HLV Park Chung-gun chia tay sau 10 năm gắn bó:

Bài toán khó cho bắn súng Việt Nam

THU SÂM

VHO - Sau hơn 10 năm gắn bó, HLV Park Chung-gun đã nói lời chia tay với bắn súng Việt Nam. Trong hơn 10 năm vị chuyên gia Hàn Quốc coi Việt Nam là quê hương thứ hai, ông đã có nhiều giây phút huy hoàng để rồi thành tích mà ông để lại chắc chắn sẽ là thách thức cho những người kế nhiệm.

Bài toán khó cho bắn súng Việt Nam - ảnh 1
Giờ thì bắn súng Việt Nam sẽ phải giải bài toán khi không có ông Park sau hơn 10 năm gắn bó

“Gia sản” đồ sộ của ông Park

Mối lương duyên của ông Park với bắn súng Việt Nam bắt đầu từ giải vô địch trẻ thế giới, tổ chức ở Croatia vào năm 2006. Tại đó ông Park đã gặp HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia là bà Nguyễn Thị Nhung khi cả hai đều dẫn quân đi thi đấu. Sau này bà Nhung chính là người đã báo cáo các cấp lãnh đạo và mời chuyên gia Park Chung-gun về giúp sức cho bắn súng Việt Nam.

Sau thời gian làm thời vụ, ông Park được ký hợp đồng 1 năm một trong vai trò là chuyên gia cho đội tuyển Bắn súng quốc gia. Đến từ một nền bắn súng hiện đại hàng đầu châu lục và có “số má” trên thế giới, ông Park là người đã giúp cho bắn súng Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật hiện đại và tư duy của một nền bắn súng hàng đầu châu lục.

Sự chắc chắn về chuyên môn khi đó của ông Park và HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung đã thuyết phục được lãnh đạo ngành khi đó thực hiện được những kế hoạch mà ban huấn luyện đội tuyển đề ra, để tấn công vào đấu trường Olympic.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng nhớ lại: “Trong những lần Hoàng Xuân Vinh thất bại tại Asian Games Quảng Châu 2010, Olympic London 2012, Asian Games 2014, chuyên gia Park Chung-gun đã gặp tôi xin lỗi và thuyết phục rằng hãy tiếp tục đầu tư cho Hoàng Xuân Vinh bởi chắc chắn Hoàng Xuân Vinh sẽ có huy chương Olympic.

Chuyên gia Park Chung-gun cũng là người chủ chốt cùng ban huấn luyện lên giáo án huấn luyện, kế hoạch tập huấn, thi đấu, theo sát Hoàng Xuân Vinh trong suốt quá trình tập luyện và chỉ đạo khi thi đấu”.

Vốn là lãnh đạo ngành sâu sát và trước sự thuyết phục của ông Park cùng HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng và các lãnh đạo ngành Thể thao khi ấy đã quyết định tập trung đầu tư trọng điểm cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Bài toán khó cho bắn súng Việt Nam - ảnh 2
Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 mang đậm dấu ấn của chuyên gia Park Chung-gun

Từ niềm tin và sự đầu tư của ngành Thể thao, ông Park đã cùng HLV Nguyễn Thị Nhung và tập thể ban huấn luyện đội tuyển tìm ra hướng đi mới cho đội tuyển bắn súng, khắc phục tình trạng thiếu đạn và các trang thiết bị, trường bắn thô sơ bằng các chuyến tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc và dự các giải đấu lớn trên thế giới.

Khi tập huấn tại Hàn Quốc, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã có dịp được tập luyện cùng những tượng đài của bắn súng thế giới như xạ thủ Jin Jong Oh khi đó đã đoạt 3 HCV cá nhân môn bắn súng tại 2 kỳ thế vận hội liên tiếp vào năm 2008 và 2012.

Việc tập luyện cùng tượng đài của bắn súng thế giới và các VĐV hàng đầu của Hàn Quốc trong trường bắn hiện đại đã giúp cho Hoàng Xuân Vinh khắc phục điểm yếu tâm lý và nâng cao về trình độ để tỏa sáng rực rỡ tại Olympic Rio 2016 với 1 HCV, phá kỷ lục thế vận hội và 1 HCB.

Trước đó Hoàng Xuân Vinh và các đồng đội cũng giành nhiều huy chương tại các giải cúp thế giới. Sau khi đoạt HCV ở tuổi 42, tuổi tác là một trong những nguyên nhân khiến phong độ của Hoàng Xuân Vinh chững lại và anh đã không thể tỏa sáng tại kỳ Olympic 4 năm sau đó.

Bắn súng Việt Nam theo chu kỳ hình sin cũng đã có khoảng lặng trong một thời gian khi thế hệ VĐV thành danh đang ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp.

Tuy nhiên tại đấu trường lớn nhất khu vực, bắn súng Việt Nam vẫn khẳng định vị trí trong tốp đầu. Tại SEA Games 31, bắn súng Việt Nam giành 7 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ, xếp thứ 2 toàn đoàn.

Đây là thành tích vượt chỉ tiêu giành từ 4-6 HCV được thầy trò đội tuyển Bắn súng quốc gia đặt ra trước thềm giải đấu. Tại SEA Games 32, bắn súng không có trong chương trình thi đấu chính thức.

Tiếp đến tại đấu trường lớn nhất châu lục, tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào năm ngoái, đội tuyển Bắn súng Việt Nam đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ.

Thành tích này có dấu ấn của ban huấn luyện đội tuyển trong đó có vai trò của chuyên gia Park Chung-gun. Và tại Olympic vừa qua, bắn súng cũng là đội tuyển có thành tích tốt nhất khi Trịnh Thu Vinh xếp vị trí thứ tư và thứ bảy ở 2 nội dung thi đấu.

Bài toán khó cho bắn súng Việt Nam - ảnh 3

Và thách thức cho người kế nhiệm

Với những thành tích đã đạt được, tính tới thời điểm này ông Park Chung-gun là chuyên gia có thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam và điều đó sẽ đặt ra thách thức với những người kế nhiệm.

Trong số các vận động viên của đội tuyển bắn súng Việt Nam hiện nay, xạ thủ đang có thành tích tốt nhất tại 2 đấu trường Asian Games và Olympic là Phạm Quang Huy với chiếc HCV vừa đoạt được tại Asian Games 19 và nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh với vị trí thứ tư và thứ bảy tại Olympic Paris.

Hiện bắn súng Việt Nam vẫn đang hướng tới mục tiêu tại 2 đấu trường lớn này. Và để cho Quang Huy, Thu Vinh hay nhiều VĐV khác có thể vươn tới giấc mơ lớn này, đòi hỏi những người kế nhiệm ông Park phải có những hoạch định rõ ràng với những bước đi mang tính đột phá.

Để làm được điều này, ngay từ cơ quan quản lý nhà nước là Cục Thể dục thể thao đến Liên đoàn Bắn súng Việt Nam và ban huấn luyện đội tuyển đều phải chung một mục tiêu, một định hướng và đề ra một chiến lược cụ thể, rõ ràng, mang tính đột phá, kể cả thay đổi môi trường tập huấn tại Hàn Quốc mà chuyên gia Park Chung-gun đang áp dụng. Chúng ta cần những nhà chuyên môn giỏi, có tầm nhìn cho hướng đi sắp tới.

Hiện tại đội tuyển Bắn súng Việt Nam đang có một đội ngũ gồm nhiều HLV nội tràn đầy nhiệt huyết và khát khao khẳng định mình.

Đây sẽ là thời điểm để họ chứng minh được rằng sau một thời gian dài làm việc với chuyên gia ngoại, tham gia hầu hết các giải đấu lớn trên thế giới, họ đã học tập, tiếp thu được gì trong hành trang trở thành các HLV của đội tuyển quốc gia, có khả năng huấn luyện và dẫn dắt các học trò tại các đấu trường lớn trên thế giới.

Bài test đầu tiên với ban huấn luyện đội tuyển Bắn súng ở thời điểm hiện tại chính là kết quả thi đấu tại SEA Games 2025 sắp tới. Đây là đấu trường mà đội tuyển Bắn súng Việt Nam luôn ở trong tốp đầu những năm vừa qua.

Thành tích 7 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ, xếp thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 31 sẽ là dấu mốc cho mục tiêu tại kỳ Đại hội vào năm sau. Tiếp đó sẽ là mục tiêu mà Cục Thể dục thể thao dự định đặt ra cho chuyên gia Park Chung-gun nếu ông tiếp tục làm việc là 1- 2 tấm HCV tại Asian Games 2026. Đây sẽ là những đỉnh cao mà không phải bắn súng Việt Nam muốn với là có thể với ngay được.

Đó sẽ là thách thức với những người kế nhiệm ông Park và ngay cả việc kế thừa phát huy “gia sản” mà ông Park và các cộng sự để lại cũng sẽ là chặng đường gian nan trong thời gian tới.

Nhưng chắc chắn rằng với sự chung tay, góp sức, sự đồng lòng từ nhiều phía, bắn súng Việt Nam sẽ hoàn thành được các chỉ tiêu đã đề ra. Chỉ có điều thời gian trong bao lâu thì tương lai sẽ là câu trả lời chính xác.

Và việc làm trước mắt là đội tuyển cần phải ổn định để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì mới có thể hoàn thành được chặng đường sỏi đá sắp phải đi qua..

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc