Chiến thuật leo thang sức ép của hai đảng UTJ và Shas trong liên minh cầm quyền ở Israel

VHO - Trong bối cảnh hai đảng Do Thái chính thống tại Israel - Liên minh Do Thái giáo Torah (UTJ) và Shas - đang đứng trước ngưỡng cửa rút khỏi chính phủ, tương lai của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu ngày càng trở nên bất ổn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: IRNA/TTXVN
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: IRNA/TTXVN

Các nghị sĩ của UTJ đầu tuần qua đã nộp đơn từ chức, dự kiến có hiệu lực trong vòng 48 giờ sau đó, trong khi đảng Shas công khai đe dọa sẽ tiếp bước. Tuy cả hai đảng Haredi rời bỏ liên minh sẽ khiến ông Netanyahu mất thế đa số tại Quốc hội, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sẽ lập tức tổ chức bầu cử – và cũng chưa rõ liệu các đảng này thực sự muốn làm sụp đổ chính phủ hay chỉ đang tạo sức ép.

Với chỉ 7 ghế trong Quốc hội, UTJ không đủ sức tự mình khiến chính phủ sụp đổ. Dù Shas nắm 11 ghế và sự rút lui của đảng này sẽ khiến ông Netanyahu mất đa số, nhưng chính phủ vẫn có thể tiếp tục tồn tại dưới dạng chính phủ thiểu số – ít nhất là trong ngắn hạn.

May mắn cho ông Netanyahu, Quốc hội Israel (Knesset) sẽ nghỉ ba tháng bắt đầu từ ngày 27.7. Khoảng thời gian này có thể giúp ông tìm cách tháo ngòi khủng hoảng sau hậu trường, khi Quốc hội tạm ngừng các hoạt động lập pháp cũng như các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Cả UTJ và Shas hiện được cho là đang dùng đòn bẩy rút khỏi liên minh như một chiến lược gây áp lực, chứ chưa phải hành động mang tính dứt khoát.

Tuy nhiên, áp lực từ giới lãnh đạo tôn giáo đối với các đảng này đang tăng cao. Việc liên minh cầm quyền không thể thông qua luật miễn nghĩa vụ quân sự toàn diện cho học sinh yeshiva – đi ngược lại phán quyết của Tòa án Tối cao - đã khiến các giáo sĩ chính thống phản ứng mạnh mẽ, buộc các đại diện chính trị phải hành động quyết liệt hơn.

So với UTJ, đảng Shas đứng trước bài toán chính trị phức tạp hơn. Dù cũng bị áp lực từ các giáo sĩ, đảng Shas không dễ từ bỏ các vị trí bộ trưởng trong nội các - vốn cho phép họ kiểm soát các cuộc bổ nhiệm giáo sĩ trên toàn quốc và củng cố nền tảng chính trị lâu dài.

Thêm vào đó, lực lượng cử tri của Shas đa dạng hơn UTJ, bao gồm không chỉ người Haredi mà còn nhiều người truyền thống hoặc thế tục – đặc biệt là ở các khu vực ngoại vi. Những cử tri này phục vụ trong quân đội và không dễ dàng ủng hộ việc kéo đổ chính phủ chỉ vì vấn đề miễn nghĩa vụ cho học sinh tôn giáo, trong bối cảnh quân đội đang thiếu nhân lực trầm trọng sau 21 tháng chiến sự với Hamas.

Nhiều khả năng, đe dọa của Shas chỉ là chiến thuật gây sức ép, chứ chưa phải quyết định rút khỏi chính phủ.

Với Thủ tướng Netanyahu, mối đe dọa từ các đảng Haredi là nghiêm trọng – nhưng không phải duy nhất. Nếu ông quyết định đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin ở Gaza, ông có thể mất sự ủng hộ của các đối tác cực hữu như Bezalel Smotrich (đảng Chủ nghĩa Do Thái Tôn giáo) và Itamar Ben Gvir (Otzma Yehudit), những người nhiều lần tuyên bố sẽ rút nếu chiến tranh kết thúc.

Khi đó, nếu cả các đảng Haredi và phe cực hữu đều rút, ông Netanyahu sẽ gần như không còn liên minh nào – một kịch bản không thể duy trì lâu dài. Điều này khiến xuất hiện đồn đoán rằng ông có thể chủ động kêu gọi bầu cử vào đầu năm tới, nhằm kiểm soát tình hình thay vì để chính phủ sụp đổ dần dần.

Tạm thời, cả UTJ lẫn Shas dường như vẫn chưa muốn đẩy tình hình đến mức không thể cứu vãn. Chiến thuật hiện tại của họ là leo thang để gây sức ép, nhưng vẫn để ngỏ khả năng thương lượng.

Một nguồn tin trong liên minh tiết lộ, đảng Shas sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng trước ngày 17.7, sau khi các giáo sĩ hàng đầu nhóm họp để thống nhất quan điểm. Dù UTJ đã nộp đơn từ chức, vẫn có các kênh hậu trường giữa Likud và Degel HaTorah - phe chính trong UTJ - nhằm tìm cách thu hồi quyết định trước khi nó có hiệu lực.

Ngày 16.7 là hạn chót để trình các dự luật trước kỳ nghỉ, khiến nó trở thành thời điểm chiến lược cho mọi động thái giải tán Quốc hội hoặc khôi phục các dự luật bế tắc. Tuy nhiên, theo luật Israel, Quốc hội không thể bị giải tán trong vòng sáu tháng kể từ lần nỗ lực trước đó – và một dự luật giải tán của phe đối lập đã thất bại vào tháng trước. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu muốn tiến hành bầu cử sớm, cần có sự khéo léo về cả pháp lý lẫn chính trị.

Đầu tuần tới có thể có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm – cho phép phe đối lập đề xuất chính phủ thay thế. Nhưng để điều này xảy ra, các đảng Haredi sẽ phải bắt tay với phe đối lập và từ bỏ luật miễn nghĩa vụ – điều rất khó xảy ra.

Áp lực tiếp tục gia tăng với kỳ nghỉ yeshiva Bein Hazmanim sắp tới trong ba tuần nữa. Năm nay, do quy chế miễn nghĩa vụ đã hết hiệu lực, hàng loạt nam giới chính thống có thể bị quân đội xem là trốn nghĩa vụ và bị bắt giữ – khiến khả năng biểu tình lớn là rất cao.

Một nguồn tin từ Shas nói với báo Haaretz rằng nếu bắt giữ bắt đầu diễn ra, “sẽ có máu, lửa và khói,” ám chỉ các cuộc biểu tình quy mô lớn do các giáo sĩ đứng đầu.

Nguồn tin này cũng cho biết nếu đến phiên họp mùa đông của Quốc hội vào tháng 10 mà vẫn không có luật nghĩa vụ mới, các đảng Haredi sẽ thúc đẩy giải tán Quốc hội – dù có hay không có sự đồng thuận của Thủ tướng Netanyahu. Họ vẫn ưu tiên phối hợp với ông Netanyahu để thống nhất ngày bầu cử, nhưng sẵn sàng tự hành động nếu cần.

Người Haredi chiếm khoảng 14% trong tổng dân số 10 triệu người Israel và nhóm này được miễn trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, nhưng chính sách đó ngày càng bị dư luận Israel phản đối khi chiến sự liên miên. Tòa án tối cao Israel đã phán quyết chính sách này là vi hiến, nhưng chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, vốn phụ thuộc vào các đồng minh Haredi, nêu rõ họ không có ý định ép buộc nhập ngũ với nhóm người này. Theo số liệu chính thức, trong năm 2024 chỉ có khoảng vài trăm nam giới Haredi nhập ngũ trong số hơn 10.000 đơn gọi mà quân đội gửi đi.

Theo THANH BÌNH (P/V TTXVN TẠI ISRAEL)/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc