Bóng chuyền nam thi đấu giải châu Á:

Cơ hội và thử thách

VĨNH HY

VHO - Thầy trò HLV Trần Đình Tiền sẽ bắt đầu hành trình tại Giải bóng chuyền các CLB nam châu Á - AVC Men’s Champions League 2025 (diễn ra ở Osaka, Nhật Bản) bằng trận ra quân bảng D với CLB Al Muharraq (Bahrain) vào lúc 10h35 sáng nay (giờ Việt Nam).

Cơ hội và thử thách - ảnh 1
Việc thi đấu tại AVC Men’s Champions League 2025 là cơ hội tốt để các cầu thủ cọ xát, tích luỹ để chuẩn bị cho những giải quốc tế trọng điểm trong thời gian tới

 Giải đấu quy tụ rất nhiều CLB mạnh đến từ các nền bóng chuyền phát triển hàng đầu châu lục sẽ mang đến thử thách rất lớn cho đội tuyển nam Việt Nam, nhưng đây cũng vừa là cơ hội để các cầu thủ thi đấu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm để hướng đến những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là SEA Games 33.

Đội tuyển nam Việt Nam với tên đăng ký Sport Center 3 dự AVC Men’s Champions League 2025 thay cho suất của nhà vô địch giải VĐQG 2024 Biên phòng.

Suất tham dự giải đấu danh giá này được trao cho đội vô địch quốc gia của các liên đoàn thành viên châu Á, nhưng CLB Biên phòng không tham gia nên ĐTQG được lựa chọn thay thế.

Điều này mang đến cơ hội thi đấu quốc tế cho các tuyển thủ để có thêm những va chạm, tích luỹ kinh nghiệm, chuyên môn.

Tại giải, thầy trò HLV Trần Đình Tiền sẽ cạnh tranh 2 suất đi tiếp ở bảng D với Al Muharraq và Al Rayyan (Qatar), đây là 2 CLB rất mạnh ở Tây Á cũng như là những đội bóng hàng đầu châu Á. Al Muharraq, đối thủ vào sáng nay của Sport Center 3 là ĐKVĐ giải VĐQG Bahrain, đội bóng này đã giành 16 chức vô địch, nhiều nhất trong lịch sử giải đấu.

Al Muharraq có lối chơi tấn công mạnh mẽ và khả năng phòng thủ vững chắc. Cùng với đội hình chất lượng và phong độ ổn định, đội bóng này thậm chí còn được đánh giá là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch tại giải. Trong khi đó, Al Rayyan đang là ĐKVĐ và cũng là đội vô địch nhiều nhất (12 lần) giải VĐQG Qatar.

Al Rayyna cũng vừa vô địch giải các CLB nam Tây Á 2025. Đội bóng đến từ Qatar có nhiều ngôi sao quốc tế, chơi tấn công mạnh mẽ và phòng ngự chắc chắn. Al Rayyna cũng được đánh giá là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch.

Trước các đối thủ có thực lực, trình độ và thành tích vượt trội, thử thách cho Ngọc Thuân cùng các đồng đội là rất lớn. Đây sẽ là cơ hội để các cầu thủ Việt Nam cọ xát, học hỏi và nâng cao trình độ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. HLV Trần Đình Tiền cho biết, toàn đội giữ được tinh thần tốt trước khi tham dự giải đấu tại Nhật Bản.

Đây là lần đầu các cầu thủ được tham gia cuộc đấu quốc tế trong năm 2025 nên ban huấn luyện yêu cầu từng vị trí phải tập trung trong thi đấu. Các đội bóng dự giải đều là đội mạnh và các cầu thủ Việt Nam có thêm cơ hội tích lũy cho mình.

Để chuẩn bị giải, đội tuyển nam Việt Nam bắt đầu “rèn quân” tại Đà Nẵng từ giữa tháng 4 với 16 tuyển thủ gồm: Đinh Văn Duy, Nguyễn Ngọc Thuân, Trần Duy Tuyến, Phạm Văn Hiệp, Trương Thế Khải, Phan Công Đức, Cao Đức Hoàng, Nguyễn Thanh Hải, Trịnh Duy Phúc, Chế Quốc Lô Vít, Nguyễn Văn Quốc Duy, Dương Văn Tiên, Quản Trọng Nghĩa, Phạm Quốc Dư, Phạm Xuân Sinh và Hoàng Xuân Trường.

Sau đó, đội rút danh sách chính thức còn 14 cầu thủ khi Xuân Sinh và Xuân Trường lỡ hẹn. Đa phần các cầu thủ dự giải châu Á lần này đều giữ được phong độ và thể hiện tốt ở giai đoạn I giải VĐQG và Cup Hùng Vương vừa qua.

Sau khi kết thúc giải tại Nhật Bản, ban huấn luyện đội tiếp tục điều chỉnh chuyên môn để tập huấn chuẩn bị trong các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài giải đấu này, năm nay thầy trò HLV Trần Đình Tiền sẽ dự giải AVC Challenge Cup tại Bahrain tháng 6, SEA V.League tháng 7 tại Philippines và Indonesia, đặc biệt là SEA Games 33 tại Thái Lan vào tháng 12.

Đây là kỳ đại hội mà đội tuyển nam quốc gia được Cục TDTT Việt Nam và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam giao chỉ tiêu lọt vào chung kết (lần gần nhất đội đi đến trận chung kết SEA Games - nhưng chỉ giành HCB vào năm 2022 trên sân nhà).

Đây là mục tiêu không hề dễ dàng bởi ngoài 2 đối trọng lớn nhất tại khu vực là Indonesia và Thái Lan thì đội còn gặp phải sự cạnh tranh đến từ Campuchia, Philippines hay Myanmar.

Do vậy mà AVC Men’s Champions League 2025 được xem là sân chơi không thể tốt hơn giúp các cầu thủ tích luỹ, cọ xát, tạo bước chạy đà cho những giải đấu quan trọng sắp tới. 

 Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với 20 cầu thủ được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đang tập huấn tại Quảng Ninh. Năm 2025, các cô gái Việt Nam có rất nhiều sân chơi quốc tế quan trọng gồm: AVC Nations Cup 2025 (Hà Nội, tháng 6), VTV Cup 2025 (Vĩnh Phúc, tháng 7), SEA V.League (Việt Nam, Thái Lan, tháng 7 và tháng 8), giải VĐTG 2025 (Thái Lan, tháng 9), SEA Games 33 (Thái Lan, tháng 12).

Năm nay, đội tuyển nữ Việt Nam vinh dự lần đầu tiên trong lịch sử thi đấu Giải bóng chuyền nữ VĐTG 2025 nhờ thành tích hạng tư tại giải vô địch châu Á 2023. Còn tại SEA Games 33, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt được giao chỉ tiêu lọt vào chung kết và tranh HCV. Bóng chuyền nữ Việt Nam chưa giành HCV tại SEA Games.

Trong 20 năm qua, đội lọt vào chung kết các kỳ SEA Games từ năm 2005 tới SEA Games năm 2023 (trừ SEA Games năm 2017) và đều thua Thái Lan.