EU cam kết đối thoại với Mỹ về thuế quan
VHO - Ngày 14.7, Hội đồng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels nhằm thảo luận về tình hình và triển vọng quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến các chính sách thuế quan mới của Washington.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp, các Bộ trưởng Thương mại đã chia sẻ quan điểm về diễn biến gần đây trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương. Hội đồng nhận định mức thuế 30% mới được Mỹ công bố là không hợp lý và không thể chấp nhận. Tuy nhiên, các Bộ trưởng khẳng định cam kết tiếp tục đối thoại với phía Mỹ nhằm đạt được một giải pháp thương lượng, hướng đến việc giảm thuế, khôi phục ổn định và khả năng dự đoán cho hoạt động thương mại hai bên.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục đại diện cho toàn khối trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Trong tinh thần xây dựng và thiện chí, Hội đồng đã nhất trí gia hạn việc đình chỉ gói biện pháp đối phó đầu tiên của EU, gồm thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 21 tỷ euro (24,49 tỷ USD), từ ngày 15.7 đến đầu tháng Tám, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao.
Bên cạnh các nỗ lực đối thoại, các Bộ trưởng cũng thống nhất tăng cường công tác chuẩn bị cho các biện pháp đối phó bổ sung trong trường hợp cần thiết. EC có thể trình bày các đề xuất liên quan nếu tình hình diễn biến xấu đi.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, Lars Løkke Rasmussen, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, nhấn mạnh cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức của quan hệ thương mại EU-Mỹ. "Chúng tôi thống nhất tiếp tục đàm phán với tinh thần thiện chí, vì một thỏa thuận cùng có lợi. Tuy nhiên, EU cũng sẵn sàng bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, kể cả việc áp dụng các biện pháp đối phó cân xứng khi cần thiết. Trong thời điểm bất ổn địa chính trị và xu hướng bảo hộ gia tăng, EU cần giữ vững vai trò là đối tác thương mại cởi mở và chủ động với thế giới", Bộ trưởng Lars Løkke Rasmussen nói.
Cuộc họp cũng là dịp để các Bộ trưởng đánh giá tác động của các chính sách thương mại mới từ phía Mỹ, đặc biệt là hiện tượng chuyển hướng thương mại, vốn đang được EC giám sát chặt chẽ. Công tác theo dõi này được tiến hành với sự phối hợp của các quốc gia thành viên và sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong EU.
Trong bối cảnh đó, EU tiếp tục thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa các quan hệ thương mại và mở rộng đối tác toàn cầu. Việc đạt được thỏa thuận chính trị ngày 13.7 với Indonesia (In-đô-nê-xi-a) về một Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện được coi là minh chứng rõ ràng cho định hướng này. Đây là bước tiến quan trọng góp phần củng cố mạng lưới thương mại chiến lược của EU tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặc dù các mức thuế cụ thể của Mỹ đối với EU đang tạm thời bị đình chỉ đến ngày 1.8, nhưng hiện tại vẫn có một số mức thuế bổ sung đang được áp dụng, bao gồm: thuế cơ bản 10%, thuế bổ sung 50% đối với mặt hàng thép và nhôm, và thuế bổ sung 25% đối với ô tô. Theo EC, các mức thuế này hiện ảnh hưởng đến khoảng 70% tổng giá trị hàng xuất khẩu của EU sang thị trường Mỹ.
Trong phiên họp, các Bộ trưởng cũng đã rà soát tiến độ của các cuộc đàm phán thương mại song phương hiện đang diễn ra, bao gồm các thỏa thuận đã được đàm phán nhưng chưa được ký kết với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Mexico, Indonesia và Ukraine. Ngoài ra, EU cũng đang tiếp tục các vòng đàm phán với các đối tác tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Australia và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Trong bối cảnh quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương đang đối mặt với nhiều biến động, các Bộ trưởng nhất trí về sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán với các đối tác khác, đồng thời mong đợi Ủy ban sớm trình bày các đề xuất cụ thể liên quan đến các thỏa thuận với Mercosur và Mexico.
Hội đồng cũng khẳng định cam kết mở rộng quan hệ thương mại song phương với các đối tác tại Mỹ Latinh, châu Á, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi. Việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục được coi là một ưu tiên chiến lược.
Các Bộ trưởng hoan nghênh thỏa thuận chính trị vừa đạt được với Indonesia, xem đây là nền tảng vững chắc hướng tới việc kết thúc đàm phán vào tháng Chín tới. Đồng thời, EU cũng đặt mục tiêu ký kết một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa với Ấn Độ trước cuối năm nay.
Cuộc họp cũng dành thời gian thảo luận về quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Bảy.
Ủy ban đã cung cấp thông tin cập nhật về các cuộc tiếp xúc gần đây với các đối tác Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề như hạn chế xuất khẩu đất hiếm, bất cân đối trong tiếp cận thị trường (liên quan đến hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh, mỹ phẩm và dược phẩm), cũng như các vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây do Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm thịt lợn, sữa và rượu mạnh nhập khẩu từ EU.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa để bảo vệ lợi ích lâu dài của nền kinh tế châu Âu, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng phức tạp.
EU đã đưa ra thông điệp rõ ràng về sự thống nhất, kiên định và chủ động của EU trong ứng phó với các thách thức thương mại hiện nay. Trong khi duy trì tinh thần đối thoại xây dựng với Mỹ, EU đồng thời đẩy mạnh tiến trình đa dạng hóa và mở rộng các quan hệ thương mại chiến lược toàn cầu. Đây không chỉ là bước đi nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của khối, mà còn thể hiện vai trò tích cực của EU trong việc thúc đẩy một hệ thống thương mại quốc tế công bằng, ổn định và minh bạch hơn.
Theo HƯƠNG GIANG (P/V TTXVN TẠI BRUSSELS)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc