Sẽ siết chặt tiêu chí chấm chuyên môn
VHO- NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Tài năng biểu diễn múa 2020 khẳng định như vậy với Văn Hóa sau buổi khai mạc cuộc thi khu vực phía Bắc tại Hà Nội vào tối 12.10.
Thí sinh Nguyễn Việt Bách và Mai Phương Chi (Học viện Múa Việt Nam) dự thi Ballet trong đêm khai mạc Ảnh: TUỆ MINH
P.V: Khác với những cuộc thi trước, năm nay BTC đã chia bảng dự thi cho các thí sinh, vậy lý do của việc thay đổi này là gì thưa ông? Ngoài ra, cuộc thi còn có những đổi mới gì khác so với mọi năm?
- NSND Phạm Anh Phương: BTC đã quyết định tổ chức 1 vòng thi trực tiếp và chia thành 4 bảng. Việc chia bảng như vậy sẽ tạo sự công bằng trong việc cạnh tranh giữa các thí sinh, hơn nữa, sẽ tránh được tình trạng “trộn” chung thí sinh ở tất cả các phong cách múa. Và như vậy, giám khảo cũng dễ dàng hơn trong việc tìm ra tài năng ở từng phong cách.
Ngoài ra, để tạo thêm điều kiện, năm nay BTC đã mở rộng đối tượng dự thi. Thay vì chỉ có nghệ sĩ, diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, còn có thí sinh ở các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập tham gia. Học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hoá, nghệ thuật trên toàn quốc và các thí sinh tự do có độ tuổi từ 16 trở lên cũng là đối tượng được dự thi Tài năng biểu diễn múa 2020. Nhờ có sự mở rộng, đến nay, cuộc thi đã thu hút được hơn 100 thí sinh đăng ký tham gia. Ngoài việc là sân chơi cho những nghệ sĩ, cuộc thi còn giúp nhiều nhà quản lý, đào tạo có cái nhìn chính xác, toàn diện về thực trạng ngành múa hiện nay. Từ đó, có những giải pháp trong công tác đào tạo tài năng về nghệ thuật biểu diễn.
Với việc ghi hình phát trực tiếp và phát lại trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, Ban giám khảo cũng dễ dàng hơn trong việc chấm giải vì có thể họp và xem lại từng phần biểu diễn bất kỳ lúc nào để đưa ra nhận định một cách chính xác nhất. Bản thân thí sinh cũng được xem lại các phần trình diễn và có sự so sánh các thí sinh khác để cải thiện kỹ thuật cá nhân. Trong thời buổi khán giả vẫn còn tâm lý e ngại tập trung đông người, việc áp dụng công nghệ như vậy cũng tạo hiệu quả cao trong quảng bá nghệ thuật.
Với việc tập trung đông thí sinh đến tham dự, để đảm bảo việc sẽ chọn ra những “viên ngọc” thật sự sáng giá cho nghệ thuật Múa, Ban giám khảo đã đưa ra những tiêu chí gì trong việc tuyển chọn, chấm giải?
- Việc đông đảo thí sinh tham dự cuộc thi có thể nói là tín hiệu đáng mừng khi Múa Việt Nam rất được quan tâm. Thế nhưng, đây cũng là khó khăn cho Hội đồng giám khảo trong việc cân nhắc và tìm ra tài năng đích thực. Chúng tôi sẽ siết chặt các tiêu chí chấm chọn để đảm bảo những gương mặt được trao giải cao sẽ là những tài năng sáng giá cho nghệ thuật Múa nước nhà. Cụ thể, động tác múa chúng tôi yêu cầu phải thể hiện rõ tính biểu cảm, truyền tải thẩm mỹ đẹp. Cộng với đó, thí sinh phải phô diễn rõ nét kỹ thuật cá nhân và thông qua đó tạo được cảm xúc cho người xem.
Mặc dù là cuộc thi tìm kiếm tài năng, không chấm về tác phẩm múa nhưng chính tác phẩm sẽ là “bệ phóng” giúp thí sinh có được phần thể hiện kỹ thuật cá nhân tốt nhất. Tôi khuyên các thí sinh nên có sự khôn khéo trong lựa chọn tác phẩm trình diễn để “khoe” được hết kỹ thuật của mình. Nếu lựa chọn tác phẩm không phù hợp, tự thí sinh sẽ làm khó mình. Hơn nữa, qua những ngày thi trước, tôi nhận thấy một số thí sinh vẫn bị nhầm lẫn giữa các dòng và phong cách múa, có khi đăng ký đương đại nhưng khi trình diễn lại lai sang dân gian, dân tộc. Đây là điều thí sinh phải lưu ý vì chúng tôi cũng sẽ đánh giá cả tư duy về nghệ thuật.
Thời gian qua, nghệ thuật Múa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nhân lực, tìm kiếm nhân tài. Vậy, cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 sẽ góp phần giải quyết thực trạng này như thế nào?
- Thực tế đúng là Múa đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút lực lượng tham gia. Đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật là đầu tư dài hạn, mất nhiều công sức, chưa thể thấy ngay lợi ích về kinh tế nên không có quá nhiều người mặn mà với bộ môn này. Những năm qua, nhờ những nỗ lực tôn vinh, giới thiệu, Múa cũng đã thu hút được sự chú ý của xã hội và có đông người theo học hơn. Học nhiều hơn nhưng để nói xuất hiện tài năng thì cũng chưa nhiều. Chính vì vậy, việc xuất hiện những cuộc thi như Tài năng biểu diễn múa 2020 sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thêm cho nghệ sĩ, diễn viên múa, học sinh, sinh viên có thêm cơ hội phấn đấu, trau dồi, bộc lộ bản thân, yêu nghề và bám trụ lâu dài.
Hơn nữa, theo dõi cuộc thi, nhiều người sẽ thấy được nghệ sĩ Múa có sứ mệnh mang cái đẹp đến cho đời, cống hiến nhiều giá trị nhân văn cho xã hội. Với ý nghĩa đó, những người đang có ý định theo đuổi Múa sẽ có động lực dấn thân vào nghề. Múa cũng vì thế sẽ có một lực lượng mới, đầy tiềm năng kế cận.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
ĐÌNH TOÁN (thực hiện)