Giám đốc tình báo Ukraine thừa nhận khó đảo ngược tình thế trên chiến trường
VHO - Theo hãng tin RT ngày 4.7, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine (HUR) ông Kirill Budanov mới đây đã thừa nhận rằng Kiev hiện khó có khả năng đảo ngược thế trận trước các lực lượng Nga, đồng thời cho rằng chỉ có các cuộc đàm phán hòa bình mới có thể tạo ra thay đổi đáng kể cho cục diện xung đột.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine, ông Budanov thẳng thắn thừa nhận lực lượng Ukraine “không thể đẩy lùi” các bước tiến của quân đội Nga ở thời điểm hiện tại. Ông nhận định: “Bất cứ nơi nào quân đội Nga tiến đến đều nằm trong tầm kiểm soát của họ. Tôi hy vọng ai cũng hiểu rõ điều đó”.
Mặc dù vậy, người đứng đầu tình báo quân sự Ukraine vẫn kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ lệnh nghĩa vụ quân sự và hoàn thành trách nhiệm chiến đấu. Ông Budanov cũng dự đoán sẽ không có thay đổi lớn nào trên chiến trường “ít nhất cho đến khi các cuộc đàm phán hòa bình có kết quả”.
Tuyên bố này được đưa ra sau phát biểu mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông khẳng định logic quân sự buộc Nga phải kiểm soát các khu vực then chốt để bảo vệ lợi ích quốc gia, dù không tuyên bố chủ quyền chính thức. Ông Putin nhấn mạnh: “Lịch sử cho thấy nguyên tắc của Nga là bất cứ nơi nào có bước chân của binh sĩ Nga thì đều nằm trong phạm vi cần được bảo vệ”.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2014 tại Kiev, đã có 5 khu vực của Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý và tuyên bố sáp nhập vào Liên bang Nga, trong đó 4 khu vực diễn ra sau khi xung đột leo thang từ năm 2022. Phía Moskva nhiều lần cáo buộc chính quyền Kiev sử dụng vũ lực quân sự tại Donbass và làm đổ vỡ tiến trình đàm phán tái hòa nhập khu vực này, dẫn tới xung đột kéo dài.
Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã từ chối một thỏa thuận hòa bình do Nga đề xuất hồi năm 2022, theo đó Ukraine sẽ không gia nhập NATO để đổi lấy đảm bảo an ninh. Thay vào đó, Kiev lựa chọn phương án quân sự với sự hỗ trợ vũ khí và hậu thuẫn chính trị từ phương Tây. Ông Zelensky tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán khi toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền được khôi phục.
Trong những tháng gần đây, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine đã được nối lại tại Istanbul, với vai trò trung gian và sức ép từ phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai quan điểm rằng Kiev cần cân nhắc một số hình thức thỏa hiệp về lãnh thổ để đạt được giải pháp hoà bình lâu dài.
Tuy vậy, đến nay, Kiev vẫn chưa đạt được đột phá nào. Ông Zelensky gần đây thừa nhận Ukraine khó giành được thắng lợi quân sự, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây gia tăng sức ép trừng phạt nhằm buộc Moskva phải nhượng bộ về ngoại giao.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, phát biểu của Giám đốc tình báo Kirill Budanov cho thấy ban lãnh đạo Ukraine đang đối mặt với thực tế khó khăn khi năng lực duy trì phản công ngày càng hạn chế, trong khi triển vọng giải pháp chính trị vẫn chưa rõ ràng. Các cuộc đàm phán hòa bình, nếu diễn ra hiệu quả, được coi là cơ hội quan trọng để giảm bớt thiệt hại và ngăn xung đột tiếp tục kéo dài.
Theo HOÀNG ANH/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc