NSND Đào Trọng Khánh sống trong chiều không gian khác

VHO - Trong một hồi ức của mình, anh Khánh đã kể rằng, có lần Lưu Quang Vũ nói với anh: “Không có cái chết. Đám ma chỉ là một cuộc diễu hành, đi qua cánh cổng của chiều không gian khác. Sống như đang còn sống, mình sẽ ở bên nhau”. Anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh thường gọi bạn là “Khánh béo”. Chúng tôi cũng gọi theo như vậy, nghe thế anh chỉ cười hiền hậu…

NSND Đào Trọng Khánh sống trong chiều không gian khác - Anh 1

 NSND Đào Trọng Khánh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Anh học biên kịch ở trường Điện ảnh, cả đời anh viết kịch bản và đạo diễn phim tài liệu. Năm 2007, anh được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: 1/50 giây cuộc đời; Việt Nam - Hồ Chí Minh; Vũ nữ Trà Kiệu; Truyền kỳ sự thật; Hình bóng tổ tiên; Hồ Chí Minh… Anh nổi tiếng với các bộ phim tài liệu giàu chất thơ về các lãnh tụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... với phong cách kể chuyện đặc trưng, đầy ấn tượng. Phim của anh thấm đẫm chất thơ, trữ tình sâu sắc và trí tuệ. Anh làm việc ở Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, từng đảm nhiệm từ đạo diễn, quay phim đến biên kịch và viết lời bình cho rất nhiều phim của Hãng.

  Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940, nguyên quán Hải Phòng. Sau một thời gian lâm bệnh, ông đã qua đời lúc 16h40 ngày 20.9.2023 tại nhà riêng ở TP Hải Phòng. Lễ viếng NSND Đào Trọng Khánh được tổ chức vào 14h30 ngày 22.9.2023, tại Nhà tang lễ Viện Y học Hải quân (TP Hải Phòng). Lễ truy điệu và đưa tiễn diễn ra chiều 23.9.2023.

NSND Đào Trọng Khánh còn là một nhân vật trong bài thơ nổi tiếng, được nhiều người yêu thích của Lưu Quang Vũ: Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn. Đó là đầu những năm 70 đầy khó khăn của đất nước, chiến tranh đang hồi ác liệt. Đào Trọng Khánh, Nguyễn Lâm là hai người bạn thân nhất trong thời tuổi trẻ của Vũ. Họ đều là những người có tài và đầy khí phách. Các nhân vật gọi nhau bằng “bác” khi đó chưa đầy 30 tuổi và cũng không có ai là đệ tử của “Lưu Linh”. Họ mượn cách nói ấy để bộc lộ nỗi lòng xót đau, thảng thốt…

NSND Đào Trọng Khánh sống trong chiều không gian khác - Anh 2

NSND Đào Trọng Khánh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần ông làm phim về Đại tướng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Những năm đó các anh làm thơ, không nghĩ đến kịch, không nghĩ đến phim, không nghĩ đến một thứ gì khác: “Những vần thơ như móng tay day dứt/ Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè/ Cho kẻ xa nhà mái lá chở che/ Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng/ Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn/ Và ban mai trong mắt những con gà” (Lưu Quang Vũ - Mây trắng của đời tôi). Họ làm thơ và đọc cho nhau nghe để chia sẻ và an ủi cùng bạn: “Thương nhà thương nước thương cho bạn?/ Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào…/ Thơ Khánh buồn như lòng đất nước/ Thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng” (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn).

Anh Khánh khi làm thơ lấy tên là Đào Nguyễn, anh Vũ gọi bạn là Nguyễn “Hải Phòng”. Tôi nhớ mãi những câu thơ trong một bài thơ của Đào Nguyễn mà anh Vũ hay đọc: “Lòng em giàu như một mảnh vườn hoang/ Mùa quả chín lũ trẻ nghèo hái trộm/ Em tan nát em cành khô lá rụng/ Em si mê vụng dại của tôi ơi/ Mưa mùa thu lặng lẽ tuôn rơi/ Trên má em giá lạnh/ Trên đôi môi cháy khét/ Của kẻ tình nhân bội bạc”… Lưu Quang Vũ có cách đọc thơ rất lôi cuốn. Giọng anh trầm trầm nhỏ nhẹ. Đọc mà như nói, nói với chính mình, với bè bạn.

Thật tiếc là sau này anh Khánh ít làm thơ mà chuyên tâm vào điện ảnh, mặc dù anh đã có những thành tựu được ghi nhận và đánh giá cao. Nhưng tôi rất tâm đắc với nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương: “Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân”. Khi sức khỏe yếu, không có điều kiện đi làm phim, anh ngồi viết văn. Tập truyện ký Đất và người (NXB Hội Nhà văn, 2020) của anh là một tác phẩm sâu sắc, sinh động, đầy mới lạ… Hình ảnh là câu chữ, là ngôn ngữ của nghệ thuật thứ 7, con mắt của người làm phim Đào Trọng Khánh luôn nắm bắt và thể hiện được những hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng, hàm súc.

Nhớ Vũ, anh viết về bạn đầy ấn tượng và thật da diết, độc đáo: “Đợi Vũ từ chiều không gian khác trở về. Vũ trụ có nhiều chiều không gian. Và thời gian cũng vậy. Người ta có thể quay trở lại... Vũ thường nói về tình bạn: “Nếu không có bạn thì buồn lắm, mà buồn nhiều thì sẽ chẳng làm được cái gì. Vũ có nhiều bạn, ở khắp mọi miền. Hải Phòng - thành phố nơi tôi ở, Vũ thân với “những nhà thơ Cửa Biển”, ngày xưa cũng như bây giờ, bao giờ cũng yêu mến Vũ. Có một cơn mưa rào không - thời gian, đưa Vũ trở về.

NSND Đào Trọng Khánh sống trong chiều không gian khác - Anh 3

NSND Đào Trọng Khánh với bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mùa hè, Lưu Quang Vũ xuống Hải Phòng. Thành phố những năm chiến tranh, những chụp đèn phòng không sũng nước. Ánh sáng soi vào những lá cây như sáng lên, trong đôi mắt to buồn bã của Vũ: “Con tàu về cảng đêm mưa/ Ngã tư ngô đồng rụng lá/ Con sông mờ, thân cầu đổ/ Dãy nhà hoang ống khói âm thầm”. (Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa - Lưu Quang Vũ).

Những bạn bè thân thiết từ chiến trường về cùng mấy người bạn nữa đợi Vũ ở quán ăn đêm của công nhân bốc xếp cảng. Cái quán ăn dã chiến ồn ào, chen chúc những tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi vây quanh nồi nước dùng to tướng, ngùn ngụt khói, đặt ở góc nhà. Những người thủy thủ bạn tôi cầm cốc lại bàn chuốc rượu. Mừng các nhà thơ, mừng Vũ xuống Hải Phòng! Mừng các thủy thủ phá lôi của ta mở luồng Nam Triệu! Có đủ lý do để uống cho say. Rượu Đồng Tháp đỏ như lửa, tưởng như không bao giờ cạn.

Ngày đó, ngồi ở đây, dù không là thủy thủ nhưng nhìn nhau người ta cũng thường liên cảm tới một cái gì vừa gần gũi, vừa dữ dội, như thể là biển, là những ngọn sóng trào đang vây quanh bàn rượu.

Vậy mà đã nhiều năm trôi qua, không quên được bạn bè, không quên được những cơn mưa rào ngoài biển, không quên được Vũ.

“Bỏ phố phường bỏ dòng sông anh tìm đến biển/ Dù muộn mằn dù tê dại bàn chân/ Trước mắt ta là khoảng vô cùng/ Mặt trời như cốc rượu nhớ mong/ Ta gửi lại muôn đời trên mỏm đá”. (Lưu Quang Vũ)

Vũ đã đi rồi, cơn mưa cũng đã về với biển. Bạn bè rồi ai cũng sẽ thành sóng bạc đầu. Chỉ có chén rượu nhớ mong trên mỏm đá ngày xưa vẫn còn mãi mãi… (Đào Trọng Khánh. Đất và người, tr.200)”.

Đôi khi, chúng tôi về Hải Phòng thăm anh trong căn nhà nhỏ ở một con ngõ sâu. Chị em tôi thích thú nghe anh kể về những ngày xưa yêu dấu, về tuổi trẻ ồn ào và cay cực của các anh với niềm thương nhớ khôn nguôi…

Anh Khánh ơi, giờ đây ở chiều không gian khác, anh và những người bạn sẽ được gặp lại nhau, lại chia sẻ cùng nhau những niềm say mê, tâm huyết của đời mình! 

 NSND, ĐẠO DIỄN LÊ HỒNG CHƯƠNG: “NSND Đào Trọng Khánh là nguồn cảm hứng cho thế hệ đàn em”

Chia sẻ với Văn Hóa về những tháng ngày được đồng hành với NSND Đào Trọng Khánh, NSND, đạo diễn Lê Hồng Chương cho biết: “Quãng thời gian làm phim cùng cố NSND Đào Trọng Khánh dù vất vả nhưng đầy ắp tiếng cười. Giai đoạn năm 1982, thiếu thốn đủ đường nhưng chính sự thiếu thốn ấy lại là những kỷ niệm khó quên. Không có tiền, chúng tôi có khi phải đi xin ăn. Khó khăn nhưng ông vẫn thể hiện sự dí dỏm, hài hước, trêu đùa anh em, lạc quan để vượt qua cái nghèo, sau này là cái buồn. Chính nụ cười đã giúp ông luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề”.

Người ta thường nói “có bí kíp thì phải giữ”, nhưng NSND Đào Trọng Khánh thì khác. Ông không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ đi sau. NSND Lê Hồng Chương cho hay, khi mới chập chững vào nghề, chính NSND Đào Trọng Khánh đã truyền đạt cho ông gu thẩm mỹ trong điện ảnh, cách hình thành ý tưởng cho phim từ văn học - nghệ thuật. Sau này, không ít lần NSND Đào Trọng Khánh khi xem được phim của ông đã chủ động gọi điện góp ý. Những ý kiến ấy là vô cùng quý giá với thế hệ đàn em. Cũng chính lý do đó, các lớp đi sau hay gọi ông với cái tên thân thương “bầu” Khánh.

NSND Lê Hồng Chương cũng là người gắn bó với NSND Đào Trọng Khánh đến những ngày cuối đời. “Những ngày trong viện, tôi nắm tay ông nói: “Bầu” Khánh phải cố lên, cố còn về viết lời bình phim cho chúng con! Khán giả mê lời bình của “bầu” Khánh lắm vì không chỉ xem mỗi phim để viết, ông phải chiêm nghiệm, đọc vài cuốn sách rồi mới chấp bút. Sự kỹ tính, chuyên nghiệp ấy là điều chúng tôi luôn phải học hỏi. Giờ ông đi xa rồi, thương cho ông lắm! Cũng chẳng được nghe những lời dạy bảo của ông nữa”, NSND Lê Hồng Chương xúc động.

ĐÌNH TOÁN (ghi)

 

ĐẠO DIỄN, NSƯT ĐINH ANH DŨNG: “NSND Đào Trọng Khánh làm phim tài liệu bằng cả trái tim”

Bồi hồi nhớ lại những tháng ngày được đi làm phim với NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn, NSƯT Đinh Anh Dũng kể, trong thời gian chờ tốt nghiệp, ông may mắn được tham gia đoàn làm phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương với cương vị quay phim chính.

Ông cùng vài người bạn là Lưu Hà, Nguyễn Thước, Lê Hồng Chương theo đạo diễn Đào Trọng Khánh làm phim 1/50 giây cuộc đời về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh. Đây là series phim tài liệu gồm 5 phim, ông Dũng chỉ tham gia hai phim đầu là 1/50 giây cuộc đời Giữ trong tầm mắt. Sau đó, phim 1/50 giây cuộc đời đoạt 2 giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam 1985 cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.

Gắn bó với NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn Đinh Anh Dũng nhận ra ông không chỉ giỏi trong cách phát hiện đề tài, tư duy về kịch bản mà chất thơ cũng làm nên phong cách riêng trong các bộ phim của ông. “Tôi còn nhớ trong những ngày đi quay cùng NSND Đào Trọng Khánh, từ chùa Hương cho đến Sa Pa, buổi chiều sau khi tắt nắng, ông hay đọc thơ cho đoàn phim nghe. Rồi có lần quay ở Sa Pa, ông Khánh yêu cầu tôi thực hiện cú máy như một tia nắng mặt trời rọi xuống và từ tia nắng đó đến chỗ bác Võ An Ninh đang nấp sau hàng cỏ lau chụp hình. Cú máy không quá dài, nhưng tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Thật sự, tôi rất nể tư duy về làm phim của ông”, đạo diễn Đinh Anh Dũng chia sẻ.

THANH NGỌC (ghi)

 

 LƯU KHÁNH THƠ

Ý kiến bạn đọc