Nỗ lực hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam tại Hàn Quốc
VHO - Sáng 6.7, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Đoàn Luật sư tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc tổ chức hoạt động phổ biến và giải đáp pháp luật cho người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, tại điểm cầu trực tuyến ở Hà Nội có sự tham dự của lãnh đạo và các đơn vị chức năng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài. Tại điểm cầu Hàn Quốc có sự tham dự của lãnh đạo và các đơn vị chức năng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, các luật sư giàu kinh nghiệm của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Đoàn Luật sư tỉnh Gyeonggi, đại diện Ban Chấp hành các hội đoàn và hơn 40 kiều bào tại Hàn Quốc.
Chương trình phổ biến và giải đáp pháp luật cho người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30.04.2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao nhằm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2026, đồng thời nằm trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp công tác giữa Ủy ban và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội năm 2025.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một trong những trọng tâm của công tác đối ngoại và công tác đại đoàn kết dân tộc, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao với hàng loạt các chủ trương, chính sách lớn trong nhiều thập kỷ qua. Hoạt động phổ biến và giải đáp pháp luật cho người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc không chỉ nhằm tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài, mà còn kết nối và cung cấp thông tin pháp luật sở tại cho kiều bào, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người Việt Nam ở nước ngoài và giúp cộng đồng hội nhập tốt hơn, được tôn trọng, yêu quý và có địa vị pháp lý vững chắc ở sở tại.
Tại đầu cầu Hàn Quốc, ông Vũ Hồ, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết hiện có khoảng 350.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều tỉnh, thành của quốc gia Đông Á này. Cộng đồng người Việt Nam tại đây là một cộng đồng trẻ, đang phát triển và hội nhập nhanh với xã hội sở tại, tham gia tích cực vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề và luôn hướng về quê hương, đất nước. Vì vậy, việc giúp bà con nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin về pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là quy định liên quan đến đầu tư tại Việt Nam và lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, đóng vai trò rất quan trọng.

Chương trình tiếp nối với các phiên tham luận chuyên sâu. Một trong những vấn đề được cộng đồng quan tâm hàng đầu là quốc tịch kép. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi bổ sung), công dân Việt Nam có thể được giữ quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoặc uy tín của Việt Nam. Với Hàn Quốc, từ năm 2011 cũng đã nới lỏng quy định về quốc tịch kép cho một số trường hợp như kết hôn với công dân Hàn Quốc, người có công lao đặc biệt, chuyên gia tay nghề cao, nhà đầu tư lớn hoặc người cam kết không sử dụng quyền của quốc tịch nước ngoài tại Hàn Quốc.
Về thủ tục đổi hoặc gia hạn thị thực tại Hàn Quốc, các luật sư đã hướng dẫn tham khảo thông tin chi tiết trên trang Hikorea và trang thông tin của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Chương trình cũng tập trung vào các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam hiện có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cho vay thông qua các quỹ như Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) hay Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF). Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý một số yêu tố pháp lý như điều kiện tiếp cận thị trường (ngành nghề cấm hoặc có điều kiện), hạn chế về quyền sử dụng đất (chủ yếu không được chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất ở) và thủ tục đầu tư chặt chẽ hơn trong một số trường hợp.
Một thắc mắc phổ biến khác là việc du học sinh gửi tiền về trong nước có phải đóng thuế hay không. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn của Việt Nam, các khoản kiều hối được miễn thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, du học sinh cần cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ Hàn Quốc để xác định việc được miễn thuế.

Cuối cùng, các luật sư cũng chia sẻ về nghĩa vụ của du học sinh Việt Nam trước và trong thời gian học tập tại nước ngoài. Trước khi xuất cảnh, cần hoàn thành các thủ tục về thị thực, các nghĩa vụ tài chính (nếu có) và xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự (đối với nam công dân trong độ tuổi). Trong thời gian học tập, du học sinh cần tuân thủ pháp luật của cả Hàn Quốc và Việt Nam, đăng ký công dân tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và báo cáo tiến độ học tập định kỳ theo yêu cầu của chương trình học bổng (nếu có).
Có thể thấy chương trình hỗ trợ pháp lý này đã thực sự trở thành điểm tựa quan trọng giúp cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc vững tin hơn khi đối diện với các vấn đề pháp lý phức tạp, đồng thời khẳng định sự quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng hai nước trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho kiều bào.
Theo TRẦN QUANG (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc