Đánh bóng tên tuổi hay “rác” văn hóa?

VHO- Chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tự xưng The King - Vua trong dự án phim mới ra mắt đã tạo nhiều tranh cãi trong những ngày qua. Liên tưởng đến danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt” gắn liền với tên tuổi Đàm Vĩnh Hưng trong một thời gian dài, một lần nữa dư luận dấy lên những lùm xùm, chỉ trích…

Đánh bóng tên tuổi hay “rác” văn hóa? - Anh 1

Sau những ồn ào, Đàm Vĩnh Hưng đã xóa tên tiếng Anh “The King” trong teaser poster chính thức của dự án phim “Hào quang rực rỡ”

 Nhiều người cho rằng, không chỉ là cách ứng xử thiếu chuẩn mực, biểu hiện lộng ngôn, loạn ngôn của những nhân vật tự cho mình là “ông hoàng, bà chúa” khiến chính họ trở nên “dị hợm” trong mắt khán giả.

Đánh bóng tên tuổi

Không phải ngẫu nhiên lại có một làn sóng chỉ trích Đàm Vĩnh Hưng khi anh công bố dự án điện ảnh Hào quang rực rỡ - The King. Phim do cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito thực hiện, thuộc dòng phim tiểu sử, tái hiện cuộc đời nhiều thăng trầm và hành trình 25 năm trong sự nghiệp ca hát của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Chuyện không có gì ầm ĩ khi tên gọi dự án dừng ở bốn chữ Hào quang rực rỡ. Nhưng, The King - Vua cùng lời chú thích Dựa trên câu chuyện thật của “Ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng khiến nhiều khán giả cho rằng anh này đang có phần lộng ngôn.

Những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực, tự xưng hoặc “thả nổi” để công chúng cổ suý cho những danh xưng “kêu như chuông” của không ít nghệ sĩ đã nhiều lần gây tranh cãi trong dư luận. Đánh bóng tên tuổi hay háo danh? Dù là gì thì những ứng xử thiếu chuẩn mực ấy cũng khiến họ trở nên xấu xí trong mắt khán giả. Nguy hại hơn, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến nhận thức của công chúng, nhất là giới trẻ.

Cũng không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng tạo nên lùm xùm trong cách phát ngôn, ứng xử cả ngoài đời và trên mạng xã hội. Sau buổi công bố dự án điện ảnh Hào quang rực rỡ - The King, hẳn nam ca sĩ và cả ê kíp của mình đã có thêm những kinh nghiệm về ứng xử trước công chúng. “Hợm hĩnh và ảo tưởng”, “lố bịch và loạn ngôn”…, những bình luận theo chiều hướng này đẩy cao câu chuyện danh xưng mà giới nghề và một bộ phận công chúng bức xúc bấy lâu. Trải lòng sau những ồn ào, Đàm Vĩnh Hưng đã giải thích trên trang cá nhân: “Bản thân chưa bao giờ dám vỗ ngực xưng danh là “Ông hoàng nhạc Việt” mà do khán giả yêu mến gọi anh bằng danh xưng đó. Anh rất trân trọng và biết ơn. Về tên gọi Hào quang rực rỡ - The King của dự án điện ảnh, sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến của công chúng, anh đã bàn với nhà sản xuất điều chỉnh tên phim cho phù hợp, tránh những hiểu lầm không mong muốn, cụ thể, bỏ chữ Vua - The King”. Nam ca sĩ cũng đồng thời “đính chính” hình ảnh ghế ngồi ngay booth chụp ảnh tại họp báo không phải là ngai vàng dành cho vua chúa mà là chiếc ghế cắt tóc được làm cho lộng lẫy hơn, nhắc nhớ rằng Hưng bắt đầu mưu sinh với công việc thợ cắt tóc.

Kể ra, nếu tự nhận thức và luôn nhớ rằng trên mỗi bước đường của mình, với vai trò là “ngôi sao” trong cách nhìn nhận của một bộ phận khán giả, thì có lẽ Đàm Vĩnh Hưng cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã không khiến dư luận liên tục gọi tên. Mặc dù đã trải lòng, nhưng vụ việc “xưng Vua” của Đàm Vĩnh Hưng vẫn chưa thể khiến khán giả lập tức cho qua. Bởi trong số đó, có nhiều người hâm mộ, chứng kiến nghệ sĩ từ “thuở hàn vi”, nhưng cũng có nhiều người không như vậy. Và dù thế nào thì khi đã là người của công chúng thì Đàm Vĩnh Hưng hay bất kỳ ai khác cũng luôn phải tự là “barie” của chính mình. Đừng nghĩ rằng, được tung hô, được nhiều người biết đến thì muốn nói năng, hành xử ra sao tùy thích.

Đánh bóng tên tuổi hay “rác” văn hóa? - Anh 2

 Đàm Vĩnh Hưng hay bất cứ nghệ sĩ nào đều cần chú ý về hành vi ứng xử, phát ngôn trước công chúng

Mạnh tay xử lý “rác” văn hóa

Trân trọng và biết ơn khi khán giả tụng xưng mình là “Ông hoàng nhạc Việt”, có lẽ Đàm Vĩnh Hưng cũng phải chấp nhận khi theo chiều ngược lại, nhiều người gọi cách phát ngôn, mà anh hữu ý hay vô tình vướng mắc, là “rác” văn hóa! Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng, khi nhạc thị trường lên ngôi, thị hiếu của một bộ phận khán giả nuôi dưỡng và yêu chiều những sở thích, phong cách thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ, thì trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng chỉ là một ví dụ. Trước đó, đã có không ít người của công chúng có phát ngôn lệch chuẩn, nhất là trên mạng xã hội, thậm chí có nghệ sĩ không ngần ngại đăng status, livestream để bóc phốt đồng nghiệp, đe dọa, chửi bới, hay tung những tin đồn gây chia rẽ, kích động, đố kị cá nhân, gây tổn thương đến người khác…

NSND Đỗ Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Tên tuổi của nghệ sĩ là do khán giả công nhận, còn tự phong hay cho rằng mọi người phong mình là “ông hoàng, bà chúa” thì bản thân tôi cũng không hiểu họ là “ông hoàng”, “bà chúa” ở điểm nào. Những phát ngôn như vậy đang đi quá xa thực tế…”.

Bình luận thêm về hiện tượng “gây bão” trong dư luận của nhiều nghệ sĩ trong thời gian qua, NSND Quốc Hưng bày tỏ: “Tôi kịch liệt phản đối hành động này. Việc “lộng ngôn” của một số nghệ sĩ dường như chỉ có mục đích tạo scandal. Họ đang ảo tưởng về mình, nói thẳng ra là để gây sự chú ý cho công chúng. Những nghệ sĩ chân chính không bao giờ làm như vậy”.

Chấn chỉnh những hiện tượng này, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. NSND Đỗ Quốc Hưng khẳng định, cần thiết phải đưa Quy tắc ứng xử đi sâu vào đời sống văn hóa nghệ thuật. Hơn ai hết, mỗi nghệ sĩ phải tự nhận thức rằng, bộ Quy tắc ứng xử chính là tấm gương để mỗi ngày họ soi chiếu và ứng xử chuẩn mực hơn. “Quy tắc ứng xử được ban hành đã tạo sự răn đe cần thiết. Các đơn vị quản lý Nhà nước về văn hóa có thể căn cứ trên “khung sườn” này để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng văn nghệ sĩ thuộc phạm vi quản lý. Đối với các nghệ sĩ tự do, bộ Quy tắc cũng là những khuyến cáo, nhắc nhở họ phải gìn giữ hình ảnh, lời nói và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nếu không muốn bị khán giả quay lưng, thậm chí tẩy chay…”, NSND Đỗ Quốc Hưng nói.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cũng cho rằng: “Có những sản phẩm âm nhạc, sản phẩm nghệ thuật vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, tác động xấu đến cộng đồng, giới trẻ. Hoặc có những người nổi tiếng, nghệ sĩ vi phạm về đạo đức, hình ảnh và trở nên xấu xí trong mắt khán giả. Thế nhưng, những hình thức xử phạt hiện nay thật sự chưa đủ sức răn đe bởi có trường hợp sau khi bị xử phạt hành chính thì nghệ sĩ lại nổi tiếng hơn, đắt show hơn. Vì thế, họ bất chấp tất cả để tạo scandal…”.

Cùng với Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành, Bộ TT&TT cũng đã có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ VHTTDL, trước mắt, do chưa có quy định pháp luật nên sử dụng phương thức “khuyến nghị” hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với các đối tượng vi phạm. “Bộ VHTTDL chỉ đạo các đơn vị chức năng cân nhắc hạn chế cấp phép, cấp văn bản chấp thuận hoạt động nghệ thuật của người vi phạm; xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm của nghệ sĩ và người nổi tiếng, dựa trên những hành vi được nêu trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Với các trường hợp vi phạm, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất hạn chế hoạt động biểu diễn trong một thời gian nhất định, hoặc cấm vĩnh viễn tùy theo mức độ tác động tiêu cực đến xã hội…”, ông Tự Do nhấn mạnh. 

 Bộ VHTTDL chỉ đạo các đơn vị chức năng cân nhắc hạn chế cấp phép, cấp văn bản chấp thuận hoạt động nghệ thuật của người vi phạm; xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm của nghệ sĩ và người nổi tiếng, dựa trên những hành vi được nêu trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Với các trường hợp vi phạm, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất hạn chế hoạt động biểu diễn trong một thời gian nhất định, hoặc cấm vĩnh viễn tùy theo mức độ tác động tiêu cực đến xã hội…

(Ông LÊ QUANG TỰ DO, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT)

 

THU TRANG - NGỌC NHIÊN

Ý kiến bạn đọc