Mỹ tăng thuế đồng và dược phẩm nhập khẩu, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng toàn cầu

VHO - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ra quyết định gây chấn động khi áp mức thuế nhập khẩu lên đến 50% với đồng và tới 200% với dược phẩm. Dự báo quyết định này sẽ làm dậy sóng chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến thị trường kim loại, dược phẩm biến động mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh Al Jazeera, Tổng thống Trump ngày 8.7 tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu mới đối với hai ngành then chốt này. Cụ thể, toàn bộ mặt hàng đồng nhập khẩu sẽ chịu mức thuế 50%, trong khi thuốc và dược phẩm nhập khẩu sẽ chịu thuế 20%, có thể tăng lên tới 200% trong vòng một năm tới. Các biện pháp này có hiệu lực ngay lập tức.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết việc áp thuế chính thức sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7, muộn nhất là ngày 1.8.

“Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục ngành luyện kim và sản xuất đồng trong nước – một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp Mỹ”, ông Lutnick nhấn mạnh.

Tổng thống Trump cũng cảnh báo rằng nếu các doanh nghiệp Mỹ không giảm phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu trong vòng 12 đến 18 tháng tới, mức thuế có thể được nâng lên tới 200%.

“Chúng ta sẽ cho họ thời gian từ một đến một rưỡi năm để điều chỉnh. Sau thời hạn đó, nếu vẫn tiếp tục nhập khẩu thuốc từ nước ngoài, mức thuế sẽ rất cao – có thể lên tới 200%”, ông tuyên bố.

Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng không gia hạn thời hạn ngày 1.8 – thời điểm triển khai đầy đủ chính sách thuế mới này.

Áp thuế theo ngành

Khác với các chính sách thuế diện rộng trong gói thuế “Ngày Giải phóng” công bố ngày 2.4, lần áp thuế mới tập trung vào hai ngành cụ thể - kim loại đồng và dược phẩm. Mức thuế 50% đối với đồng tương tự mức từng áp dụng với thép và nhôm, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.

Hiện Mỹ chỉ sản xuất được hơn một nửa nhu cầu đồng tinh luyện trong nước. Khoảng 1 triệu tấn đồng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Chile (65%), Canada (17%) và Peru (6%). Bang Arizona – nơi cung cấp phần lớn đồng của Mỹ – đang có nguy cơ phải trì hoãn dự án khai thác lớn do lo ngại môi trường.

Ông Maximo Pacheco, Chủ tịch Tập đoàn khai thác đồng quốc doanh Chile, bày tỏ: “Chúng tôi cần xác định liệu biện pháp này sẽ áp dụng cho tất cả các đối tác hay chỉ một số nước”, nhằm làm rõ tác động đến hoạt động khai khoáng từ Chile.

Về dược phẩm, Mỹ cũng phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu. Năm 2021, gần 50% nguyên liệu dược (API) phục vụ thị trường Mỹ đến từ nước ngoài – đặc biệt là Ấn Độ (18%), Trung Quốc (13%) và Liên minh châu Âu. Khoảng 40% thuốc bán trên thị trường Mỹ cũng được sản xuất ở nước ngoài, trong đó Ấn Độ cung cấp gần 1/3. Các quốc gia như Australia và Ireland cũng có tỷ trọng xuất khẩu dược phẩm lớn sang thị trường Mỹ.

Phản ứng trước quyết định này, Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers cho biết chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ để đánh giá tác động đến ngành dược phẩm trong nước.

Cạnh tranh Mỹ – Trung trong hai ngành then chốt

Dù là nền kinh tế lớn, Mỹ lại gặp bất lợi trong hai ngành then chốt so với Trung Quốc.

Trong ngành đồng, Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% sản lượng toàn cầu và có hệ thống khai thác – tinh luyện – sản xuất hoàn chỉnh. Trong khi đó, Mỹ chỉ có hai nhà máy luyện đồng lớn đang hoạt động.

Về dược phẩm, dù Mỹ dẫn đầu thế giới về giá trị sản xuất (602 tỷ USD năm 2023), nước này vẫn nhập khẩu tới 212 tỷ USD thuốc trong năm 2024. Việc tự chủ chuỗi cung ứng dược sẽ cần thời gian dài và nguồn lực lớn.

Ông Stanley Chao – CEO Công ty tư vấn All In Consulting – cảnh báo: “Để tự chủ, Mỹ cần phát triển khoảng 400 loại API, nhưng hiện tại không đủ nhân sự và hạ tầng sản xuất vì ngành API trong nước gần như đã bị bỏ rơi từ 20 năm trước”.

Tác động đến thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu

Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng là nguyên liệu không thể thiếu trong năng lượng tái tạo, xe điện, quân sự và điện lưới. Do đó, quyết định tăng thuế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.

Ngay sau thông báo, giá hợp đồng tương lai đồng tăng 12%, lập kỷ lục mới. Trong khi đó, chỉ số cổ phiếu ngành dược phẩm S&P 500 giảm mạnh. Cổ phiếu của các tập đoàn lớn như Eli Lilly, Merck và Pfizer đồng loạt đi xuống do lo ngại ảnh hưởng đến doanh thu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định thị trường lần này phản ứng bình tĩnh hơn so với giai đoạn “cú sốc thuế” hồi tháng 4.

“TACO” – Tổng thống Trump có thực sự quyết liệt?

Bà Carol Fong – Giám đốc điều hành CGS International Securities tại Singapore – nhận định rằng thị trường đã quen với những tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump. Nhà đầu tư giờ đây chờ xem liệu ông có giữ nguyên quyết định đến cùng, hay sẽ lại “chùn bước” vào phút chót như nhiều lần trước.

Hiện tượng này được gọi là “TACO” – viết tắt của Trump Always Chickens Out (Trump luôn rút lui vào phút cuối). Giới tài chính đang dõi theo liệu chính sách thuế mạnh tay lần này có nằm ngoài “quy luật” ấy.

Có thể thấy việc Mỹ áp thuế cao với đồng và dược phẩm là bước leo thang mới trong chính sách bảo hộ dưới thời Tổng thống Trump. Mục tiêu là khôi phục năng lực sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài. Tuy nhiên, động thái này có thể làm tăng chi phí, gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Mỹ cũng như các doanh nghiệp toàn cầu.

Dù tuyên bố rất cứng rắn, câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Trump có thực sự theo đuổi chính sách này đến cùng? Câu trả lời có lẽ sẽ rõ hơn trong những tháng tới.

Theo HẢI VÂN/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc