Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động của UNESCO trên các lĩnh vực thẩm quyền

VHO – Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang tham dự Khoá họp lần thứ 215 của Hội đồng Chấp hành của UNESCO Khoá họp lần thứ 215 của Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 5-19.10.2022 tại Paris với sự tham dự của 58 quốc gia thành viên.

Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động của UNESCO trên các lĩnh vực thẩm quyền - Anh 1

Trưởng đoàn Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên họp toàn thể. Ảnh: BNG

Đây là kỳ họp thường niên lần thứ hai trong năm của Hội đồng Chấp hành, có nội dung đánh giá tổng kết hoạt động và chi tiêu ngân sách trong 06 tháng đầu năm triển khai Chương trình và Ngân sách giai đoạn 2022-2023 trên các lĩnh vực chuyên môn gồm giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin và truyền thông, các ưu tiên toàn cầu và các nhóm ưu tiên của UNESCO.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Trưởng đoàn Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ đánh giá về tình hình thế giới hiện nay, nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò và đóng góp tích cực của UNESCO trong ứng phó và giải quyết các vấn đề toàn cầu, mới đây nhất đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Chuyển đổi giáo dục tại New York, đặc biệt Hội nghị toàn cầu về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững MONDIALCULT 2022 tại Mexico trong tháng 9.2022 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn tham gia tích cực cùng các thành viên của UNESCO triển khai các hoạt động của UNESCO trên các lĩnh vực thẩm quyền, minh chứng là việc Việt Nam đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình nhằm cùng cộng đồng quốc tế đưa ra các thông điệp về chính sách vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Hội nghị quốc tế về “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” tại Bình Định hưởng ứng Năm quốc tế vì khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 và sẽ tổ chức Hội nghị toàn cầu về núi lửa tại Công viên địa chất toàn cầu Đăk Nông ngày 24-26.11.2022, Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể 2003 trong năm 2023.

Nhân dịp này, Trưởng Đoàn Việt Nam đã gặp làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu và Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Edouard Firmin Matoko trao đổi việc tăng cường hợp tác nhằm cụ thể hóa Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 trong thời gian tới và các biện pháp góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Lãnh đạo UNESCO đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng giám đốc Audrey Azouley, nhất là sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với hợp tác UNESCO nói chung và đối với chuyến thăm của bà Tổng giám đốc nói riêng. Hai bên nhất trí về việc sẽ triển khai các hoạt động cụ thể, hiệu quả tại Việt Nam cũng như thúc đẩy các sáng kiến của UNESCO và đề xuất của Việt Nam với mục tiêu nâng quan hệ hai bên lên tầm cao mới.

Bên lề khoá họp, Trưởng đoàn Việt Nam đã có tiếp xúc bên lề với Chủ tịch Hội đồng Chấp hành, bà Tamarac Rastovac, một số Trưởng đoàn các nước trao đổi về hợp tác song phương, các vấn đề cùng quan tâm cũng như phối hợp triển khai chương trình nghị sự của Kỳ họp.

Khoá họp 215 của Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ tiếp tục họp đến hết ngày 19.10.2022 và dự kiến thông qua nhiều quyết định quan trọng như các biện pháp thúc đẩy vai trò đi đầu của UNESCO trong điều phối, hỗ trợ thực hiện SDG 4; thông qua Chiến lược toàn diện về Chương trình quản lý biến đổi xã hội giai đoạn 2022-2029; cụ thể hóa Khuyến nghị về Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo; Khung toàn cầu về Khoa học mở…

Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động của UNESCO trên các lĩnh vực thẩm quyền - Anh 2

Bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VOV

Cũng trong dịp này, tại trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris, Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã trang trọng kỷ niệm sự kiện "Hồ Chí Minh: Con người vì hoà bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất", với sự tham gia, đồng bảo trợ của UNESCO.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 vinh danh "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam" do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, buổi lễ đã được Tổng Giám đốc Audrey Azoulay đến chúc mừng sự kiện và chia sẻ cảm xúc tuyệt vời mà bà đã trải qua trong chuyến thăm Việt Nam gần đây.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh việc Tổ chức này ra Nghị quyết là sự ghi nhận đối với đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; đồng thời tôn vinh những lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Người thấu hiểu sâu sắc và đặt niềm tin vào giá trị chân, thiện, mỹ, vào bản chất cao đẹp của con người, như tinh thần Hiến chương của UNESCO "Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm trí con người, nên phải xây dựng thành trì về hòa bình trong tâm chí con người".

Thay mặt tổ chức UNESCO, phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Xing Qu bày tỏ vinh hạnh khi được tham dự sự kiện vinh danh Hồ Chí Minh, người mà ông cho rằng "đã để lại dấu ấn trong lịch sử nhân loại, cũng như những nhân vật khác như Jawaharlal Nehru".

Ông khẳng định: "Với việc UNESCO ra quyết định này, các quốc gia thành viên đã cùng mong muốn vinh danh những gương mặt luôn theo đuổi một lý tưởng, cũng chính là trọng tâm nhiệm vụ của tổ chức này. Lý tưởng đó là sức mạnh của giáo dục và văn hóa nhằm nuôi dưỡng bản sắc và khát vọng của các dân tộc. Nhưng lý tưởng đó cũng để cho phép họ hiểu nhau và xây dựng hòa bình. Một lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng tin tưởng, Người đã đưa văn hóa và giáo dục trở thành trụ cột cho nền độc lập của nước Việt Nam và sự giải phóng của dân tộc. Đây cũng là lý do tại sao Người đã nỗ lực rất nhiều để giúp cho giáo dục có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, đặc biệt với phụ nữ, vì ông cũng là người nhiệt thành ủng hộ bình đẳng giới".

Nhân dịp này, Phó Tổng Giám đốc UNESCO cũng kêu gọi mọi người cùng nhau tiếp tục giữ vững lý tưởng bình đẳng này của Hồ Chí Minh, và cùng nhau tôn vinh những lý tưởng chung đó là sự liên kết về trí tuệ và đạo đức của nhân loại, dựa trên nền tảng văn hóa và giáo dục.

 TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc