Chất lượng mặt sân và câu chuyện điểm nghẽn

NGỌC TRUNG

VHO - Đến hẹn lại lên, mỗi mùa giải đôi ba lần, câu chuyện chất lượng mặt sân tại V.League không đảm bảo lại dậy sóng…

 Chất lượng mặt sân và câu chuyện điểm nghẽn - ảnh 1
Mặt sân Hà Tĩnh được HLV Polking chia sẻ

 Khi mặt sân như... bãi ruộng

Tuần qua, sau chuyến làm khách chật vật tại Hà Tĩnh, HLV Mano Polking của CLB CAHN bày tỏ sự bức xúc vì mặt cỏ tại sân vận động xuống cấp trầm trọng. Tới nỗi, trong bài đăng trên mạng xã hội, nhà cầm quân này còn chia sẻ với hàm ý mặt sân như thể để “chăn thả gia súc” kèm theo hình ảnh mặt sân lầy lội bùn đất trông thật thê thảm.

“Nếu tiếp tục đặt kết quả trận đấu lên trên chất lượng, bóng đá Việt Nam sẽ không thể phát triển. Trung bình thời gian “bóng chết” của một trận đấu lên đến hơn một hiệp đấu là điều quá vô lý” HLV Polking nhận xét. Ông cũng đưa ra dữ liệu thời gian bóng chết của trận đấu là 57 phút 10 giây đồng thời cho biết số đường chuyền của hai đội khi đấu trên sân Hàng Đẫy (CAHN: 528 và Hà Tĩnh: 397) và trên sân Hà Tĩnh (CAHN: 370 và Hà Tĩnh: 308). Điều đó cho thấy chất lượng mặt sân đã ảnh hưởng đến trận đấu như thế nào.

Không chỉ Hà Tĩnh, chất lượng sân Quy Nhơn (Bình Định) cũng bị bêu tên. Ngày 25.1, trước thời điểm đề tài dậy sóng sau chia sẻ của HLV Polk­ing, Công ty cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi công văn đến CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và CLB Quy Nhơn Bình Định yêu cầu nhanh chóng nâng cấp chất lượng sân vận động Quy Nhơn và sân vận động Hà Tĩnh nhằm đảm bảo điều kiện thi đấu cho phần còn lại của mùa giải.

Tuy nhiên, theo báo cáo vòng 12, dù đã có những nỗ lực bảo dưỡng, mặt cỏ của cả hai sân vận động vẫn chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chuyên môn của trận đấu và hình ảnh giải đấu. Ban tổ chức giải tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu các câu lạc bộ phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý sân, tạm dừng mọi hoạt động tập luyện và thi đấu để tập trung tu sửa mặt cỏ. Các biện pháp chăm sóc cần được triển khai tối đa nhằm đảm bảo điều kiện thi đấu tốt nhất cho vòng 15.

Vì thế, VPF đã gửi công văn lần thứ hai đến các CLB nêu trên, yêu cầu khắc phục tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của mặt sân thi đấu. Nếu không có sự cải thiện đáng kể, hai đội có thể sẽ phải thi đấu trên sân trung lập từ vòng 15 V.League 1-2024/2025.

VPF đã đặt hạn chót để kiểm tra chất lượng mặt sân đó là ngày 21.2 đối với sân Hà Tĩnh và ngày 22.2 đối với sân Quy Nhơn. Nếu các sân này không đáp ứng tiêu chuẩn, các câu lạc bộ buộc phải đăng ký sân thay thế được Ban tổ chức giải phê duyệt cho đến khi việc cải tạo hoàn tất.

Vẫn còn sự chồng chéo

Trong câu chuyện chất lượng mặt sân tại V.League, VPF đã thể hiện sự lo toan, sốt sắng và quyết liệt để đảm bảo điều kiện thi đấu chứ không phải xử lý tạm thời theo cái cách phun sơn lên mặt sân như sân Nha Trang (Khánh Hòa) hồi năm 2023. Tuy nhiên, Ban tổ chức không thể xử lý trọn vẹn vấn đề nếu không có sự chung tay của địa phương và CLB, rộng hơn là doanh nghiệp tài trợ chính.

Trước nhất, cần nhấn mạnh mặt sân đóng vai trò then chốt trong bóng đá, tác động đến cả lối chơi, chiến thuật, thể lực cầu thủ lẫn trải nghiệm của khán giả. Việc đầu tư vào chất lượng sân bãi không chỉ giúp nâng cao chất lượng chuyên môn mà còn đảm bảo tính công bằng và sự phát triển bền vững của môn thể thao được yêu thích nhất trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng.

Thực tế chất lượng sân cỏ tại V.League đã có những cải thiện nhất định. Nếu như trước đây hình ảnh sân cỏ mấp mô, trơ trụi là tình trạng chung từ Nam chí Bắc thì hiện nay, đã có những mặt sân đẹp, mượt mà như sân Hàng Đẫy (Hà Nội), Pleiku (Gia Lai), Thống Nhất (TP.HCM), Thiên Trường (Nam Định). Dù vậy, như đã đề cập, vẫn còn đó hiện tượng mặt sân xấu gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh bóng đá Việt Nam.

Có nhiều lý do khiến mặt sân xấu, từ thời tiết khắc nghiệt đến cường độ sử dụng. Tuy nhiên, căn nguyên vấn đề nằm ở chuyện khai thác và sử dụng sân. Đối với những nền bóng đá phát triển, CLB là chủ sở hữu, trực tiếp quản lý và khai thác sân vận động.

Một dẫn chứng về mặt câu chữ, các cây bút thể thao viết “Real Ma­drid là đội chủ sân Santiago Bernabeu” là đúng, nhưng không thể viết “CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là chủ sân Hà Tĩnh”. Sân bóng này thuộc quyền quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Tĩnh.

Thực tế, đa số các sân bóng đều thuộc quyền của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT. Cách thức phối hợp mỗi nơi mỗi khác, nhưng tóm lại là có sự chồng chéo và thậm chí đôi lúc không tìm được tiếng nói chung.

Vì sự thiếu đồng bộ và nhất quán ấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá sẵn sàng chi hàng chục tỉ lót tay cho một cầu thủ, nhưng ngân sách chi cho bảo dưỡng sân cỏ (theo tìm hiểu tiêu tốn khoảng 40-50 triệu đồng mỗi tháng) lại eo hẹp và chặt chẽ hơn. Đấy là dẫn chứng sinh động về điểm nghẽn về thiết chế văn hóa, thể thao.

Mở rộng vấn đề, quản lý sân bóng mới chỉ là một trong nhiều vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ giữa địa phương và doanh nghiệp. Lịch sử V.League chứng kiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ngang đội bóng vì tính ràng buộc thiếu chặt chẽ với địa phương lẫn bóng đá. Thậm chí có kiểu doanh nghiệp đầu tư vào CLB chủ yếu để đổi quyền lợi khác tại địa phương thay vì phát triển bóng đá bền vững. Phía bên kia, địa phương lại thiếu tư duy cởi mở và mạnh dạn để thay đổi và thích ứng.

Bởi vậy, cần lắm sự chặt chẽ, tính bền vững hay nôm na là chuyên nghiệp trong mối quan hệ này. Đã quyền lợi phải đi đôi trách nhiệm, trong đó bảo đảm công bằng, đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ trên nền tảng coi trọng xã hội hóa nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Có như vậy bóng đá Việt Nam mới dần đi lên chuyên nghiệp. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc