“Giữ lửa” tiếng Việt nơi đất khách

KHẢI HƯNG

VHO - Từ Udon Thani (Thái Lan) gần một thế kỷ trước, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy tiếng Việt cho kiều bào, đến lớp tập huấn trực tuyến hôm nay tại Khỏn Kèn, ngọn lửa tiếng Việt vẫn bền cháy trong lòng những người con xa quê. Nhưng để giữ ngọn lửa ấy, không thể chỉ dựa vào tình cảm mà cần hành động cụ thể, bền vững và có hệ thống.

 “Giữ lửa” tiếng Việt nơi đất khách - ảnh 1
Lễ khánh thành và trao tặng Tủ sách tiếng Việt tại tỉnh Udon Thani

 Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một hội đoàn, mà là nghĩa vụ chung.

Đơn cử như chương trình bồi dưỡng giáo viên kiều bào tại Đông Bắc Thái Lan do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD­VN) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn tổ chức vừa qua hay lễ khánh thành và trao tặng Tủ sách tiếng Việt tại tỉnh Udon Thani không chỉ là hoạt động chuyên môn, đó còn là hành động mang tính biểu tượng: Giữ lửa.

Trong hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã trở thành một trong những cộng đồng ổn định và có truyền thống gìn giữ văn hóa tốt nhất. Tuy nhiên, dưới áp lực hội nhập và thiếu điều kiện tiếp cận học liệu, thế hệ thứ ba, thứ tư ở nước bạn đang dần đánh mất khả năng nói và hiểu tiếng Việt. Nhiều giáo viên kiều bào phải tự xoay xở giữa những lớp học nhỏ, thiếu giáo trình, thiếu kỹ năng dạy lớp ghép, thiếu cả sự kết nối chuyên môn.

Trong bối cảnh đó, hai ngày tập huấn ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa vừa diễn ra tại Khỏn Kèn đã trở thành một luồng gió mát cho những người vẫn ngày ngày gìn giữ hồn Việt nơi đất khách. Điều đáng nói là không chỉ có giáo viên kiều bào tham dự, chương trình còn có sự hiện diện và trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia hàng đầu về giáo dục, ngôn ngữ học, đại diện các hội đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều cơ quan văn hóa trong nước.

Tổng Lãnh sự Đinh Hoàng Linh chia sẻ: “Tiếng Việt là tài sản thiêng liêng của dân tộc. Nếu văn hóa là ánh sáng soi đường thì tiếng Việt là ngọn lửa thắp sáng tinh thần yêu nước”. Đây không chỉ là một lời kêu gọi, mà là một thông điệp đúng thời điểm. Trong nhiều năm, tiếng Việt đối với cộng đồng kiều bào thường chỉ được xem như một môn học phụ, học để “biết” chứ chưa đủ điều kiện để “thấm”. Nhưng muốn giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ cho các thế hệ thứ ba, thứ tư, tiếng Việt không thể đứng bên lề đời sống, nó phải đi vào từng câu chuyện trong gia đình, từng lễ hội, từng bài hát ru.

Vì vậy, khi chương trình tập huấn đưa vào các nội dung như cảm thụ văn học dân gian, kỹ thuật tổ chức lớp ghép, ứng dụng sách giáo khoa điện tử và chương trình truyền hình, thì đó không chỉ là đổi mới phương pháp giảng dạy. Đó là cách để tiếng Việt trở lại đời sống, sống động, gần gũi, dễ tiếp cận và đầy cảm xúc.

Một trong những điểm sáng đáng kể là NXBGDVN không chỉ dừng lại ở việc “gửi sách” mà đã tạo dựng được một hệ sinh thái học liệu tiếng Việt hiện đại, bao gồm SGK điện tử (tại địa chỉ taphuan. nxbgd.vn), các chương trình “Chào tiếng Việt”, “Tiếng Việt diệu kỳ” trên VTV4, học liệu số kết hợp văn hóa dân gian... Đây là một sự chuyển mình đáng ghi nhận. Không thể phủ nhận rằng, trong thế kỷ XXI, muốn giữ vững ngôn ngữ mẹ đẻ thì công nghệ phải song hành. Sách giấy là cần thiết, nhưng không thể thiếu sách điện tử.

Dạy học trực tiếp rất quý, nhưng càng cần được bổ trợ bởi video, diễn đàn, nền tảng số. Tuy nhiên, xây dựng hệ sinh thái là một chuyện, duy trì và phát triển nó lại là câu chuyện khác. Muốn hệ sinh thái ấy sống được ở nước ngoài, cần có chính sách hỗ trợ hạ tầng, kết nối mạng ổn định, đào tạo giáo viên sử dụng công cụ kỹ thuật số và quan trọng nhất là một cộng đồng sư phạm có năng lực, có nhiệt huyết, có sự gắn kết xuyên quốc gia.

Một số người cho rằng, việc gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài là “việc của kiều bào”. Đó là một quan điểm hẹp và thiếu tầm nhìn. Bởi tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp, mà là nơi cất giữ ký ức, bản sắc và tinh thần Việt. Mất tiếng Việt là mất khả năng kể lại cho con cháu câu chuyện về chính mình.

Từ góc độ chính sách, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” được Thủ tướng phê duyệt tháng 8.2022, cùng các hoạt động đi kèm như xây dựng Tủ sách tiếng Việt, bồi dưỡng giáo viên, phát triển chương trình truyền hình... là những bước đi chiến lược, có chiều sâu.

Về phía NXBGDVN, có thể thấy rõ sự chủ động, bài bản và cam kết dài hơi của đơn vị này trong công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Từ việc đưa sách đến tận Fukuoka, Paris, Udon Thani… cho tới hỗ trợ học liệu số, tổ chức tập huấn xuyên quốc gia, NXBGDVN không làm vì nhiệm vụ hành chính, mà làm bằng tinh thần trách nhiệm văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng biên tập NXBGDVN nhấn mạnh, trong dòng chảy lịch sử vẻ vang của dân tộc, tiếng Việt luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp đơn thuần mà còn là quốc hồn, quốc túy của dân tộc, là nơi lưu giữ và chuyên chở những giá trị văn hóa, lịch sử, là sợi dây linh thiêng kết nối hàng triệu trái tim người Việt Nam dù ở bất cứ đâu.

Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chỉ cần được giữ, mà cần được sống. Sống trong từng giờ học, trong lời ru của mẹ, trong những trang sách điện tử, trong từng cuộc trò chuyện buổi tối...

Nhưng để tiếng Việt sống được nơi đất khách, thì những người thầy, người cô nơi ấy cần được tiếp sức. NXBGDVN hy vọng rằng, Tủ sách tiếng Việt sẽ đồng hành cùng các thầy cô giáo và các em học sinh trên con đường dạy, học tiếng Việt, góp phần giữ gìn bản sắc, văn hóa của dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.