Quan hệ giữa Iran với Nga và Trung Quốc sau căng thẳng leo thang ở Trung Đông

VHO - Iran đổi trục sang phương Đông, củng cố hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, kinh tế và hạt nhân, mở ra một cục diện địa chính trị mới tại khu vực.

Trước sức ép quân sự và trừng phạt từ phương Tây, Iran đang chuyển hướng sang Trung Quốc, không chỉ hợp tác quân sự mà còn kỳ vọng vai trò lớn hơn của Bắc Kinh trong đàm phán hạt nhân. Trong ảnh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phải, gặp Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi tại Thiên Tân ngày 16.7.2025. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trước sức ép quân sự và trừng phạt từ phương Tây, Iran đang chuyển hướng sang Trung Quốc, không chỉ hợp tác quân sự mà còn kỳ vọng vai trò lớn hơn của Bắc Kinh trong đàm phán hạt nhân. Trong ảnh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phải, gặp Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi tại Thiên Tân ngày 16.7.2025. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Theo trang tin specialeurasia.com ngày 17.7, sau cuộc xung đột với Israel hồi tháng 6 vừa qua, Iran đã đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao và kinh tế hướng về phương Đông, đặc biệt tập trung vào việc củng cố quan hệ với Nga và Trung Quốc. Diễn biến này không chỉ nhằm mục đích chống lại sự cô lập kinh tế và củng cố vị thế toàn cầu của Tehran, mà còn phản ánh sự thay đổi chiến lược trong bối cảnh địa chính trị phức tạp của khu vực Trung Đông.

Ưu tiên quan hệ đối tác phương Đông

Những cuộc họp của Bộ Ngoại giao Iran tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gần đây ở Trung Quốc đã cho thấy rõ ý định của Tehran trong việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Á-Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araghchi đã có nhiều cuộc gặp quan trọng với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, cùng cuộc trao đổi ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong các cuộc hội đàm, Nga và Iran đã cùng phản đối các cuộc tấn công vào lãnh thổ và các cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc thảo luận đa phương để giảm căng thẳng khu vực. Moskva tái khẳng định sự ủng hộ của mình với Tehran tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các tương tác đồng thời với Trung Quốc cũng cho thấy mức độ của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Bắc Kinh khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và an ninh của Tehran, trong khi cả hai nước cùng xem xét các mối quan hệ đối tác kinh tế hiện tại. Những động thái này khẳng định chính sách ngoại giao hướng về Á-Âu của Tehran, phù hợp với sự tham gia của nước này vào nhóm BRICS và SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), những nền tảng quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu khu vực và xây dựng sức mạnh kinh tế độc lập với phương Tây.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, mặc dù có những nỗ lực tăng cường quan hệ với Nga, một số dấu hiệu cho thấy Teh đang có sự không hài lòng nhất định đối với Moskva sau cuộc xung đột với Israel. Hãng thông tấn Farhikhtegan của Iran đưa tin vào ngày 15.7 rằng Iran thất vọng về "lập trường thận trọng" của Nga trong "cuộc chiến tranh 12 ngày giữa Tehran và Tel Aviv". Theo hãng tin này, các quan chức Iran tin rằng Nga đã hiểu sai cuộc chiến là một cuộc xung đột cục bộ giữa Iran và Israel thay vì là một "cuộc đối đầu rộng lớn hơn của NATO".

Farhikhtegan cũng đưa tin rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tới Moskva vào ngày 23.6 đã thúc đẩy Nga lên án mạnh mẽ hơn các cuộc tấn công của Israel, kể cả tại các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia Iran cho rằng Tehran có thể sẽ duy trì quan hệ với Moskva nhưng phải "suy nghĩ lại về một số vấn đề trong mở rộng hợp tác với các đối tác khác", đặc biệt là trong "các lĩnh vực quân sự và chiến lược nhạy cảm". Hãng tin Reuters cũng đưa tin tương tự vào ngày 23.6 rằng Iran không hài lòng với sự hỗ trợ của Nga dành cho Tehran trong cuộc chiến giữa Israel - Iran.

Iran xích lại gần Trung Quốc?

Trước bối cảnh trên, đặc biệt là sự chậm trễ trong việc cung cấp các hệ thống phòng thủ như S-400 và máy bay Su-35, Iran dường như đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng với Trung Quốc. Vào ngày 26.6, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Aziz Nasir Zadeh đã gặp người đồng cấp Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh SCO tại Bắc Kinh để thảo luận về các giao dịch mua bán quân sự tiềm năng, bao gồm máy bay chiến đấu J-10 và hệ thống AWACS (Hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không) tiên tiến.

Truyền thông Arab cũng đưa tin vào ngày 9.7 rằng Trung Quốc đã gửi các hệ thống tên lửa đất đối không tới Iran vào cuối tháng 6 để bổ sung cho hệ thống phòng không đã xuống cấp sau các cuộc không kích của Israel, mặc dù cả Trung Quốc và Iran đều phủ nhận báo cáo này.

Quan hệ với Trung Quốc dường như đang trở thành trọng tâm chiến lược của Iran. Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Araghchi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15.7 bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng SCO tại Bắc Kinh, cùng với đề xuất của ông Araghchi về các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác khu vực như cơ chế an ninh thường trực và trung tâm chống lại các lệnh trừng phạt, cho thấy mong muốn của Iran trong việc gắn kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Đề xuất về cơ chế an ninh thường trực có thể phản ánh sự không hài lòng của Iran đối với sự hỗ trợ của Nga, đặc biệt khi thỏa thuận hợp tác chiến lược Nga - Iran thiếu sự đảm bảo phòng thủ chung.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (fmprc.gov.cn), Ngoại trưởng nước này Vương Nghị ngày 16.7 cũng đã gặp người đồng cấp Iran Araghchi tại Thiên Tân. Tại cuộc gặp, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Iran đã thiết lập quan hệ ngoại giao hơn nửa thế kỷ, quan hệ song phương đã vượt qua thử thách của bối cảnh quốc tế đầy biến động, luôn duy trì sự phát triển ổn định và lành mạnh. Là đối tác chiến lược toàn diện, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Iran bảo vệ chủ quyền quốc gia, phản đối chính trị cường quyền và các hành vi áp đặt. Trung Quốc sẵn sàng cùng Iran tăng cường tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác, mở rộng giao lưu, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Iran phát triển ổn định và lâu dài.

Về phần mình, ông Araghchi bày tỏ sự cảm ơn đối với sự ủng hộ quý báu của Trung Quốc dành cho Iran và cho biết Tehran kiên định trong quyết tâm phát triển quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Iran - Trung Quốc có tiềm năng to lớn và triển vọng rộng mở. Iran sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau một cách vững chắc với Trung Quốc.

Cùng với đó, hai bên đã trao đổi quan điểm về vấn đề hạt nhân Iran. Ông Araghchi nhắc lại rằng Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không từ bỏ quyền hợp pháp của mình đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Iran sẵn sàng tham gia đàm phán và tham vấn càng sớm càng tốt với tất cả các bên trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Iran. Trong khi đó, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc coi trọng cam kết của Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran. Trung Quốc ủng hộ Iran duy trì động lực đối thoại với tất cả các bên và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc tạo điều kiện giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và thúc đẩy ổn định ở khu vực Trung Đông.

Iran cũng đã ra tín hiệu rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai. Farhikhtegan đưa tin rằng Iran sẽ xem xét Na Uy hoặc Trung Quốc làm trung gian hòa giải thay thế Oman trong các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei đã nhấn mạnh tiềm năng vai trò “quan trọng và mang tính xây dựng” của Trung Quốc trong ngoại giao hạt nhân và trong việc tái thiết nền kinh tế Iran theo thỏa thuận đối tác 25 năm mà Iran và Trung Quốc đã ký kết vào năm 2020.

Tóm lại, để tăng cường phòng thủ và chống lại sự cô lập quốc tế, chính sách ngoại giao gần đây của Iran báo hiệu một nỗ lực chiến lược hướng về phương Đông. Việc nhấn mạnh mở rộng quan hệ với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy các ưu tiên của Tehran: đảm bảo quan hệ đối tác kinh tế, bảo vệ chủ quyền và khẳng định vị thế trong khu vực. Ngoài ra, cuộc chiến gần đây với Israel có thể thúc đẩy Iran ưu tiên mối quan hệ chiến lược sâu sắc hơn với Trung Quốc, đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tehran.

Theo VŨ THANH/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc