Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Bệ phóng vững chắc cho sự phát triển của thể thao
VHO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15.10.2024 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược được chờ đợi là sẽ tạo đà cho sự phát triển bền vững của thể thao Việt Nam trong thời gian tới.
Tin vui với ngành thể thao
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nhấn mạnh, đây là tin vui với ngành TDTT nước nhà. “Ngày 3.2.2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020. Sau 10 năm triển khai, các chỉ tiêu lớn của Chiến lược đã cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển VHTTDL. Đến nay đã kết thúc giai đoạn thực hiện Chiến lược đến năm 2020, cần xây dựng, triển khai một Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển sựnghiệp TDTT trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn 2021-2030 có nhiều thay đổi, tạo ra thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về công tác TDTT, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tiếp cận mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng lĩnh vực TDTT. Việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược để sớm triển khai thực hiện sẽ góp phần đưa thể thao Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới. Đây có thể xem là kim chỉ nam cho toàn ngành trong việc xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp”. Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết.
Mục tiêu chung của Chiến lược vừa được phê duyệt là nhằm để mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ TDTT; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp TDTT.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như phong trào TDTT cho mọi người phát triển rộng khắp, trong đó số người tập luyện TDTT thường xuyên theo tiêu chí quy định đạt trên 45% dân số; trên 90% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; hầu hết đơn vị hành chính cấp xã cho đến địa bàn ở cơ sở (gọi chung là thôn, tổ dân phố) và khu dân cư có CLB thể thao cơ sở.
Thể thao thành tích cao duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ Asian Games; trong đó phấn đấu đạt từ 5-7 HCV tại các kỳ Asian Games, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á...
Phấn đấu đến năm 2045 bóng đá nam trong tốp 8 châu Á
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2045 phong trào thể dục, thể thao phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong Nhân dân; trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sĩlực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.
Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai ASIAD, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao. Thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hằng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Đối với TDTT cho mọi người, Chiến lược đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và lồng ghép hiệu quả với các chiến lược, chương trình, đềán, phong trào liên quan, hướng tới mỗi người dân thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cá nhân. Mở rộng mạng lưới thiết chế thể thao cơ sở, phát triển mạnh số lượng các câu lạc bộ thể thao, các điểm tập luyện TDTT công cộng. Tổ chức hiệu quả mạng lưới hướng dẫn viên thể thao cơ sở, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong cộng đồng. Tăng cường phối hợp liên ngành tổ chức các hoạt động TDTT trong từng đối tượng (công nhân, viên chức, nông dân, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi...).
Chú trọng phát triển thể thao học đường
Thể thao học đường được xem là chân đế cho sự phát triển bền vững của thể thao thành tích cao cũng như phục vụ cho mục tiêu cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Chiến lược đềra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống. Tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn.
Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổtruyền và một số môn thể thao phù hợp khác. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường. Đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong và liên trường, ở các cấp học và trên từng địa bàn.
Tiếp tục lồng ghép việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thường xuyên rà soát, đánh giá các chỉ số thể lực, tầm vóc của học sinh, sinh viên để có biện pháp can thiệp về thể thao, từng bước khắc phục tình trạng thừa cân, thấp còi, suy dinh dưỡng. Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội...
Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao I - Cục TDTT nhấn mạnh, việc Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể cùng với đó là nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi để thực hiện sẽ là định hướng phát triển cho thể thao Việt Nam trong thời gian tới. Chiến lược cũng đề cập toàn diện, đầy đủ, từ việc phát triển thể thao cho mọi người; thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp đến việc bảo tồn phát triển các môn thể thao dân tộc, phát triển thể thao học đường...
“Việc Chiến lược phát triển TDTT được Chính phủ phê duyệt sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thể thao phát triển bền vững và sẽ có nhiều cơ hội để chúng ta hội nhập sâu rộng với quốc tế”, ông Vinh nói và cho biết, trong thời gian tới, các đềán nhánh thuộc Chiến lược sẽ được xây dựng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đềra. Qua đó phát triển toàn diện nền thể thao Việt Nam, từthể thao cho mọi người; thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; hợp tác quốc tế; thông tin truyền thông; thể chế pháp luật; khoa học công nghệ, y học thể thao.
Đặc biệt là việc đề cập đến các nguồn lực để giúp thể thao phát triển trong đó có việc hoàn thiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo hướng cụ thể, phù hợp và khả thi; tạo điều kiện để các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, nhất là các tập đoàn kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành các công trình thể thao quy mô lớn, tổ chức sự kiện thể thao quốc tế và hỗ trợ, tài năng cho các đội tuyển, vận động viên thể thao trọng điểm. Thúc đẩy hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết trong đầu tư, khai thác, vận hành các công trình thể dục, thể thao, tổchức sự kiện, cung ứng dịch vụ thể dục, thể thao... (Xem toàn văn Quyết định 1189/QĐ - TTg trên Văn Hóa điện tử).