Trung Quốc:
Nỗ lực bảo tồn lễ hội di sản Tết Nguyên đán người Khương
VHO - Năm 2009, Tết năm mới của người Khương ở Tứ Xuyên, Trung Quốc được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhờ các nỗ lực bảo tồn và quảng bá của tỉnh Tứ Xuyên, mới đây, lễ hội “Năm mới người Khương - Qiang New Year” được UNESCO chuyển từ Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để chúc mừng sự kiện này, những người trẻ tuổi từ thành phố cổ Khương thuộc huyện Mậu Tiên, trong trang phục truyền thống, đã tụ tập để biểu diễn điệu múa Khương Salang sôi động, khiến du khách vô cùng thích thú.
Người Khương, một trong những nhóm dân tộc lâu đời nhất của Trung Quốc có lịch sử 3000 năm, thường được coi là "hóa thạch sống" trong lịch sử tiến hóa của quốc gia này. Tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc là nơi có cộng đồng dân tộc Khương duy nhất của đất nước, nơi có khoảng 300.000 người Khương chủ yếu sinh sống tại Châu tự trị dân tộc Tạng và Khương Aba và Huyện tự trị dân tộc Khương Bắc Xuyên ở Thành phố Miên Dương.
Hàng năm, vào ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch, người Khương tổ chức lễ hội truyền thống quan trọng nhất của họ - Tết Khương. Tập trung vào chủ đề thờ cúng trời và bày tỏ lòng biết ơn, họ tổ chức các nghi lễ trong lễ hội để tôn vinh các vị thần, xua đuổi tà ma, bày tỏ lòng biết ơn về vụ mùa và cầu nguyện phước lành.
Người Khương nổi tiếng với tài năng ca hát và nhảy múa, tiêu biểu là điệu múa Salang, một điệu múa vòng tròn đặc sắc có tên gọi có nghĩa là "hát và nhảy" trong tiếng Khương.
Trận động đất 8,0 độ richter ở Vấn Xuyên, Tứ Xuyên năm 2008 không chỉ khiến nhiều ngôi làng của người Khương sụp đổ mà còn cướp đi sinh mạng của những người kế thừa văn hóa và chủ lễ quan trọng của Tết Khương. Thảm họa này còn phá hủy thêm các địa điểm tổ chức sự kiện, hiện vật nghi lễ và hồ sơ lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn văn hóa Khương và lễ mừng Tết Khương. Ngoài ra, việc sử dụng tiếng Khương ngày càng giảm ở các thế hệ trẻ đã gây nguy hiểm hơn nữa cho việc truyền tải văn hóa giữa các thế hệ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Do đó, sự tồn tại của Tết Khương đang bị đe dọa nghiêm trọng, khiến việc bảo tồn nó trở thành ưu tiên cấp bách.
Cộng đồng địa phương hiện đang tích cực khuyến khích ăn mừng Tết Nguyên đán của người Khương theo đúng các mốc thời gian và nghi lễ truyền thống, bảo tồn tính xác thực của phong tục. Lễ hội cũng đã được chỉ định là ngày lễ công cộng tại Châu tự trị dân tộc Tạng và Khương Aba và Thành phố Miên Dương, cho phép người Khương có thời gian vui vẻ ăn mừng di sản của họ.
Theo Tân Hoa Xã