Đặng Văn Lâm: Gạch nối bóng đá Việt - Nga

NGỌC TRUNG

VHO - “Mong muon nhất bh là vè VN thử viec đôi tuyển U23 VN… Một lần nữa thôi, ko cần thi Lâm se vè Nga và không phièn nữa đâu ạ…”. Xin thứ lỗi quý độc giả vì dòng chữ lệch lạc khó đọc này, nhưng đó là một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam.

Đặng Văn Lâm:  Gạch nối bóng đá Việt - Nga - ảnh 1
Đặng Văn Lâm trong bộ trang phục quen thuộc của “nhện đen” Lev Ya

Ngày 10.5.2015, Lev Shonovich Dang, tên tiếng Việt là Đặng Văn Lâm, đăng tải lời “khẩn cầu” trên mạng xã hội với hy vọng được tham dự SEA Games 2015.

Cơ hội không đến với Văn Lâm tại SEA Games, nhưng mở ra cho anh cánh cửa hồi hương lần nữa. Văn Lâm gia nhập Hải Phòng, dần chứng minh khả năng và thăng tiến trong sự nghiệp để rồi trở thành thủ thành số một của đội tuyển Việt Nam trong hành trình chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018.

Từ đó đến nay, Lâm “tây” đã có 42 lần ra sân trong màu áo “Những chiến binh sao vàng” và gặt hái nhiều thành công khác ở cấp CLB lẫn ĐTQG.

Tại cấp CLB, Văn Lâm là trường hợp cầu thủ Việt Nam hiếm hoi khẳng định được năng lực trong màu áo đội bóng nước ngoài, khi trở thành thủ môn số một của Muangthong United (Thái Lan) từ năm 2019- 2021.

Bởi vậy, có thể nhận định Văn Lâm chính là trường hợp cầu thủ nhập tịch thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Và hành trình đến vinh quang ấy không trải trên hoa hồng.

Gian lao giấc mơ tiếp bước Lev Yashin

Đặng Văn Lâm mang trong mình hai dòng máu Việt - Nga. Bố anh là ông Đặng Văn Sơn, anh em sinh đôi với Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Văn Hùng.

Mẹ anh là bà Olga Zhukova. “Bố tôi là vũ công ba-lê. Mẹ tôi là diễn viên sân khấu. Hai người gặp nhau khi đang theo học tại Viện Nghệ thuật sân khấu Nga.

Và tôi sinh ra ở Moscow”, Đặng Văn Lâm cho biết. Cái tên Lev Shonovich Dang được đặt theo huyền thoại Lev Yashin, thủ thành vĩ đại nhất lịch sử túc cầu, thần tượng của bà Olga Zhukova.

Về lý do tiếp bước Lev Yashin trở thành “người gác đền”, Văn Lâm tiết lộ: “Khi đó tôi khoảng 8-9 tuổi. Học lớp một rồi lên lớp hai.

Ở trường có một câu lạc bộ bóng đá. Tôi tham gia và thấy thích. Tôi chạy đi chạy lại trên sân, và vào kỳ nghỉ hè, tôi đến sân bóng và thấy huấn luyện viên cũng ở đó.

Ông ấy bảo tôi đứng trong khung thành và bắt đầu sút bóng. Tôi bắt được một số quả, đẩy được một số quả, rồi ông ấy nói: “Trò có muốn trở thành thủ môn khi lên lớp ba không?”.

Thế là tôi trở thành thủ môn. Ông ấy có mối quan hệ tốt với giám đốc sân vận động tên là Netto. Họ đã sắp xếp một trận đấu cho chúng tôi với đội Spartak, lứa sinh năm 1994.

Cuối cùng, chúng tôi thua 0-13, tất cả 13 bàn thua đều do tôi. Nhưng sau trận đấu, huấn luyện viên của Spartak đến gặp tôi, hỏi năm sinh của tôi (Đặng Văn Lâm sinh năm 1993), tên tôi là gì. Rồi ông ấy nói: “Hãy đến Spartak”.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Văn Lâm không hề bằng phẳng. Năm 15 tuổi, anh dính chấn thương và đánh mất phong độ.

Anh chuyển sang Dynamo Moscow nhưng không tìm được chỗ đứng. Bế tắc tại quê mẹ, Văn Lâm nghĩ về quê cha. “Tại Việt Nam, tôi có nhiều người thân. Tôi vẫn về quê chơi khi còn nhỏ.

Lần này, tôi và bố đã đi cùng nhau và chọn ra bốn câu lạc bộ từ giải Vô địch quốc gia và một câu lạc bộ từ giải hạng Nhất. Chúng tôi bắt đầu gọi điện.

Câu lạc bộ đầu tiên là từ Sài Gòn - ở đó tôi không tập luyện với đội chính mà với đội U19. Rồi Văn Lâm tiếp tục “lang bạt” ra Hà Nội và lên phố núi Pleiku để gia nhập lò HAGL.

Văn hóa khác biệt cùng sự non nớt khiến Văn Lâm chưa thể hòa nhập ngay với bóng đá Việt Nam. Anh được đưa sang Lào thi đấu diện tăng cường cho Hoàng Anh Atapeu.

Đầu quân cho CLB TP.HCM và không tìm được chỗ đứng, Lâm thất bại ở Việt Nam, hết đường nên phải quay về Nga.

Thời gian trở về nhà, suýt chút nữa Văn Lâm đã nghỉ đá bóng để chuyển hướng sang học kế toán. Và trong hy vọng gần như cuối cùng, Văn Lâm viết tâm thư chia sẻ như đề cập đầu bài viết.

Tấm gương của ý chí và học hỏi

Lần hồi hương thứ hai, Văn Lâm thành công rực rỡ cho đến hôm nay. Tất nhiên, thành công không đến từ may mắn.

Lâm “tây” sở hữu ưu thế về thể chất, với chiều cao 1m88, lại được đào tạo bài bản ở Nga. Và trên hết, cầu thủ này luôn thể hiện sự ham học hỏi và ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Đến nay giới thể thao vẫn truyền miệng nhau câu chuyện Lâm bắt taxi từ Hải Phòng về Trung tâm đào tạo PVF tại Hưng Yên để theo học Jasson Brown, cựu thủ thành Ngoại hạng Anh.

Không chỉ vậy, anh còn tự bỏ tiền túi thuê HLV thể lực riêng từ CLB Spartak Moscow. “Có lẽ đây là phần thưởng cho nỗ lực của tôi.

Tôi sẽ không dừng lại, phía trước còn nhiều mục tiêu, lớn có và nhỏ có. Trong thể thao không có từ “hôm qua” - tất cả đều cần kết quả ngay hôm nay và ngay bây giờ, vì vậy tuyệt đối không được lơ là”, Văn Lâm trả lời báo giới Nga khi đã trở thành “hiện tượng” tại Việt Nam.

Trong hành trình chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018, Văn Lâm làm nên lịch sử với thành tích 405 phút giữ sạch lưới.

“Người Việt Nam cần cù, yêu nước, dũng cảm, chịu đựng từ trong máu nên tôi nghĩ ưu điểm lớn nhất của đội tuyển Việt Nam là sự cống hiến”, anh đúc kết.

Thành công tại quê cha, Văn Lâm vẫn dành tình cảm đặc biệt cho quê mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn. “Tôi rất vui khi ở đây mọi người gọi tôi là Gấu Nga”, anh nói.

“Tôi vui vì cuối cùng mọi người biết đến tôi. Tôi hy vọng tiếp tục được ủng hộ, vì trong khung thành đội tuyển Việt Nam là chàng trai mang nửa dòng máu Nga.

Dù sao thì trong tâm hồn tôi vẫn là người Nga. Hãy cổ vũ cho Việt Nam. Tôi sẽ rất vui và biết ơn sự ủng hộ từ Nga”. Vì vậy, cuộc chạm trán giữa đội tuyển Việt Nam và Nga vào tối 5.9 tới sẽ là trận cầu đặc biệt đối với Văn Lâm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc