi đấu ổn định, là nhân tố chủ chốt để đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch. Điều chỉnh đáng chú ý khác là việc Phạm Xuân Mạnh từ vị trí hậu vệ cánh được kéo vào đá trung vệ lệch phải và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chiều ngược lại, những cựu binh như Quang Hải, Duy Mạnh, Bùi Hoàng Việt Anh không giữ suất cứng trong đội hình nhưng đều thể hiện được phẩm chất mỗi khi vào sân. Quang Hải thường xuyên tạo đột biến, là tác giả của 2 bàn thắng và 2 pha kiến tạo. Ở trận chung kết lượt đi, sự xuất hiện của tiền vệ này tạo nên sinh khí mới cho hàng công. Anh chính là tác giả cú lật bóng chéo sân ngoạn mục cho Văn Thanh băng xuống đánh đầu kiến tạo để Xuân Son ghi bàn mở tỷ số. Trong khi đó, đội trưởng Duy Mạnh gây ấn tượng bằng cái uy và sự điềm tĩnh của một thủ lĩnh trong những tình huống căng thẳng.

Tài dụng binh của HLV Kim Sang-sik càng được thể hiện rõ ở trường hợp Tuấn Hải. Tiền đạo này gần như ngồi ngoài trong suốt hành trình. Tuy nhiên, đến trận chung kết lượt về, Tuấn Hải bất ngờ được điền tên vào đội hình xuất phát và tỏa sáng rực rỡ. Sự bùng nổ của tiền đạo này, nhất là trong bối cảnh Nguyễn Xuân Son dính chấn thương và phải rời sân, cho thấy đội tuyển Việt Nam không phải phụ thuộc hoàn toàn vào bất cứ nhân tố nào. Thế nên cứ mỗi trận đấu đi qua, ông Kim lại gây bất ngờ về cách bố trí nhân sự và quan trọng hơn nữa, mỗi sự bố trí đều phù hợp và phát huy hiệu quả.

Cái khó của HLV không chỉ là tìm ra đội hình lý tưởng để mọi vị trí đều phát huy khả năng. Cái khó của HLV còn là từng vị trí đều chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc và đảm bảo tinh thần chiến đấu lẫn đoàn kết cao nhất. Tuy chỉ dẫn dắt vài chục con người, nhưng nhà cầm quân là “quản trị” chứ không phải “quản lý” nhân sự. Tại ASEAN Cup 2024, thầy Kim cho thấy năng lực chính nhờ tài quản trị nhân sự ấy.

Thành công trong cách dùng người của HLV Kim Sang-sik cũng chứng minh rằng ở trình độ khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng. Phát hiện mới có, hồi sinh có, tiếp tục khẳng định năng lực có. Trước giải đấu này thôi, mấy ai tin Đình Triệu hay Ngọc Tân sẽ tỏa sáng, Tiến Dũng hay Hoàng Đức sẽ hồi sinh. Thế nên bất luận thịnh suy, nền bóng đá nước nhà không thiếu tài năng để đứng dậy nhanh chóng sau mỗi cú vấp và tiếp tục hướng tới những mục tiêu xa hơn.