Đà Nẵng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa

VHO- Trong những năm qua, các phong trào TDTT quần chúng tại thành phố Đà Nẵng được đẩy mạnh, lan tỏa trong đời sống người dân. Cùng với sự phát triển đa dạng về bộ môn, hình thức tập luyện, duy trì nhiều hoạt động thi đấu thường xuyên, phong trào TDTT do người dân tham gia hưởng ứng đã góp phần nâng cao sức khoẻ, thắt chặt tình đoàn kết, tạo nên bước chuyển biến tích cực trong tư duy về rèn luyện sức khỏe.

Tạo thói quen rèn luyện sức khỏe trong mọi tầng lớp nhân dân

Phong trào toàn dân rèn luyện TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại đã được lan tỏa rộng khắp tới các quận, huyện, trở thành thói quen, nếp sinh hoạt lành mạnh của người dân mọi tầng lớp. Tại huyện Hòa Vang, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được huyện quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần thúc đẩy tinh thần rèn luyện sức khỏe trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đà Nẵng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa - Anh 1

Thanh niên huyện Hòa Vang tích cực tham gia vào các giải thi đấu TDTT

Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT năm sau cao hơn năm trước.  Hiện nay có nhiều xã đã tự đầu tư mua sắm các dụng cụ tập luyện TDTT đặt ở những nơi công cộng, đông dân cư để thu hút mọi người  tham gia luyện tập. Hệ thống thiết chế văn hóa được chú trọng đầu tư nâng cấp ở các thôn và trong trường học: 113/113 thôn trên địa bàn huyện đều có Nhà văn hóa và khu thể thao thôn, 100% trường học trên địa bàn huyện có giáo viên TDTT, trang bị thiết bị tập luyện, nhiều trường đã đầu tư bể bơi nhân tạo phục vụ dạy bơi cho các em học sinh.

Giám đốc Trung tâm văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang, ông Lê Đình Minh Hải chia sẻ: “Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ khắp toàn huyện, đặc biệt vượt trội ở các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Sơn, Hòa Phong. Những địa phương này luôn đạt được nhiều thành tích cao khi tham gia các giải thể thao do huyện tổ chức. Kinh phí cấp cho lĩnh vực thể thao cũng được huyện ưu tiên đầu tư từ cấp thôn đến cấp huyện. Hệ thống dụng cụ tập luyện thể thao đơn giản nhưng hiệu quả được bố trí tại các nhà họp thôn trên địa bàn, xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao và Học tập Cộng đồng 11 xã. Ngoài ra còn có những khu thể thao, khu vui chơi, sân bóng mini thu hút đông đảo người dân”.

Nhờ sự quan tâm của huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang về công tác đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, cùng sự chung tay góp sức của người dân, hiện nay huyện Hòa Vang có rất nhiều sân thể thao công lập và ngoài công lập phục vụ cho nhân dân như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, sân tennis thuộc quản lý của trung tâm VH,TT& TT huyện. Nhà thi đấu, sân bóng đá mini, sân bóng 11 và các khu vui chơi công cộng dưới sự quản lý Trung tâm văn hóa thể thao và Học tập Cộng đồng 11 xã. Nhà thi đấu, sân bóng mini, bể bơi nằm trên các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn Huyện. Về thiết chế thể thao ngoài công lập có Khu thể thao Minh Anh (Hòa Phước), khu thể thao Tùng An (Hòa Phong), sân cỏ nhân tạo Hòa khương, sân bóng MU Hòa Tiến, sân bóng Golden Hill Hòa Sơn và hơn 50 CLB bida trên địa bàn huyện.

Đà Nẵng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa - Anh 2

Giải bóng chuyền bãi biển do ngư dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà) tổ chức

Ngày 2.12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao (TDTT) đến năm 2020” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức đã nhận định: Trong những năm qua phong trào tập luyện TDTT của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng  ngày càng phát triển rộng khắp theo hướng tự giác và có tổ chức, xuất hiện nhiều câu lạc bộ thể thao cơ sở ngoài công lập. 

Giải bóng chuyền bãi biển của ngư dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) năm 2022 được chính ngư dân địa phương tổ chức đã tạo nên không khí hào hứng, sôi nổi, tạo hiệu ứng tích cực từ phía người dân trên địa bàn phường và cả cư dân vùng lân cận. Ông Võ Thành Thắng - Phó Chủ tịch Hội nông dân phường Mân Thái chia sẻ: Đây là giải đấu bóng chuyền bãi biển có tổ chức đầu tiên được ngư dân phường Mân Thái khởi xướng. Giải đấu gồm các đội Hoàng Sa, Trường Sa, Lăng Ông, Làng Chài, Kéo Lưới, Mân Thái, cầu thủ là những ngư dân của phường.

