Xiếc tre Teh Dar: Hóa thân mãnh liệt của văn hóa Tây Nguyên

VHO- Là một trong số các chương trình nghệ thuật sân khấu giàu bản sắc văn hóa và mang hơi thở đương đại, xiếc tre Teh Dar đã dẫn dắt người xem đến với vùng đất Tây Nguyên một cách đầy mê hoặc và thăng hoa. Ba suất biểu diễn mới đây của Teh Dar tại Nhà hát TP luôn chật kín người xem, không chỉ có du khách nước ngoài, khán giả Việt cũng đã đến thưởng thức đầy nhiệt tình và nghiêm túc.

Xiếc tre Teh Dar: Hóa thân mãnh liệt của văn hóa Tây Nguyên - Anh 1

 Teh Dar đã tái hiện văn hóa Tây Nguyên vô cùng sống động

 Bằng hình thức “xiếc kể chuyện”, sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre kết hợp với âm nhạc độc đáo được trình diễn trực tiếp để tái dựng sinh hoạt văn hóa người Việt, Xiếc tre Việt Nam đã trở thành loại hình nghệ thuật có một không hai, chinh phục được đông đảo khán giả trên khắp thế giới bất kể quốc tịch và ngôn ngữ. Teh Dar là vở diễn Xiếc tre Việt Nam của tác giả và đạo diễn Tuấn Lê; Giám đốc âm nhạc Nguyễn Nhất Lý; Giám đốc sáng tạo Nguyễn Lân; Biên đạo Ngô Thanh Phương... được xem như hóa thân sống động và mạnh mẽ của văn hóa Tây Nguyên trên sân khấu đương đại.

Sau thời gian tạm ngưng vì dịch Covid-19, Teh Dar không chỉ biểu diễn trở lại để phục vụ khán giả trong nước mà còn lưu diễn nước ngoài. Riêng tại TP.HCM, mỗi tháng Teh Dar diễn 3 suất, vừa đủ để khán giả thăng hoa khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của văn hóa Tây Nguyên qua góc nhìn của nghệ thuật xiếc cùng âm thanh mê hồn của nhạc cụ dân tộc bản địa. Teh Dar đưa khán giả vào không gian ma mị của những khu rừng già ẩn chứa cả sự chết lẫn tái sinh, của đêm trăng hò hẹn tình yêu đôi lứa... Vở diễn hút hồn bởi kỹ thuật xiếc tre điêu luyện, những màn nhào lộn mạo hiểm, táo bạo cùng âm sắc các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên mạnh mẽ mà du dương, réo rắt mà hoang dại, làm say đắm lòng người.

Là một trong số các tác phẩm nghệ thuật sân khấu giàu bản sắc văn hóa và mang hơi thở đương đại của Lune Production, cùng với À Ố Show Làng Tôi, Teh Dar tiếp tục sự nghiệp truyền tải các giá trị văn hóa Việt Nam trong cuộc sống xoay vần, cũng tựa như triết lý đằng sau cái tên Teh Dar, vốn trong tiếng dân tộc K’ho có nghĩa là “đi vòng tròn”. Vòng tròn là một biểu tượng gắn liền với hầu hết các dân tộc Tây Nguyên; mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng đều mang hình ảnh này, đó là lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, cúng tế thần linh, cầu mùa màng, cúng mừng lúa mới… Có điều, qua bàn tay biên đạo của các nghệ sĩ Teh Dar và màn biểu diễn tài năng của diễn viên, nét sinh hoạt trở nên thi vị, nghệ thuật và tròn trịa hơn.

Trên sân khấu, Teh Dar tái hiện lại một Tây Nguyên vừa như núi rừng hoang dại, lại vừa như một ché rượu cần ấm nồng mà sâu lắng. Ở Teh Dar, chúng ta sẽ thấy những chàng trai, cô gái đầy sức sống, phóng khoáng, tự do trong từng bước đi, điệu nhảy. Và hòa theo nhịp bước của người diễn viên, những chiếc gậy tre dài ngắn, thúng nhỏ, thúng to trở thành món đạo cụ đầy “uy lực”, dẫn dắt người xem vào thế giới của văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng chính là chiếc cầu nối đưa người xem đến với không gian đại ngàn hùng vĩ. Qua nhịp trống, tiếng đàn, bản hòa ca của núi rừng vang vọng khắp bốn phương, mang những câu chuyện xa xưa tái hiện theo từng cung bậc. Dĩ nhiên, không thể thiếu những trang phục thổ cẩm, họa tiết hình xăm trên cơ thể căng tràn nhựa sống của người nam giới…

Teh Dar là “kịch xiếc mới” với sự kết hợp nhiều loại hình như đu dây, nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, cùng nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng của nghệ sĩ hòa trong âm thanh, ánh sáng huyền ảo, ấn tượng. Khán giả thật sự bị thuyết phục bởi khả năng phối hợp nhịp nhàng của diễn viên cùng với những đạo cụ rất thô sơ, chỉ là thúng mủng, thân tre… nhưng vô cùng linh hoạt. Và ấn tượng nhất là trường đoạn sử dụng mặt nạ gỗ - vật tín ngưỡng trong nhiều lễ hội, lễ cúng của người Ê Đê. Chiếc mặt nạ đội phía sau đầu mang những nét tính cách khác nhau qua sự thể hiện độc đáo trên sân khấu của diễn viên, phản ánh tâm tưởng hướng thiện của đồng bào.

Xem Teh Dar, khán giả không chỉ hướng lên sân khấu, mà thỉnh thoảng các diễn viên lại xuất hiện một cách bất ngờ từ phía cánh gà, từ hàng ghế khán giả, từ trên cao hoặc dưới đất để tương tác với người xem bằng ánh sáng nghệ thuật, bằng tiếng cồng chiêng, tiếng sáo và tù và, tất cả đã tạo nên âm thanh nhộn nhịp, du dương khiến lòng người thổn thức, hòa điệu cùng trái tim người nghệ sĩ.

Được biết, từ năm 2018, Teh Dar đã lưu diễn đến khoảng 30 thành phố ở Pháp và Luxembourg, gần đây nhất vào tháng 3.2022, Teh Dar lưu diễn ở Nhà hát Opera hoàng gia Muscat ở Vương quốc Oman. Từ nay đến tháng 9.2022, Teh Dar sẽ diễn mỗi tháng 3 suất ở Nhà hát Thành phố và từ tháng 10.2022 sẽ biểu diễn thường xuyên ở Trung tâm biểu diễn Lune Hội An (Hoi An Lune Center).

Trong bối cảnh các sân khấu khó khăn để sáng đèn và thậm chí phải “đốt đuốc tìm khán giả”, thì rất mừng khi loại hình nghệ thuật xiếc tre này dường như vẫn luôn đủ sức hấp dẫn, lấp đầy các hàng ghế nhà hát trong từng đêm diễn. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc