Bắn súng nhìn từ Giải vô địch thế giới: Vẫn còn nhiều nỗi lo!
VHO- 6 xạ thủ của Việt Nam đang tham dự Giải vô địch bắn súng thế giới tổ chức tại Cairo (Ai Cập), từ ngày 12-28.10. Từ giải đấu danh giá, quy tụ hầu hết các tay súng giỏi nhất của bắn súng thế giới hiện nay, bắn súng Việt Nam có thể tự soi chiếu để có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai.
Dù phá kỷ lục quốc gia nhưng thành tích của Phí Thanh Thảo vẫn còn khoảng cách xa với đấu trường thế giới Ảnh: TRẦN HUẤN
Mừng nhưng vẫn lo
Trong số các xạ thủ hoàn thành thi đấu trong 2 ngày đầu tiên 14-15.10, xạ thủ Phí Thanh Thảo là người có thành tích khả quan nhất khi cô phá phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 10m súng trường hơi nữ. Điều đáng mừng là chỉ trong vòng 1 tuần, kỷ lục quốc gia ở nội dung này đã liên tục được phá. Kỷ lục quốc gia cũ ở nội dung này là 624 điểm. Đến giải vô địch tay súng xuất sắc quốc gia vừa tổ chức, xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền (TP.HCM) đã phá kỷ lục quốc gia với thành tích là 625,4 điểm. Chỉ 6 ngày sau, Phí Thanh Thảo đã phá kỷ lục ở giải đấu lớn nhất thế giới. Thành tích của Thảo là 627,4 điểm, phá kỷ lục quốc gia mới được thiết lập tới 2 điểm. Với một xạ thủ 18 tuổi, mới lần đầu dự giải vô địch thế giới, đã phá kỷ lục quốc gia, là đáng để ghi nhận.
Tuy nhiên thành tích này của Thảo lại cách khá xa so với thành tích trong tập luyện của cô. Nếu giữ vững thành tích trong lúc tập luyện tại thời điểm thi đấu, Thảo hoàn toàn có thể lọt vào tốp 15-20 VĐV dẫn đầu thế giới. Tất nhiên điều đó là quá khó, nhất là với một VĐV trẻ, lần đầu dự giải thế giới như Thảo. Thêm nữa kỷ lục quốc gia cũ (625,4 điểm) ở nội dung này cũng chỉ hơn một chút so với thành tích (625,3 điểm) của VĐV đứng ở vị trí thứ 56 thế giới. Và thành tích của Thảo, tuy phá khá sâu kỷ lục quốc gia cũng chỉ cho cô vị trí thứ 38/135 thế giới.
Phí Thanh Thảo được xem là vận động viên trẻ đầy triển vọng của bắn súng Việt Nam. Khi phát hiện ra tài năng Phí Thanh Thảo, nguyên HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung phải “ém” tài năng trẻ này khá lâu bởi chị lo việc được giới truyền thông săn đón, sẽ làm Thảo khó tập trung trong tập luyện và thi đấu, nhất là khi Thảo đang là “hot girl” của đội tuyển bắn súng. Và chiếc HCV SEA Games 31 đã cho thấy tiềm năng của VĐV này. Nhận xét về học trò của mình tại SEA Games 31, HLV Nguyễn Duy Hoàng cho biết: “Thảo có tâm lý thi đấu tốt, độ tiềm tĩnh cao. Bên cạnh đó, Thảo là VĐV có tố chất thi đấu ở môn bắn súng nên mới chỉ tập bắn 4 năm đã đoạt HCV SEA Games. Vì đã từng là VĐV môn lặn nên Thảo có lợi thế là dung tích phổi lớn. Điều đó sẽ giúp em nín thở được lâu hơn, duy trì được nhịp ổn định khi thực hiện kỹ thuật bắn”. Tuy nhiên, để có thể đến được với các đấu trường lớn, Thảo cần có thêm nhiều thời gian, được đầu tư đúng hướng và sự khổ luyện, nỗ lực tự thân.
Chưa thấy bóng dáng người kế thừa
Cũng từ giải vô địch thế giới, đang diễn ra tại Cairo, nỗi lo “muôn năm cũ” lại ùa về khi bóng dáng “hậu duệ” của nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh vẫn chưa thấy đâu. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam từng làm nên tên tuổi của Hoàng Xuân Vinh, chúng ta tham gia tranh tài với 2 VĐV là Phạm Quang Huy và Phan Xuân Chuyên. Rất nỗ lực Phạm Quang Huy đã đạt 571 điểm, xếp thứ 64/120 VĐV tham dự giải. Cũng tại vòng loại, Phan Xuân Chuyên đạt 568 điểm, xếp hạng 80/120 VĐV dự giải. Với kết quả này, cả 2 tay súng đến từ Việt Nam đều không thể vào chung kết.
Thời xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn thi đấu, thành tích từ 580 đến 587 điểm ở vòng loại đã giúp anh lọt vào vòng chung kết và mang về nhiều HCV thế giới và châu Á. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, rất khó để so sánh giữa Phan Xuân Chuyên hay một VĐV trẻ như Quang Huy với một VĐV lẫy lừng như Hoàng Xuân Vinh. Nhưng thông số thành tích ấy cũng nói lên nỗi lo rằng không biết đến bao giờ chúng ta mới có được một xạ thủ tầm cỡ như Hoàng Xuân Vinh, nhất là với môn bắn súng, việc đào tạo nên một VĐV đòi hỏi một chu trình dài. Điều đó đặt ra vấn đề với các nhà tuyển trạch của bắn súng Việt Nam hiện nay bởi nếu không lựa chọn, đào tạo thật tốt thì khó mà có thêm nhiều tài năng có thể kế bước các đàn anh.
Bên cạnh Xuân Vinh, bao năm qua bắn súng Việt Nam cũng luôn reo tên Trần Quốc Cường tại các giải đấu lớn. Anh từng đứng ở vị trí thứ 4 tại Giải bắn súng vô địch thế giới vào năm 2010 và giành nhiều HCV SEA Games, Asian Games, đoạt vé tham dự Olympic Rio 2016. Năm nay dù đã bước sang tuổi 48 và đã quyết định giã nghiệp sau chiếc HCV SEA Games 31 nhưng tại Giải vô địch tay súng xuất sắc quốc gia vừa được tổ chức, Trần Quốc Cường vẫn đoạt HCV ở nội dung này với thành tích 234,7 điểm. Chiếc HCV của Quốc Cường cho thấy xạ thủ này vẫn giữ được phong độ tốt nhưng cũng báo lên hồi chuông báo động với bắn súng Việt Nam, khi chúng ta chưa có được VĐV có khả năng vượt qua “lão tướng” đã 48 tuổi này.
Điều đáng ngại hơn, trong nhiều năm nay, bắn súng luôn phải đối mặt với thực tế thiếu đạn tập, hầu hết các VĐV trẻ đều phải tập “chay” (bắn không có đạn). Vì thế công tác tuyển chọn tài năng cho bắn súng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều VĐV trẻ, có năng khiếu, lúc được tuyển chọn thì hăng hái nhưng khi bước vào tập luyện lại quá nản với việc tập “chay” nên đã bỏ cuộc. Thực tế này đòi hỏi những người có trách nhiệm với bắn súng Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền cần rốt ráo hơn nữa để giải quyết bài toán hóc búa về đạn tập đã tồn tại suốt nhiều năm qua của bắn súng Việt Nam.
VÂN GIANG