“Phong trào bóng chuyền được ngư dân phường Mân Thái duy trì và phát triển từ trước năm 1975. Đến nay, lớp thanh niên phường tự gây dựng những phong trào thể thao như bóng chuyền tại bãi biển, bóng đá. Sáng và chiều nào họ cũng tham gia chơi bóng rèn luyện sức khỏe. Không chỉ bóng chuyền, bất cứ môn thể thao nào người dân cũng tham gia chơi, do vậy phong trào thể thao của người dân làng chài đã phát triển mạnh từ xưa”, ông Thắng nói.

Đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện khuyến khích các phong trào phát triển

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao quận Sơn Trà: Trong giai đoạn 2012 - 2022, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn quận Sơn Trà đã tăng lên đáng kể. Tỷ lệ tổng số người tập luyện TDTT thường xuyên tăng lên 45% ; tổng số câu lạc bộ TDTT tăng từ 41 CLB năm 2012 lên 117 CLB năm 2022.

Đà Nẵng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa - Anh 3

Đà Nẵng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa - Anh 4

Người dân thành phố Đà Nẵng hào hứng cổ vũ giải đấu thể thao quần chúng

Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận Sơn Trà, ông Vũ Thế Hệ cho biết: “Đơn vị đã phối hợp với UBND 7 phường  thuộc quận thường xuyên tuyên truyền, phát động đến các khu dân cư trên địa bàn quận, gắn kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời tham mưu UBND quận phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn quận Sơn Trà giai đoạn 2021 - 2025”; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn quận Sơn Trà giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, trong năm 2022 quận đã tổ chức hơn 250 giải TDTT quần chúng, gồm các môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh, Bơi lội, Cờ vua, Cờ tướng…, thu hút từ 3.000 đến 6.000 người dân tham gia”.

Để khích lệ người dân tập thể thao, Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao quận Ngũ Hành Sơn thường xuyên mở cửa cho người dân tham gia các môn đá bóng, bơi lội, võ thuật, quần vợt; tổ chức từ 6 đến 8 giải thể thao hàng năm trong đó chú trọng đến các giải thể thao truyền thống như đua thuyền, cờ tướng, kéo co và các giải đấu dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt là Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng truyền thống trong dịp hè được phường tổ chức hàng năm, thu hút 60 đến 70 đội bóng các khu dân cư, tổ dân phố trong toàn quận tham gia. Nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao được thành lập, đến nay toàn quận có trên 70 câu lạc bộ thể dục thể thao như CLB võ thuật, thể dục dưỡng sinh người lớn tuổi, bida, thể hình, thể dục thẩm mỹ, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bóng đá, bóng chuyền, xe đạp, bơi lội. Ngoài ra các khu dân cư đều hình thành các nhóm tập luyện thể thao các môn, tạo hiệu quả duy trì, phát triển lâu dài cho phong trào thể dục thể thao quần chúng. 

Đà Nẵng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa - Anh 5

Đại hội TDTT huyện Hòa Vang đã huy động tất cả tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc tham gia hưởng ứng

Hiện nay, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Ngũ Hành Sơn đã được đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao đúng tiêu chuẩn, gồm 1 sân vận động, đường pitch, 1 Bể bơi, 1 sân bóng chuyền, 1 sân bóng chuyền bãi biễn, 2 sân quần vợt, 1 nhà tập luyện cầu lông. Các công trình này góp phần không nhỏ trong việc tổ chức các hoạt động TDTT thu hút nhân dân, nhất là học sinh trên địa bàn quận tham gia tập luyện, thi đấu và vui chơi. 

Tháng 7. 2022, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 1860/QĐ-UBND  về việc  điều chỉnh tên, phê duyệt xây dựng Đề án Nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng người dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành Đề án Phát triển thể thao quần chúng với việc nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng người dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoạt động chính của Đề án nhằm tăng cường quản lý nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ người dân thông qua các hoạt động TDTT. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi tư duy, hình thành thói quen tích cực của nhân dân đối với việc tập luyện giữ gìn sức khỏe, hưởng ứng sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc