Thiếu hơi thở cuộc sống: “Món nợ”của những người làm sân khấu

VHO- Thiếu kịch bản chất lượng cao mang hơi thở cuộc sống đương đại; nghệ thuật tiếp cận với công nghệ tân tiến còn ở một tầm cao khó với; nhân lực trẻ tài năng ngày càng vắng bóng... là hàng loạt những “rào cản” khiến sân khấu Hà Nội thiếu tính hiện đại, thiếu sức hấp dẫn đã được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo Sân khấu Thủ đô với tính truyền thống và hiện đại do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 3.8 tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Thiếu hơi thở cuộc sống: “Món nợ”của những người làm sân khấu - Anh 1

 Nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung bàn về sự suy thoái của sân khấu trong cơ chế thị trường hiện nay

Mượn danh hiện đại để phá bỏ truyền thống?

Làm nên diện mạo sân khấu Thủ đô không chỉ có các nhà hát của Hà Nội mà còn của các đơn vị trực thuộc Trung ương và sân khấu xã hội hóa. Điều này tạo cho Thủ đô có nhiều lợi thế hơn so với TP.HCM và các địa phương khác khi tập hợp những đơn vị mạnh ở nhiều thể loại sân khấu. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay, sân khấu Hà Nội lại đang chông chênh trong quan niệm “giữ gìn phát triển sân khấu theo hướng truyền thống ra sao, hiện đại thì phải như thế nào?”

Vẫn biết rằng, bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều phải thể hiện được cả tính truyền thống và tính hiện đại. Tính truyền thống tạo nên bản sắc riêng cho sân khấu Việt Nam; tính hiện đại là tiếp thu những xu hướng mới để sân khấu phát triển và tạo sức hấp dẫn với khán giả. Chỉ có điều, nhiều vở mệnh danh là truyền thống nhưng lại “phá truyền thống”; nhiều vở mệnh danh hiện đại nhưng lạm dụng những tư tưởng lai căng, ngôn ngữ thô tục, đưa lên sân khấu những cảnh “nóng” lố bịch, hoặc mượn danh sáng tạo để viết sai lệch về những góc khuất của các sự kiện, nhân vật lịch sử...

Theo NSND Thanh Trầm, sân khấu Thủ đô đang thiếu đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ… Sân khấu hiện chưa có nhiều tác giả dám xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển. Chúng ta cũng rất thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức nên sân khấu không có được những tác phẩm đỉnh cao.

Nhiều ý kiến tham luận tập trung bàn về sự suy thoái của sân khấu trong cơ chế thị trường hiện nay. Nổi lên là xu thế chạy theo đồng tiền, định hướng lệch chuẩn, thiếu sự lành mạnh, chính thống như nở rộ kịch kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật... Một số vở diễn có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt, vì vậy thời gian qua, không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem, tuyển diễn viên trẻ sân khấu truyền thống không có người nộp hồ sơ, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề đã đi tìm công việc khác. Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, lực lượng sáng tạo nghệ thuật hoạt động tự do rất khó quản lý, không ít diễn viên chỉ mải chạy show, không trau dồi chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến các sân khấu dần “nghiệp dư hóa” trong quản lý cũng như biểu diễn...

Thiếu hơi thở cuộc sống: “Món nợ”của những người làm sân khấu - Anh 2

 Vở diễn “Làng song sinh” của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức, được NSND Trung Hiếu dàn dựng đã giúp Nhà hát kịch Hà Nội đoạt HCV tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021

“Món nợ” khó đòi

Tác giả Trịnh Quang Khanh cho rằng, hiện nay kịch mục của các nhà hát còn quá ít đề tài hiện đại, chủ yếu chỉ khai thác đề tài lịch sử, dã sử hoặc truyền thuyết dân gian. Sân khấu thiếu vắng những vở diễn mang hơi thở cuộc sống, đó là “món nợ” của những người hoạt động sân khấu đối với khán giả, và đó cũng là lý do mà sân khấu ngày càng thưa vắng khán giả.

TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định: “Các vở diễn còn hạn chế trong việc tìm tòi thể tài, hình thức sáng tạo nghệ thuật mới, hoặc thiếu những thử nghiệm mới trên cơ sở kế thừa, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; cơ sở vật chất còn hạn chế, lạc hậu… Chính điều này làm cho sân khấu Hà Nội thiếu sức hấp dẫn khán giả và chưa tạo cái riêng, cái độc đáo để làm nên thế mạnh của “phong cách sân khấu Thủ đô” trong văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Nhà hát Kịch Hà Nội được coi là đơn vị nghệ thuật đi đầu trong sáng tạo nghệ thuật mang tính hiện đại bởi lợi thế của thể loại kịch nói khi xây dựng các tác phẩm chính luận, đi thẳng vào những vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua chia sẻ của NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì đơn vị này cũng đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn: Thiếu kịch bản đề tài đương đại chất lượng cao, trang thiết bị công nghệ còn quá lạc hậu... NSND Trung Hiếu cho rằng, trước mắt Hà Nội cần có kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực dài hơi, Hội đồng nghệ thuật cần có định hướng đào tạo và đặt hàng cho những kịch bản mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả. Muốn nâng cấp sân khấu, phá bỏ “rào cản” ngăn nghệ thuật tiếp cận với khán giả, nhất là khán giả trẻ, trước tiên cần phải hiện đại hóa ngay từ trang thiết bị cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Những người làm sân khấu cần được tạo cơ hội đi học tập ở các quốc gia có nền nghệ thuật phát triển để có thể lĩnh hội những tinh hoa cũng như xu hướng làm sân khấu của thế giới. Phải được đào tạo bài bản thì thế hệ nghệ sĩ hôm nay mới có đủ bản lĩnh để xây dựng nền công nghiệp văn hóa nước nhà vươn tầm thế giới.

Một điều quan trọng mà các đại biểu đặt ra, đó là đưa công tác giảng dạy và giáo dục nghệ thuật vào học đường để nguồn lực cho sự phát triển nghệ thuật của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung trong tương lai. Hiện nay, Nhà hát Kịch Hà Nội đã và đang triển khai Đề án sân khấu kịch học đường với mong muốn đề án sẽ được lan tỏa rộng rãi và lợi ích chắc chắn dài hơn, sâu rộng hơn để có được một thế hệ nghệ sĩ cũng như khán giả yêu sân khấu.

Để phát triển, sân khấu Hà Nội cần có sự định hướng đúng, dựa trên sự nhận thức đúng về tính truyền thống và tính hiện đại. Hơn thế nữa, khi cơ hội sáng tạo nghệ thuật rộng mở, đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Thủ đô cũng cần phải tự nâng mình lên thông qua việc học hỏi từ truyền thống, tiếp thu các giá trị mới để tạo ra những tác phẩm xứng tầm, tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân dân, trở thành một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc