Lòng tin thúc đẩy quan hệ song phương Việt - Mỹ
VHO - Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (11.7.1995 - 11.7.2025 theo giờ Mỹ, tức 12.7.1995 - 12.7.2025 theo giờ Việt Nam), Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế, học giả Fulbright thường trú tại Đại học Mỹ (AU) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington về những bước phát triển trong quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù này và triển vọng hợp song phương trong thời gian tới.

Về những yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng lòng tin là yếu tố quan trọng nhất trong 30 năm qua. Nếu không có lòng tin thì khó có thể có được mối quan hệ thực chất như hiện nay và lòng tin đó được phát triển và xây dựng trên cơ sở quyết tâm vượt qua và giải quyết được những di sản chiến tranh.
Ông nhận xét:“Cho đến nay, dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được 30 năm, đã đạt tầm mức ngoại giao là đối tác chiến lược toàn diện, nhưng vấn đề giải quyết di sản chiến tranh vẫn là nền tảng và vẫn là cơ sở để tạo dựng lòng tin. Tôi phải nhấn mạnh yếu tố đó, bởi vì tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều nạn nhân của chất độc da cam, còn rất nhiều bom mìn, còn rất nhiều những khu vực chúng ta cần phải xử lý chất độc da cam”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề di sản chiến tranh, lòng tin - nền tảng của quan hệ Việt - Mỹ - sẽ bị ảnh hưởng. Ông kỳ vọng Mỹ sẽ nối lại đầy đủ các chương trình hỗ trợ, qua đó củng cố lòng tin và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, yếu tố thứ hai là hợp tác phát triển kinh tế, đóng vai trò là trụ cột trong quan hệ hai nước. Đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam sẽ là yếu tố để tăng cường quan hệ hai nước. Ngoài ra, còn những yếu tố khác như hợp tác quốc phòng, hợp tác chính trị và ngoại giao, kể cả trong những vấn đề ngoại giao song phương và đa phương. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho biết trong quá trình làm nghiên cứu, phỏng vấn, trao đổi với các học giả của Mỹ, ông thấy một tâm lý và một quan điểm rất lạc quan về quan hệ Việt - Mỹ, từ chính giới của Mỹ, từ cấp học giả đến các nghị sĩ trong Quốc hội cũng như các quan chức trong Bộ Ngoại giao. Ông nhấn mạnh: "Họ nói rất tích cực về quan hệ Việt - Mỹ”.

Về triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, sự phát triển của quan hệ song phương cần bắt nguồn từ nhận thức và nhu cầu thực chất của cả hai phía. Theo ông, điều quan trọng là Việt Nam nhìn nhận vai trò, vị trí của Mỹ ra sao trong tổng thể chính sách đối ngoại và lợi ích an ninh quốc gia; đồng thời, Mỹ cũng cần xác định rõ Việt Nam đóng vai trò gì trong chiến lược và lợi ích quốc gia của họ. Mối quan hệ này, vì vậy, phải được định hình từ nhu cầu thực tế và tầm nhìn chiến lược của cả hai bên.
The ông, không phải ngẫu nhiên mà từ những năm 1930, Mỹ đã coi mình là một cường quốc của Thái Bình Dương. Mỹ xác định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa, vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự phát triển thịnh vượng của mình. Quan điểm này được nối tiếp từ chính quyền Tổng thống Barack Obama sang chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ đầu tiên, rồi chính quyền Tổng thống Joe Biden và bây giờ là chính quyền Tổng thống Trump đương nhiệm. Ông nhấn mạnh Mỹ thấy rõ vai trò của Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động nhất.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, sự phát triển của kinh tế Việt Nam có sự gắn kết với kinh tế Mỹ, trong khi với Mỹ, Việt Nam là thị trường lớn đầy tiềm năng với 100 triệu dân. Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu bày tỏ lạc quan về triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai.
Theo NGỌC QUANG - HỒNG NGUYÊN (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc