Từ Đoàn Tuồng Liên khu 5 ngày ấy

VHO- Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, với biết bao thăng trầm, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên Ðoàn Tuồng Liên khu 5 (sau này là Ðoàn tuồng Ðào Tấn), một trong những tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định đã miệt mài góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống Tuồng...

Từ Đoàn Tuồng Liên khu 5 ngày ấy - Anh 1

 

Vở “Đào tam xuân” của Đoàn Tuồng Đào Tấn

Sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng về vấn đề phục hồi vốn cổ dân tộc, tháng 4.1952, Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định thành lập Đoàn Tuồng Liên khu V làm đơn vị điển hình, nhằm phục hồi, phát triển ngành nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc.

Hai tháng sau, Đoàn đã ra mắt đêm diễn đầu tiên tại Hà Đông (một địa phương thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định) với vở tuồng Tam nữ đồ vương, được khán giả hoan nghênh, nhiệt liệt hưởng ứng. Từ kết quả này, các nghệ sĩ trong Đoàn càng phấn khởi lên đường phục vụ, mở rộng địa bàn hoạt động. Đồng thời tập hợp thêm lực lượng cho Đoàn với nhiều nghệ sĩ danh tiếng của các tỉnh khu V như: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Tống Phước Phổ, Phạm Chương, Trương Thị Minh Đức, Đinh Quả… và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác, quy tụ về Đoàn, chấp nhận gian khổ hy sinh, vượt qua những quan niệm của xã hội cũ về thân phận “xướng ca vô loài” để cùng chung tay xây dựng Đoàn, góp phần xây dựng cuộc sống mới, đồng thời cổ vũ nhân dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1954, thực thi nội dung Hiệp định Geneve, tất cả những chiến sĩ, nghệ sĩ của một thời hào hùng ấy đã xuống tàu tập kết ra Bắc, đứng chân tại Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội) và dần gây dựng nên một cơ ngơi mới, tạo nên tên tuổi của Đoàn Tuồng Liên khu V trong suốt hơn 21 năm đồng hành cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Đoàn Tuồng Liên khu V về lại nơi sinh thành, đứng chân tại Quy Nhơn - Bình Định. Hơn một nửa nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt của Đoàn trở về kết hợp với các nghệ sĩ từ chiến khu xuống và Đội tuồng Đồng Ấu do nghệ nhân Tư Cá đào tạo tại chỗ cùng lớp trung cấp Tuồng được đào tạo ở miền Bắc vào thực tập, lập nên Đoàn tuồng Nghĩa Bình. Năm 1978, Đoàn Tuồng Nghĩa Bình được nâng cấp thành Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình để mở rộng tầm hoạt động nghệ thuật, đáp ứng rộng rãi nhu cầu thưởng thức của vùng đất có rất đông khán giả mến mộ nghệ thuật Tuồng. Sau 3 lần diễn ra Hội nghị khoa học về nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, năm 1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định đổi tên Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình thành Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Một thời trong chiến tranh gian khổ nhưng đầy niềm tự hào và ký ức đẹp, NSND Nguyễn Thị Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn nhớ lại: Theo tiếng gọi của Tổ quốc, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Đoàn đã hăng hái vượt dãy Trường Sơn vào phục vụ chiến trường miền Nam. Có lúc Đoàn đang trên đường công tác thì bị địch bắt, tù đày, một số nghệ sĩ đã hy sinh nhưng các diễn viên, nhạc công vẫn kiên trung bất khuất, tìm cách diễn Tuồng phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong dưới mưa bom bão đạn với ý chí “Tiếng hát át tiếng bom” và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 2019, Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định hợp nhất theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định và Nhà hát Tuồng Đào Tấn trở thành một phần của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1.4.2020 đến nay.

Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định cho biết: Kế thừa truyền thống xây dựng và phát triển của Đoàn Tuồng trước đây, dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm, điều đáng tự hào là các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ đã luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, vững bước đi lên qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, tạo dựng nên nhiều hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên sân khấu truyền thống, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Phát huy “thương hiệu” của một đơn vị nghệ thuật có tầm trong ngành kịch hát truyền thống của dân tộc, các nghệ sĩ cùng nhau tiếp nối, dựng xây bộ môn nghệ thuật sân khấu Tuồng đồng hành cùng dân tộc và quê hương Bình Định trên những chặng đường lịch sử vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc