Khi François Mitterrand đến Điện Biên Phủ

HỒ QUANG LỢI

VHO - Đó là một chiều nắng nhạt, một chiều hoà bình. Những ngọn đồi lịch sử trầm tư, uy nghiêm trong không gian mờ sương khói. Chiều 10.2.1993, lòng chảo Điện Biên đón một vị khách đặc biệt: Tổng thống Cộng hoà Pháp François Mitterrand.

Khi François Mitterrand đến Điện Biên Phủ - ảnh 1
Tổng thống Cộng hoà Pháp François Mitterrand và tướng Maurice Schmitt thăm chiến trường Điện Biên Phủ (Việt Nam) năm 1993. Ảnh: REDDIT/HISTORY

Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Điện Biên Phủ là một Tổng thống Pháp. Đó thực không phải sự kiện ngẫu nhiên!

Tối 9.2.1993 tại Thủ đô Hà Nội, một trong các thành phố do Pháp kiến trúc đô thị khi đô hộ Đông Dương, nơi mà trong mắt nhiều người Pháp, vẫn sở hữu vẻ duyên dáng, lãng mạn, vẫn giữ nhiều công trình mang dấu ấn Pháp, người đứng đầu nước Pháp đã nói: “Ngày mai, chúng ta sẽ nêu lại ký ức của một thời đau thương trong quan hệ với chúng ta. Trong chúng ta vẫn còn nhiều nhân chứng nổi tiếng, nhiều người đã tham dự vào thời kỳ đó”.

“Và tôi đến đây để khép lại một chương trong lịch sử và mở ra một chương mới… Một ngày như hôm nay đánh dấu sự hội ngộ của hai dân tộc, hai truyền thống rất lâu đời… Vì vậy, tối nay tôi muốn gửi đến nhân dân Việt Nam lời chào của nhân dân Pháp. Tôi muốn lời chào đó được đón nhận như lời chào anh em”, Tổng thống François Mitterrand nói.

“Ngày mai” - một ngày sau khi tới Việt Nam, Tổng thống François Mitterrand đã tới Điện Biên Phủ.

Với nhiều người Pháp, một thời, Việt Nam có nghĩa là Điện Biên Phủ. Một kỷ niệm buồn, một cơn ác mộng, một thảm hoạ, một địa ngục. Cái lòng chảo khủng khiếp này đã chôn vùi sức mạnh, uy thế của quân đội viễn chinh Pháp.

Điện Biên Phủ gieo vào tâm trí người Pháp một dấu ấn mạnh đến mức mà trong tiếng Pháp đã từng xuất hiện động từ dienbienfuer (nghĩa là đánh cho bạt vía kinh hồn).

François Mitterand là Tổng thống thứ 21 của Cộng hoà Pháp. Ông bắt đầu là nguyên thủ từ 1981, trở thành Tổng thống xã hội đầu tiên của nền Đệ ngũ cộng hoà và Chính phủ cánh tả của ông. Ông chính là Tổng thống đầu tiên của nước Pháp đến Việt Nam.

Khi François Mitterrand đến Điện Biên Phủ - ảnh 2
Tổng thống François Mitterrand thăm hầm tướng De Castries

Tổng thống đến Điện Biên Phủ: Một hành động phiêu lưu về chính trị và ngoại giao” - một tạp chí lớn của Pháp giật title. Người ta còn nêu câu hỏi: Tổng thống sẽ làm gì ở đó? Như thế, có nghĩa rằng không phải mọi người Pháp đều sẵn sàng đón nhận việc “gợi lại nỗi đau đó là điều cần thiết. Quá khứ phải dạy những bài học cho tương lai”.

Jean Christophe Baubiat, một nhà ngoại giao Pháp mà tôi gặp ở Điện Biên Phủ năm 1993 nhấn mạnh: “Đừng bao giờ quên những gì đã diễn ra ở đây”!

Sau đó, J.C.Baubiat có nhiều dịp trở lại Hà Nội, TP.HCM trong vai trò đặc trách nghiên cứu của Tổ chức quảng bá điện ảnh Pháp ra thế giới (UNIFRANCE). Và F.Mitterrand đã làm điều mà chưa một Tổng thống Pháp nào sau Điện Biên Phủ có thể làm. Ông khởi đầu cách nhìn quá khứ bằng con mắt văn hoá để dấu ấn của nền văn minh Pháp tiếp tục gắn bó mật thiết với Việt Nam.

Được biết, trong dự tính ban đầu, Tổng thống Pháp muốn cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Điện Biên Phủ, nhưng một nhà ngoại giao Pháp làm việc nhiều năm ở Hà Nội phân tích rằng việc Tổng thống sóng đôi với tướng Võ Nguyên Giáp trên các quả đồi Điện Biên trước ống kính của các nhà báo Việt Nam, Pháp và quốc tế không phải là hình ảnh có lợi cho Tổng thống. Vì Tướng Giáp là người thắng trận lẫy lừng, chuyến thăm chung này càng làm cho vị tướng Việt Nam thêm nổi tiếng…

Khi François Mitterrand đến Điện Biên Phủ - ảnh 3
Tổng thống François Mitterrand và Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ

Từ sân bay Nội Bài, Tổng thống François Mitterrand lên chiếc chuyên cơ quân sự đặc biệt thăm Điện Biên Phủ. Tháp tùng Tổng thống, về phía Việt Nam khi đó có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Việt Dũng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Trịnh Ngọc Thái.

Như vậy, sau 39 năm, lần đầu tiên sân bay Mường Thanh mới có một chiếc máy bay mang cờ của nước Pháp hạ cánh. Tổng thống F. Mitterrand lặng lẽ bước ra cầu thang máy bay, dừng lại và phóng tầm mắt nhìn khắp lòng chảo Điện Biên Phủ.

Ở tuổi 77, Tổng thống F.Mitterrand đi lại còn nhanh nhẹn, với phong thái điềm tĩnh tự tin của một chính khách được đánh giá là “can trường chính trị”. Ông chui xuống hầm tướng Chritian de La Croix de Castries (Tổng tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ), dừng lại vài vị trí trong hầm.

Song thật khó hình dung lại Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm, bởi vì không còn nhiều đồ vật, trang bị được giữ lại trong hầm. Tổng thống Pháp quan sát kĩ căn hầm được bọc bởi những tấm thép dày kiên cố uốn hình cánh cung và lớp bê tông cốt thép.

Ông ngắm nhìn hồi lâu những vật dụng chiến tranh ít ỏi còn lại, sờ tay lên chiếc bàn làm việc của tướng De Castries. Tổng thống và các quan khách tháp tùng đều bồi hồi không ai nói nên lời. Một trận chiến đẫm máu đã diễn ra nơi đây. Một điểm hẹn lịch sử, một cuộc đối đầu lịch sử, xương máu hai bên và những phận người…

Đại sứ Trịnh Ngọc Thái kể: "Cảm tưởng như quá khứ và hiện tại đan xen, quyện chặt trong thời khắc ấy. Tôi nhớ mãi ánh mắt của Tổng thống Francois Mitterrand đầy ưu tư, có lẽ ông đang nghĩ về một trang sử bi thương và hôm nay ông đã dũng cảm đến nơi đây để khép lại nó, đồng thời mở ra chương mới trong quan hệ hai nước Việt - Pháp".

Cách không xa hầm De Castries, bên sông Nậm Rốm, cạnh những bãi mía tốt um là ngôi mộ tượng trưng tưởng niệm những người lính Pháp đã chết trận tại Điện Biên.

Tổng thống đưa mắt nhìn những khẩu pháo, những xe tăng tàn tích đứng trơ trọi giữa cánh đồng Mường Thanh. Trên đồi D1, một vị trí cao hơn hẳn so với các ngọn đồi xung quanh, viên sĩ quan Pháp trong bộ quân phục màu trắng, trước đây đã từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, mô tả lại quang cảnh chiến trường lúc đó, thế trận của hai bên.

Cách không xa nơi Tổng thống đứng là những đoạn hào, những hầm chiến đấu, dấu vết thời chiến trận được bảo tồn khiến mưa nắng 39 năm chẳng thể lấp đầy. Tổng thống lặng im nghe, chốc chốc lại phóng tầm mắt ra xung quanh. Lòng chảo lúc này yên bình quá!

Thế mà 39 năm trước, trong 56 ngày đêm, sức nặng của lịch sử đã dồn xuống lòng chảo này, tạo nên một trong những cuộc đụng đầu khốc liệt nhất, kỳ lạ nhất của lịch sử chiến tranh hiện đại.

Ngày đó, F.Mitterrand đang tham gia Chính phủ của Joseph Laniel (từ 27.6.1953 đến 16.6.1954). Cũng cần nhắc lại rằng, trong vòng 12 năm của nền cộng hoà thứ 4, từ 1946 đến 1958, ông đã tham gia nhiều vị trí Bộ trưởng trong Chính phủ Pháp.

Từ năm 1947, lúc 31 tuổi, ông là Bộ trưởng trẻ nhất của Pháp từ một thế kỷ nay: Bộ trưởng Cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh (1947 - 1948); Bộ trưởng Thuộc địa và lãnh thổ hải ngoại (1950 - 1951); Bộ trưởng Nội vụ (1954 - 1955); Bộ trưởng Nhà nước - Tư pháp (1956 - 1957) - thời gian mà thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Đông Dương.

Thời gian này, ông đã đưa ra nhiều sáng kiến về phi thực dân hoá; dĩ nhiên ngay từ hồi ấy, ông coi cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương là sai lầm lịch sử.

Ngày 8.5.1954, trong phiên họp khẩn cấp của nội các Pháp, sau khi Thủ tướng J.Laniel thông báo tin Điện Biên Phủ thất thủ, toàn bộ bộ chỉ huy của tướng De Castries đã ra hàng, chính F.Mitterrand đứng lên chất vấn và chỉ trích Thủ tướng Pháp gay gắt nhất.

Cũng ngày 8.5.1954, sau Hội nghị Genève về Đông Dương diễn ra tại Paris, Quốc hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm và J.Laniel phải từ chức 12.6.1954.

Trong một ngày ngắn ngủi tại Điện Biên, Tổng thống Pháp đã dành thời gian thăm một trường tiểu học. Những cử chỉ ân cần, thân mật của Tổng thống Pháp giữa các thầy cô giáo và học sinh người Thái, Dao, Dáy, H'Mông, Hà Nhì, Si La trong trang phục dân tộc mình như rừng thổ cẩm vây quanh Tổng thống, gần gũi tựa một người ông đến thăm các cháu, đã để lại  ấn tượng choáng ngợp cho những ai có mặt.

Anh Phụng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng ban đón tiếp Tổng thống Pháp, xúc động: “Thật là một ngày đáng nhớ!”.

Bằng những tình cảm hữu nghị, chân thành, hiếu khách, nhân dân Điện Biên Phủ đã nồng nhiệt chờ đón, chào mừng người đứng đầu nước Pháp - một ứng xử văn hoá ở tầm quốc tế. Khi trò chuyện với giám đốc sân bay Điện Biên Phủ, lúc đó chưa chính thức mở lại đường bay, tôi được biết các anh rất lo lắng làm sao cho máy bay của Tổng thống Pháp hạ cánh an toàn tuyệt đối xuống một sân bay không những lạc hậu, mà còn đang ở tình trạng "dã chiến". Để cho chắc chắn, máy bay của ta đã bay trước hạ cánh thử.

Nước Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ là nước Pháp thực dân. Còn F.Mitterrand là Tổng thống của nước Pháp hiện đại, nước Pháp bạn bè và hữu nghị với Việt Nam.

Ông đã đến Điện Biên Phủ không phải chỉ vì quá khứ. Chuyến thăm ấy, trước hết, là chuyến thăm cho tương lai bền sâu.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc