ASEAN đóng vai trò như"một ngọn hải đăng hòa bình"
VHO - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò của ASEAN như "một ngọn hải đăng hòa bình", một hình mẫu tổ chức khu vực về đối thoại, hợp tác và giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình.

Chiều 9.7, tiếp tục chương trình làm việc tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 với trọng tâm là kiểm điểm, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ quan điểm của các nước về những biến động nhanh chóng và bất ổn của tình hình quốc tế thời gian qua, khi hòa bình và an ninh đứng trước thách thức nghiêm trọng, xung đột, căng thẳng tiếp diễn và các hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, đặc biệt là nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và hạt nhân, diễn ra ngày càng đáng báo động.
Trước những biến động đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của ASEAN như "một ngọn hải đăng hòa bình", một hình mẫu tổ chức khu vực về đối thoại, hợp tác và giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định, chính tinh thần gắn bó trong gia đình, gắn kết trong cộng đồng và láng giềng gần gũi cùng nền tảng vững chắc của đối thoại, ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đã làm nên thành công của ASEAN trong nhiều thập kỷ qua. Các thành quả này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong tiến trình hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục củng cố năng lực tự cường và tự chủ chiến lược, đồng thời chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác, vừa góp phần duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực vừa tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung. ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm trong định hình và dẫn dắt các tiến trình khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hiện có, trong đó tận dụng vai trò của Ủy ban các Đại diện thường trực (CPR) tại Jakarta.

Đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng đồng thuận và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Về Myanmar, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ quá trình phục hồi và tái thiết, đề xuất ASEAN nghiên cứu cách tiếp cận mới, xây dựng kế hoạch thực hiện Đồng thuận 5 điểm với mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng và các bước đi khả thi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Liên quan đến Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ quan ngại về những diễn biến thời gian qua; nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục giữ vững lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, hợp tác xây dựng lòng tin, và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
* Cũng trong chiều 9.7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tham dự Lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Uruguay và Algeria, nâng tổng số thành viên tham gia Hiệp ước lên 57.
Trước đó, sáng cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Timor-Leste, Tổng Thư ký ASEAN cùng đại diện quan chức cao cấp của các đối tác.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh trong một thế giới đầy biến động, ASEAN cần giữ vững tinh thần chủ động, tự chủ chiến lược, đoàn kết để định hình tương lai khu vực. Thủ tướng Anwar chia sẻ, sức mạnh thật sự của ASEAN nằm chính ở đoàn kết, gắn kết và cam kết cùng nhau vượt qua khác biệt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng đối thoại và kiên định tìm kiếm đồng thuận.
"ASEAN không ra đời trong thuận lợi, mà được tôi luyện từ những bất ổn, phức tạp và chia rẽ. Chính từ đó, ASEAN học được cách hợp tác, cùng nhau gìn giữ hòa bình và phát triển thịnh vượng". Trong bối cảnh xung đột, nghi kỵ lan rộng đến những hành vi đơn phương đe dọa nghiêm trọng hòa bình và trật tự quốc tế, ASEAN cần phải là lực lượng tiên phong, phát huy tiếng nói chung mạnh mẽ bảo vệ luật pháp quốc tế.
Trước thực trạng những công cụ kinh tế bị vũ khí hóa để phục vụ cạnh tranh địa chính trị, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh, ASEAN cần hành động tỉnh táo, rõ ràng và dứt khoát. Điều quan trọng hơn cả, ASEAN phải tự quyết định con đường của chính mình, có chủ đích, có tầm nhìn và có mục tiêu. ASEAN cần thúc đẩy hội nhập thực chất, tăng cường phối hợp giữa trụ cột ngoại giao và kinh tế, gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các lĩnh vực để xây dựng nền kinh tế bao trùm và bền vững. ASEAN cần tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực hợp tác mang lại lợi ích cụ thể cho người dân, đặc biệt là kết nối, an ninh lương thực, chuyển đổi số, giáo dục, y tế và tự cường khí hậu.
Thủ tướng Anwar cũng bày tỏ mong đợi chào đón Timor-Leste trở thành thành viên chính thức của ASEAN, kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ Timor-Leste hội nhập đầy đủ không chỉ về mặt thể chế mà cả trong tầm nhìn tương lai chung của ASEAN và khu vực.
Ngay sau lễ khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các Bộ trưởng tham dự phiên họp toàn thể, tập trung trao đổi về triển khai quyết định của các lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và định hướng sắp tới cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu bật những giá trị cốt lõi làm nên thành công của ASEAN, trong đó có đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau. Trong giai đoạn bất ổn hiện nay, đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN cùng cam kết mạnh mẽ về phát triển bao trùm và bền vững tiếp tục là kim chỉ nam dẫn dắt Cộng đồng ASEAN. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề xuất 3 định hướng trọng tâm cho ASEAN trong thời gian tới.
Một là, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Cùng với việc đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối và triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đã được nâng cấp, ASEAN cần rà soát, tận dụng FTA hiện có với các đối tác, mở rộng liên kết kinh tế liên khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhằm đa dạng hoá thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. ASEAN cần tận dụng thương mại điện tử để khơi thông thương mại nội khối, cũng như mở rộng mạng lưới các thị trường bên ngoài.
Hai là, hướng tới một cộng đồng số hóa hàng đầu, ASEAN cần đẩy nhanh đàm phán Hiệp định khung kinh tế số, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số và hệ sinh thái đổi mới-sáng tạo cần được lồng ghép trong các khuôn khổ hợp tác với đối tác để tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật. Các nỗ lực này cũng cần được cụ thể hóa cả trong các chương trình của ASEAN và hợp tác tiểu vùng nhằm tạo sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau. Trong vai trò Chủ tịch Nhóm Đặc trách Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), Việt Nam sẽ phối hợp với các nước triển khai những nội dung này trong Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn tiếp theo.
Ba là, để xây dựng cộng đồng thực sự hướng tới người dân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh, ASEAN cần tăng cường kết nối với người dân. Vai trò của ASEAN không chỉ hiện diện qua các tuyên bố cấp cao mà quan trọng hơn, cần được lan tỏa thông qua các hành động cụ thể và thiết thực. Chiến lược truyền thông của khu vực cần được thúc đẩy để quảng bá rộng rãi hơn về các thành tựu và đóng góp quan trọng của ASEAN thông qua các câu chuyện người thật, việc thật. Việt Nam sẽ sớm xây dựng kế hoạch triển khai các văn kiện chiến lược ASEAN 2045 ở cấp quốc gia nhằm đưa ASEAN tới gần hơn với người dân, doanh nghiệp và địa phương.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp với các nước chuẩn bị cho tiến trình Timor-Leste gia nhập ASEAN. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Timor-Leste hoàn tất các tiêu chí, trong đó có việc tham gia các văn kiện pháp lý, đồng thời đề nghị ASEAN sớm có kế hoạch hỗ trợ Timor-Leste hội nhập hiệu quả và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên.