Bệ phóng từ các giải trẻ

VHO- Giải cờ vua trẻ toàn quốc 2022 đang diễn ra tại Bà Rịa Vũng Tàu thu hút hơn 1.000 kỳ thủ đến từ 43 đơn vị tỉnh thành, ngành, CLB. Đây là con số đáng mơ ước với bất kỳ giải thể thao tại Việt Nam.

Bệ phóng từ các giải trẻ - Anh 1

 Các giải trẻ luôn là bệ phóng cho những tài năng của cờ vua Việt Nam Ảnh: VNC

Năm nay, giải diễn ra ngay sau SEA Games 31 - kỳ đại hội mà đội tuyển cờ vua Việt Nam thi đấu thành công rực rỡ khi giành 7 HCV, 2 HCB và 3 HĐC để vô địch toàn đoàn và tiếp tục khẳng định vị thế số 1 tại khu vực. Việc các tuyển thủ Việt Nam giành thành tích cao ở kỳ đại hội trên sân nhà đã tạo hiệu ứng tích cực và là cú hích cho các giải đấu trong nước cũng như phong trào cờ vua. HLV đội tuyển cờ vua Việt Nam Lâm Minh Châu cho rằng, các giải cờ vua trẻ trong những năm qua luôn thu hút đông đảo các VĐV tham dự và năm nay càng đặc biệt hơn khi cờ vua Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 31, điều này là động lực lớn giúp các kỳ thủ trẻ tiếp tục theo đuổi đam mê, tập luyện và tham dự các giải đấu nhiều hơn.

Các giải trẻ là môi trường rèn luyện, giúp phát hiện nhiều kỳ thủ tương lai để những nhà chuyên môn có định hướng đầu tư phát triển. Từ đó những kỳ thủ xuất sắc sẽ có cơ hội tham gia đội tuyển trẻ quốc gia tham dự các giải quốc tế. Cờ vua trẻ Việt Nam luôn giữ được vị trí số 1 Đông Nam Á ở những năm gần đây với số lượng HCV giành được vượt trội so với phần còn lại. Minh chứng tại giải cờ vua trẻ Đông Nam Á 2021 (thi đấu dưới hình thức trực tuyến), các kỳ thủ Việt Nam giành 14 HCV trong tổng số 24 bộ huy chương. Riêng ở châu Á, cờ vua trẻ Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu cùng với Ấn Độ và Trung Quốc. Ở đấu trường thế giới, cờ vua Việt Nam cũng gây tiếng vang lớn khi có rất nhiều nhà vô địch, đó là Lê Quang Liêm vô địch U14 năm 2005, Nguyễn Ngọc Trường Sơn (U10 năm 2000), Nguyễn Anh Khôi (U10 năm 2012 và U12 năm 2014), Nguyễn Lê Cẩm Hiền (U8 năm 2015) hay Phạm Trần Gia Phúc (U8 năm 2017).

Để có thể ghi danh trên bảng vàng lịch sử cờ vua thế giới, các kỳ thủ này cũng từng thi nhiều giải trẻ trong nước, nhờ năng khiếu thiên bẩm cũng như được va chạm, được học hỏi thêm nên khi ra đấu trường thế giới, họ đã không còn bỡ ngỡ và chứng minh được tài năng của mình. Lê Quang Liêm - kỳ thủ vừa mang về 2 HCV tại SEA Games 31 chính là ví dụ điển hình nhất. Trước khi vô địch thế giới lứa tuổi U14 năm 2005, Quang Liêm cũng thi đấu rất nhiều các giải trẻ. Để có được vị trí số 1 Việt Nam và là Siêu Đại kiện tướng Quốc tế như ngày hôm nay, ngoài tài năng, sự nỗ lực của bản thân thì bệ phóng từ các giải trẻ cũng đã giúp kỳ thủ này trưởng thành và phát triển kỹ năng. Quang Liêm không chỉ là niềm tự hào của cờ vua Việt Nam mà anh còn là thần tượng và là tấm gương sáng cho các kỳ thủ trẻ noi theo. “Muốn trở thành kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp cần 2 yếu tố. Thứ nhất là đam mê, không đam mê không thể bỏ nhiều thời gian tập luyện, theo đuổi lâu dài. Thứ hai là tính kỷ luật. Phải có thời gian biểu, tuân thủ việc tập luyện. Bên cạnh đó, việc rèn luyện thể lực cũng rất quan trọng”, Quang Liêm chia sẻ về bí quyết chơi cờ với các kỳ thủ trẻ.

Quang Liêm cũng nhắn nhủ đến các kỳ thủ, những người mới tập cờ hay đã biết đánh cũng như từng thi đấu các giải trẻ: “Thích cờ vua thì cứ chơi trước, không cần đặt mục tiêu quá cao, ước mong là tốt nhưng ước mơ quá cao thì trừu tượng, khó. Các bạn đam mê cờ nên đưa ra mục tiêu gần hơn, năm sau giành giải trường, ở quận, quốc gia, Đông Nam Á, châu Á rồi thế giới, chinh phục từng mục tiêu gần trước rồi hướng đến mục tiêu xa hơn”. 

 VĨNH HẢI

Ý kiến bạn đọc