Cần gia tăng sức mạnh để lọt top 100 thế giới
VHO - Đội tuyển Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trên bảng xếp hạng FIFA. Theo tính toán của Football Rankings, sau hai chiến thắng trước Campuchia và Lào, đội tuyển Việt Nam được cộng thêm 19,03 điểm, nâng tổng điểm lên 1.183,82, tăng 5 bậc từ hạng 114 lên 109.

Từ đó dấy lên hy vọng về việc đội tuyển sẽ trở lại top 100 trong năm nay. Và muốn làm được điều đó, đội tuyển Việt Nam cần phải gia tăng sức mạnh.
Xu hướng chung của các nước trong khu vực
Trong trận đấu giao hữu gặp đội tuyển Campuchia trên sân Gò Đậu, Bình Dương, tuyển Việt Nam khá vất vả mới có thể giành chiến thắng 2-1, do Campuchia có tới 5 cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát.
Với thể hình, thể lực và kinh nghiệm thi đấu quốc tế tốt hơn, các cầu thủ nhập tịch của Campuchia đã tạo ra sự khác biệt, đặc biệt trong tranh chấp tay đôi và tổ chức tấn công. Họ chơi quyết liệt, pressing mạnh mẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc triển khai bóng.
Dù kiểm soát thế trận tốt hơn, các học trò của HLV Kim Sang-sik vẫn phải rất nỗ lực mới có thể giành trọn 3 điểm trước một Campuchia tiến bộ vượt bậc.
Và không chỉ Campuchia, trong những năm vừa qua, các nước trong khu vực đều gia tăng sức mạnh cho đội tuyển bằng chiến lược nhập tịch cầu thủ và câu chuyện trên sân Gò Đậu vừa qua lại một lần nữa cho thấy, nếu Việt Nam đứng ngoài xu thế này thì có thể sẽ bị những đội từng được xem là “chiếu dưới” như Campuchia gây khó trong thời gian tới.
Trên bình diện chung, trong những năm vừa qua, bóng đá khu vực đã có sự tiến bộ vượt bậc cả về cơ sở hạ tầng, chất lượng đào tạo cầu thủ và sự đầu tư của các nước.
Tuy nhiên để có thể cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, nhiều quốc gia đã nhận ra rằng bên cạnh việc tăng cường chất lượng cầu thủ nội, cần phải bổ sung “nhân tố mới” từ những cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu tại các giải quốc tế lớn.
Trong bối cảnh đó, chiến lược nhập tịch được xem là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả, nhằm lấp đầy khoảng trống về trình độ và kinh nghiệm của những nền bóng đá đang phát triển.
Indonesia là một trong những nước tích cực nhất trong việc nhập tịch cầu thủ. Từ giai đoạn 2010 đến nay, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã nhập tịch hàng loạt cầu thủ từ Hà Lan, Brazil, Argentina và các nước châu Âu khác.
Điều này xuất phát từ việc nhiều cầu thủ Indonesia có gốc gác Hà Lan. Trong trận đấu gần nhất với Bahrain trên sân nhà, Indonesia xuất phát với 10 cầu thủ sinh ra ở Hà Lan.
Ngoài ra, trên băng ghế dự bị của họ vẫn còn 9 cầu thủ nữa cũng sinh ra ở trời Âu. Nhờ sự bổ sung cấp tốc này, thành tích của bóng đá Indonesia tăng trưởng vượt bậc. Họ lần đầu lọt vào vòng loại World Cup thứ ba, đồng thời cũng vượt qua chính Việt Nam để giành vé vào vòng loại trực tiếp Asian Cup 2024.
Trong khi đó Malaysia cũng không đứng ngoài cuộc. Họ có chương trình nhắm đến những cầu thủ có gốc Malaysia, hoặc những ngoại binh chơi tại giải quốc nội trong thời gian dài.
Những cầu thủ như Mohamadou Sumareh (gốc Gambia), Guilherme de Paula (Brazil), Liridon Krasniqi (Kosovo) đã gia nhập đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, chương trình này cũng gây tranh cãi khi nhiều cầu thủ nội địa lo ngại mất suất thi đấu.
Trong trận đấu gần nhất, Malaysia tung ra đến 8 cầu thủ nhập tịch, trong đó có những người có dòng máu Malaysia nhưng sinh ra ở nước ngoài.
Thành công của bóng đá Indonesia cũng khích lệ Malaysia chơi tất tay trong cạnh bạc nhập tịch, khi lên kế hoạch có thêm 7 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài và có chất lượng tốt trước cuộc đối đầu với tuyển Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2027 vào tháng 6 năm nay.
Với đội bóng “Voi chiến”, dù có nền bóng đá mạnh nhất khu vực, nhưng Thái Lan vẫn sử dụng chính sách nhập tịch ở mức độ giới hạn. Họ chủ yếu sử dụng các cầu thủ Thái kiều sinh ra ở châu Âu như Jonathan Khemdee, Tristan Do, hay Kevin Deeromram. Chính sách này giúp đảm bảo đội tuyển có sự pha trộn giữa kinh nghiệm quốc tế và bản sắc địa phương.
Philippines là quốc gia có số lượng cầu thủ nhập tịch cao nhất Đông Nam Á. Đội tuyển quốc gia của họ phần lớn là cầu thủ gốc châu Âu, đặc biệt từ Anh, Đức, Tây Ban Nha nhờ vào chính sách nhập tịch mạnh mẽ.
Những cái tên như Stephan Schröck, Neil Etheridge, hay anh em nhà Younghusband đều có gốc gác từ châu Âu và giúp đội tuyển có sự cải thiện đáng kể.
Không thể đứng ngoài cuộc
Trước xu hướng nhập tịch của bóng đá khu vực, bóng đá Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ví dụ sinh động nhất là tại ASEAN Cup 2024 vừa qua, Nguyễn Xuân Son đã trở thành một phần không thể thiếu của đội tuyển Việt Nam.
Và dù khi vắng Son, đội tuyển Việt Nam vẫn giành ngôi vô địch, nhưng sức mạnh vượt trội của anh trên hàng công đã giúp cho tuyển Việt Nam có một hành trình ngoạn mục tại giải đấu hấp dẫn nhất khu vực.
Có mặt tại Thái Lan trong trận chung kết rực lửa ấy, phóng viên Văn Hóa đã cảm nhận được tình cảm của các cổ động viên nước nhà dành cho chàng trai này.
Sự gắn kết của gia đình Xuân Son với cộng đồng người Việt Nam và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Brazil, gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng cho thấy khi chúng ta có thêm một cầu thủ nhập tịch, không chỉ giúp cho sức mạnh của tuyển Việt Nam mạnh lên mà còn giúp cho tình thân, sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia có cầu thủ được nhập tịch Việt Nam gần gũi hơn.
Trước đây chúng ta cũng đã có một số trường hợp nhập tịch như Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng Max. Gần đây, nhằm đảm bảo tính gắn kết và phát triển cầu thủ có dòng máu Việt, bóng đá Việt Nam tập trung vào các cầu thủ Việt kiều như Filip Nguyễn, Đặng Văn Lâm.
Việc hậu vệ trái mang dòng máu Pháp Jason Pendant Quang Vinh vừa nhập quốc tịch Việt Nam, cũng cho thêm những hy vọng mới. Bố anh là người Pháp và mẹ là người Việt Nam. Jason Pendant Quang Vinh có thể là một lựa chọn mới dành cho HLV Kim Sang-sik giúp vị HLV Hàn Quốc thêm tự tin trên hành trình giành vé dự VCK Asian Cup 2027, cũng như dần đưa bóng đá Việt Nam trở lại top 100 thế giới.
Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Kim Sang-sik nêu quan điểm: “Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam cần có sự thay đổi thế hệ. Để làm điều đó, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm những cầu thủ nhập tịch, cầu thủ có quốc tịch kép (Việt kiều). Đây là xu hướng của bóng đá châu lục cũng như toàn cầu. Để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của bóng đá Việt Nam, chúng tôi sẽ phải theo xu thế”.
Và điều đó cũng sẽ mở ra cánh cửa cho ước mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam của nhiều cầu thủ nhập tịch cũng như các cầu thủ gốc Việt, hiện đang thi đấu cho các CLB mạnh trên thế giới. Việc nhập tịch hoặc bổ sung các cầu thủ gốc Việt chắc chắn sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam bổ sung sức mạnh, nhất là trong bối cảnh giao lưu quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.n