Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza gặp nhiều điểm nghẽn đàm phán
VHO - Theo báo The Times of Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9.7 cho biết ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hợp tác chặt chẽ nhằm đạt được thỏa thuận trao đổi con tin, đồng thời khẳng định cả hai sẽ không chấp nhận một thỏa thuận bằng mọi giá.

Phát biểu tại Điện Capitol của Mỹ trước cuộc gặp với lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune, ông Netanyahu nói: “Tổng thống Trump và tôi có chung một mục tiêu. Tôi muốn các con tin được trả tự do. Chúng tôi muốn chấm dứt quyền cai trị của Hamas tại Gaza. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Gaza không còn là mối đe dọa với Israel nữa”.
Ông Netanyahu cũng phủ nhận các thông tin cho rằng Mỹ đang gây áp lực lên Israel, nhấn mạnh cả ông và Tổng thống Trump cùng theo đuổi một chiến lược không đặt ra sự ép buộc: “Tổng thống Trump muốn có một thỏa thuận, nhưng không bằng mọi giá. Tôi cũng vậy. Israel có các yêu cầu an ninh riêng và chúng tôi đang làm việc cùng nhau để đạt được điều đó”.
Tuy nhiên, một quan chức Arab tiết lộ với The Times of Israel rằng hôm 8.7, Mỹ đã gây sức ép với Israel yêu cầu nới lỏng lập trường về việc rút một phần quân đội khỏi Gaza trong lệnh ngừng bắn tạm thời đang được đàm phán.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 9.7, Tổng thống Trump nói: “Tôi nghĩ có cơ hội rất lớn để đạt được một thỏa thuận nào đó trong tuần này, có thể là tuần tới. Nhưng không có gì là chắc chắn khi nói đến chiến tranh và Gaza”.
Tuần trước và tuần trước nữa, ông Trump đều tuyên bố rằng thỏa thuận đang đến rất gần.
Một quan chức cấp cao Israel cho biết có thể cần một đến hai tuần để hoàn tất thỏa thuận, chứ không thể trong một ngày. Vị quan chức này tiết lộ, nếu hai bên thống nhất một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, Israel sẽ tận dụng thời gian đó để đàm phán một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn với điều kiện Hamas phải giải giáp. Nếu Hamas từ chối, “chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự”.
Trong khi đó, Hamas tuyên bố họ đang thể hiện tinh thần tích cực và đã đồng ý thả 10 con tin như một phần trong thỏa thuận đang đàm phán. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết như viện trợ nhân đạo, rút quân Israel khỏi Gaza và đảm bảo thực chất cho một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Một đề xuất do đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đưa ra đang được thảo luận tại Doha, bao gồm việc Hamas thả 10 con tin còn sống và giao lại thi thể của 18 con tin đã thiệt mạng, để đổi lấy một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày.
Tại Washington, các gia đình con tin gặp gỡ giới chức Mỹ và ông Netanyahu để bày tỏ sự hoài nghi về khung thỏa thuận hiện tại. Họ lo ngại rằng không phải tất cả con tin sẽ được thả, vì việc trao trả những người còn lại sẽ phụ thuộc vào các vòng đàm phán tiếp theo về ngừng bắn vĩnh viễn. Tuy nhiên, một nguồn tin từ cuộc họp nói rằng Thủ tướng Netanyahu khẳng định đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán.
Thủ tướng Israel cũng bác bỏ cáo buộc rằng Israel đang tìm cách trục xuất người Palestine khỏi Gaza, khẳng định rằng Israel chỉ đang tạo cơ hội cho những người muốn rời đi.
Trái ngược với tuyên bố của ông Netanyahu, Tổng thống Trump từng đề xuất kế hoạch “tái định cư vĩnh viễn” toàn bộ dân số Gaza hồi tháng 2, nhưng sau đó đã hạn chế nói về kế hoạch này. Trong khi đó, các quan chức Israel lại tiếp tục ủng hộ ý tưởng di cư tự nguyện.
Israel đang cố gắng duy trì hiện diện quân sự tại Hành lang Morag, nơi họ dự định lập ra một thành phố nhân đạo để kiểm soát dân cư Gaza, khiến các tổ chức quốc tế lo ngại về khả năng gây ra thảm họa nhân đạo quy mô lớn.
Một nhà ngoại giao Arab cho biết Mỹ đã cam kết với các nước trung gian rằng họ sẽ không để Israel nối lại cuộc chiến sau lệnh ngừng bắn 60 ngày, dù điều đó không được ghi rõ trong văn bản. Phía Mỹ cho rằng duy trì khả năng tái chiến sẽ tạo sức ép lên Hamas trong đàm phán lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Nếu cam kết ngừng chiến hoàn toàn được đưa vào văn bản, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu có thể sụp đổ vì bị các đối tác cực hữu trong liên minh cầm quyền tại Israel phản đối.
Dự thảo hiện tại yêu cầu hai bên tiếp tục đàm phán thiện chí trong thời gian lệnh ngừng bắn tạm thời được duy trì, kéo dài hơn 60 ngày nếu chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Hiện một số điểm then chốt chưa được thống nhất bao gồm: Mức độ rút quân của Israel khỏi Gaza trong thời gian tạm ngừng bắn; cơ chế đưa viện trợ nhân đạo vào vùng chiến sự; danh sách con tin và tù nhân sẽ được trao đổi.
Israel đã đệ trình bản đồ mới về rút quân, nhưng chưa rõ liệu nước này có từ bỏ kế hoạch duy trì quân ở hành lang Morag hay không. Hamas muốn rút quân toàn diện như trong lệnh ngừng bắn đầu năm.
Dù các bên tiếp tục thể hiện lạc quan, nhưng vẫn chưa có đột phá rõ ràng trong các cuộc đàm phán tại Doha. Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu đã gặp nhau hai lần tại Washington trong tuần này, nhưng không có thông báo chính thức nào được đưa ra sau các cuộc gặp.
Thủ tướng Israel sẽ ở lại Mỹ đến thứ ngày 10.7, nhưng không có cuộc gặp nào khác được lên lịch giữa ông và Tổng thống Trump. Trong khi đó, các bên trung gian như Qatar và Ai Cập tỏ ra kém lạc quan hơn so với Mỹ về khả năng đạt được thỏa thuận trong tuần này.
Theo THANH BÌNH (P/V TTXVN TẠI ISRAEL)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc