Nhiều tranh cãi đằng sau một cuộc đấu giá tranh do AI vẽ

THỤC LINH - THÙY DƯƠNG

VHO - Theo The Art Newspaper, gần 5.000 nghệ sĩ đã gửi đơn yêu cầu nhà đấu giá Christie’s (New York, Mỹ) hủy phiên đấu giá tác phẩm của AI. Những lý lẽ hai bên đưa ra rất đáng quan tâm.

Nhiều tranh cãi đằng sau một cuộc đấu giá tranh do AI vẽ - ảnh 1
Robot Ai-Da bên cạnh các tác phẩm của mình. Ảnh: SOTHEBY’S

 Thư phản đối lưu hành trên trang web openletter.earth một ngày sau khi Christie’s thông báo mở phiên đấu trực tuyến dành riêng cho nghệ thuật AI - Augmented Intelligence. Trong thư, các nghệ sĩ cho rằng sản phẩm Christie’s định bán ra đời từ những mô hình AI, được làm từ nhiều tác phẩm có bản quyền, mà không xin phép người sáng tạo ra chúng.

Họ cáo buộc các doanh nghiệp đứng sau những chương trình AI đang khai thác chất xám của nghệ sĩ một cách trái phép, không trả phí, để tạo ra những sản phẩm thương mại mang tính cạnh tranh. Việc ủng hộ các mô hình này hoặc cá nhân sử dụng chúng đồng nghĩa sự tán thưởng, khuyến khích những công ty AI “đánh cắp hàng loạt tác phẩm của nghệ sĩ con người”.

Augmented Intelligence là sự kiện đầu tiên đơn vị mở cuộc chào bán lớn liên quan lĩnh vực AI, diễn ra từ ngày 20.2 đến 5.3. Theo thông báo, phiên đấu có hơn 20 tác phẩm gồm tranh, hàng điêu khắc, bản in do nghệ sĩ kết hợp AI làm ra từ thập niên 1960 đến nay, một phần tư số hàng là các tác phẩm kỹ thuật số. Các sản phẩm dự tính có giá dao động từ 10.000 USD đến 250.000 USD, được kỳ vọng mang lại doanh thu 600.000 USD.

Đây không phải là lần đầu tiên những bức tranh do AI vẽ được mang ra đấu giá. Christie’s cũng là nơi đấu giá bức chân dung đầu tiên do AI thực hiện - Portrait of Edmond de Belamy năm 2018. Lúc đó, một người mua ẩn danh quyết định trả 432.500 USD, cao gấp 43 lần giá trị dự tính. Gần đây nhất, tại nhà đấu giá Sotheby’s, theo Guardian đưa tin bức chân dung nhà khoa học máy tính Alan Turing do robot hình người vẽ được gõ búa 1,08 triệu USD. Tác phẩm có tên AI God: Portrait of Alan Turing cao 2,2 m, do Ai-Da, nghệ sĩ robot siêu thực đầu tiên trên thế giới thực hiện.

Mới đây trên X, Ed Newton- Rex là nhà soạn nhạc Anh, một trong những nhân vật quan trọng của phong trào phản đối AI cho rằng có khả năng ít nhất 9 tác phẩm trong buổi đấu giá ra đời từ mô hình AI: “Tôi không đổ lỗi cho nhà sáng tạo vì dùng thứ này - họ chỉ sử dụng công cụ do các công ty AI tung ra thị trường. Nhưng vì sao Christie’s lại chấp nhận mô hình này bằng cách giúp bán loạt sản phẩm do máy móc tạo ra với giá hàng trăm nghìn USD. Trong khi chính công nghệ đó trực tiếp cướp chén cơm của nhiều nghệ sĩ”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với The Art Newspaper, phát ngôn viên của Christie’s nói: “Các nghệ sĩ tham gia phiên đấu giá đều có nền tảng hoạt động nghệ thuật đa lĩnh vực vững chắc, một số còn được ghi nhận trong các bộ sưu tập tại những bảo tàng hàng đầu. Những tác phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích nâng cao tổng thể sáng tạo của họ và trong hầu hết trường hợp, AI được sử dụng một cách có kiểm soát với dữ liệu được đào tạo từ tác phẩm của chính những nghệ sĩ đó”.

Trò chuyện với Guardian, Mat Dryhurst - nghệ sĩ có tranh chào bán ở sự kiện đấu giá này phản đối những chỉ trích trong thư kiến nghị. Theo anh, bức họa sắp được trả giá là một phần của quá trình cả hai khám phá cách mô hình AI công khai tái tạo phong cách thẩm mỹ của vợ anh. “Việc sử dụng bất kỳ mô hình nào làm nghệ thuật không phải hành vi bất hợp pháp. Tôi không đồng tình khi một cuộc tranh luận quan trọng lẽ ra tập trung vào các công ty và chính sách nhà nước, lại chuyển sang những nghệ sĩ đang cố gắng chinh phục công nghệ trong thời nay”, Dryhurst nói thêm.

Truyền thông quốc tế cho biết, hiện vấn đề sử dụng tác phẩm có bản quyền để đào tạo AI là cuộc chiến giữa những nhà sáng tạo và công ty công nghệ dẫn đến hàng loạt vụ kiện trong ngành xuất bản, âm nhạc, hội họa.

Theo CNN, giới nghệ sĩ cho biết thành quả của họ bị lợi dụng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo trái phép. Trong khi đó, phía doanh nghiệp biện minh bằng cách trích quyền “sử dụng hợp lý” (fair use - thuật ngữ trong luật sở hữu trí tuệ Mỹ, cho phép mọi người dùng một số dữ liệu có bản quyền không cần sự đồng ý của chủ sở hữu).

Cũng theo CNN, khi công nghệ AI ngày càng tiến bộ và dần can thiệp sâu hơn vào đời sống hằng ngày, các luật về bản quyền và quyền sử dụng hợp lý phải “vật lộn” để đuổi kịp. Tháng 1 năm nay, Văn phòng bản quyền Mỹ quyết định các nghệ sĩ có thể đăng ký bản quyền tác phẩm họ tạo bằng trí tuệ nhân tạo nếu AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Ngược lại, “những nội dung được tạo hoàn toàn bởi AI” không đủ điều kiện để được bảo hộ.

Theo Guardian, năm ngoái hơn 13.500 người làm ngành sáng tạo như chuyên gia văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, truyền hình khắp thế giới và nhiều lãnh đạo, thành viên của những tổ chức, hiệp hội nghệ thuật như Liên đoàn Nhạc sĩ Mỹ, Hiệp hội Diễn viên Mỹ SAG-AFTRA, Hội đồng Nhà văn châu Âu và Universal Music Group đã ký vào tuyên bố phản đối việc khai thác trái phép tác phẩm của họ để đào tạo AI.

Theo giới nghệ sĩ, việc dùng tác phẩm của họ để huấn luyện mô hình AI tạo sinh (dạng trí tuệ nhân tạo có thể tự sáng tạo nội dung, ý tưởng, hình ảnh) mà không có sự cho phép là vi phạm bản quyền. Không chỉ phản đối nhóm doanh nghiệp, những người phản đối còn cảnh báo chính phủ Anh có thể gây hậu quả lớn nếu để công nghệ AI thu thập thành quả lao động của người làm công việc sáng tạo.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc