Sân khấu xã hội hóa lại “vò đầu bứt tai”

VHO- “Thiếu kịch bản đề cập đến những vấn đề thời sự, thiếu đội ngũ sáng tác trẻ chuyên nghiệp, công tác lý luận phê bình chưa theo kịp với sự phát triển của đời sống sân khấu, nhất là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến các đơn vị phải chật vật tìm điểm diễn…”.

Sân khấu xã hội hóa lại “vò đầu bứt tai” - Anh 1

 BCH Hội Sân khấu TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025

Đó là những ý kiến mà các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TP.HCM lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn chỉ ra về hàng loạt vấn đề tồn tại kéo dài dai dẳng, cho đến nay vẫn là những tiếng thở dài…

Đại hội cũng đã bầu ra BCH mới. Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu tái đắc cử Chủ tịch Hội Sân khấu TP.

Trở lại vấn đề đã được nêu ra rất nhiều lần

Báo cáo tại Đại hội, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết, sự xâm nhập mạnh mẽ của nhiều luồng văn hóa và loại hình nghệ thuật cùng sự phát triển ngày càng tiến bộ hơn của thông tin truyền thông đã vượt quá khả năng kiểm soát nội dung cũng như hình thức biểu diễn, chênh lệch giữa định hướng và thị trường ngày càng bị giãn cách rộng. Sự tham gia của các Hội chuyên ngành, trong đó có Hội Sân khấu, đều bị chi phối mạnh mẽ bởi việc định hướng và định hướng lại. “Tình hình sân khấu của TP chuyển biến nhanh và có nhiều dấu hiệu tốt ở các lĩnh vực truyền thống như hát bội, cải lương, kịch nói... Đang trên đà hứng khởi thì đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ, và tệ hại hơn, làm cho đời sống sân khấu đã khó càng thêm khó”, NSND Trần Ngọc Giàu lo lắng.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung thì tâm tư: “Đại hội đã quay lại vấn đề mà chúng tôi trăn trở bấy lâu nay, đó là cơ sở vật chất dành cho sân khấu ngày càng thu hẹp, nhà hát dần biến mất nhường chỗ cho những trung tâm thương mại hay những biến tướng sai công năng, trong khi người làm sân khấu thiếu hụt trầm trọng về thiết chế văn hóa. Mong mỏi của giới nghệ sĩ sân khấu là sớm nhận được hồi đáp và quan tâm thật sự của các cấp lãnh đạo”. Nhiều ý kiến tại Đại hội cũng đề nghị Nhà nước khôi phục lại các sân khấu cũ cho biểu diễn cải lương, kịch nói, hát bội... Cần thiết có sự phân phối mặt bằng của các trung tâm văn hóa hiện nay, bởi còn rất nhiều diện tích đất cho thuê, trong khi nơi biểu diễn thì không có. Nên chăng, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà hát và các đơn vị xã hội hóa sẽ luân phiên biểu diễn để có điều kiện trang trải kinh phí dàn dựng. “Không riêng gì các đơn vị xã hội hóa mà ngay cả các đơn vị công lập cũng rất vất vả khi cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ chuẩn cho biểu diễn. Tha thiết kính mong tiếng vọng của Đại hội lần này sẽ làm các cấp quản lý “động lòng” mà hồi đáp trong một ngày không xa”, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung chia sẻ.

Sân khấu xã hội hóa lại “vò đầu bứt tai” - Anh 2

Nhiều nghệ sĩ tâm tư, sân khấu đã khó nay càng thêm khó

“Tiền thuê rạp không bao giờ có thể bán vé mà trả nổi”

Theo nữ nghệ sĩ Cát Tường, trong bối cảnh hiện tại, nhiều nghệ sĩ đã phải đi tìm công việc khác để mưu sinh, nhưng niềm trăn trở với sân khấu chưa bao giờ nguôi. “Nhiều người làm kênh YouTube riêng thành công và kinh tế bắt đầu ổn định, lý do gì khiến họ cứ phải đau đáu mong được diễn và được sáng đèn? Đó là vì tình yêu với nghệ thuật. Sau khi Sân khấu 5B đóng cửa, Cát Tường đã theo phương thức xã hội hóa, thay vì ngồi chờ thì bỏ tiền túi ra để làm kịch. Nhưng Tường và nhóm kịch Buffalo đã trải qua nhiều giai đoạn gian nan tìm sân khấu để diễn, suốt ba năm trời đi thuê rạp với số tiền không bao giờ có thể bán vé để trả nổi”, nữ nghệ sĩ nghẹn ngào nhớ lại. Nhóm đã thuê Nhà hát Bến Thành, Rạp Công nhân hay gần đây nhất là Nhà hát Quân đội, một đêm phải trả từ 40-50 triệu đồng, trong khi giá vé chỉ là 200.000 đồng, dù cho bán được 3/4 rạp thì cũng chưa đủ để trả tiền rạp.

Cũng theo nữ nghệ sĩ, hợp đồng thuê sân khấu biểu diễn thường không thể dài hạn và định kỳ, bởi chi phí vượt tầm của những nhóm xã hội hóa. “Họ cũng đã ủng hộ và giúp đỡ nhóm rất nhiều, nhưng chỉ trong một chừng mực nhất định. Ví dụ, Nhà hát Quân đội giá thuê một đêm từ 100-150 triệu đồng, cho mình thuê giá 40-50 triệu đồng như vậy cũng đã là ưu ái rồi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đó thì nhóm vẫn không thể nào trụ nổi, mỗi lần ký hợp đồng chỉ chừng 6 đến 10 suất là hết sức”, Cát Tường cho biết.

Cùng chung nỗi niềm này, trước đó, NSƯT Kim Tử Long cũng bày tỏ về nỗi chật vật khi phải thuê rạp diễn. Ít cơ hội vào diễn tại sân khấu cải lương chính thống duy nhất của thành phố (Nhà hát Trần Hữu Trang - PV), “ông bầu” này phải chọn diễn tại các sân khấu khác với mức chi phí đầu tư quá lớn. “Các đơn vị xã hội hóa phải “xin” để được vào thuê với một mức giá hữu nghị. Tôi nghĩ điều đó là bất công với nghệ thuật sân khấu truyền thống khi chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để đưa những tác phẩm đến với công chúng”. Cách đây không lâu, NSƯT Kim Tử Long đã phải bỏ ra hơn 800 triệu đồng để dàn dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn và được đánh giá rất cao, thế nhưng chỉ sau hai đêm diễn tại Nhà hát Bến Thành đã phải dừng lại vì không chịu nổi chi phí. Một đêm phải trả 45 triệu đồng tiền rạp, mỗi suất tập phải bỏ thêm 10 triệu đồng, với mức chi này, giá vé phải lên đến 1 triệu đồng mới đủ trang trải, nhưng đó là mức giá không tưởng trong giai đoạn hiện nay. Tại Đại hội, NSƯT Kim Tử Long bày tỏ: “Mong rằng những đơn vị xã hội hóa như chúng tôi sẽ được UBND TP, Sở VHTT đồng hành để có đủ sức dàn dựng những vở diễn chất lượng phục vụ khán giả, ít nhất mỗi năm cũng phải đầu tư được 4 vở”.

Trước tâm tư của các văn nghệ sĩ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hoài bày tỏ: “Tất cả những băn khoăn, trăn trở không chỉ là của riêng lực lượng văn nghệ sĩ mà còn là trách nhiệm của Nhà nước và lãnh đạo TP. Tôi đề nghị lãnh đạo Sở VHTT đề xuất lãnh đạo TP tạo cơ chế đặc thù và điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của Hội Sân khấu, để có bước phát triển mới trong nhiệm kỳ tới. Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ đồng hành cùng Sở VHTT, các hội liên hiệp văn học nghệ thuật TP để tham mưu, xem xét và giải quyết các kiến nghị của Hội Sân khấu và của văn nghệ sĩ… 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc