Sân khấu kịch xã hội hóa TP.HCM: Nỗ lực “giữ lửa” mùa Covid
VHO- “Ngỡ chỉ là 1 năm, ai ngờ lại năm thứ 2!… bà Covid-19 vẫn lì lợm tồn tại hoài, muốn đuổi bả đi thì phải hành động tiếp thôi, ngồi im đâu có được… Mời quý khán giả cùng ở nhà phòng, chống dịch và mở TV lên xem cùng với Nhóm kịch Đời nhé!”, đó là lời mở đầu trong buổi diễn online Cùng Đời phòng, chống dịch Covid-19 ngay sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Nhóm kịch Đời quảng cáo chương trình biểu diễn online trong những ngày giãn cách xã hội
Hiện TP.HCM có 3 nhóm kịch xã hội hóa đã tạo được thương hiệu, đó là Đời diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang, Ngẫm nghĩ cùng kịch diễn tại Sân khấu Minh Nhí và Son diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ. Cũng như nhiều sân khấu, các nhóm kịch xã hội hóa luôn trong tình trạng loay hoay vượt khó vì thiếu khán giả trước sự xuất hiện ồ ạt của nhiều loại hình giải trí mới. Khó lại càng thêm khó, dịch Covid-19 kéo đến và hoành hành suốt 2 năm qua khiến các sàn diễn phải “cửa đóng then cài”, nhưng các nhóm kịch vẫn quyết tâm “giữ lửa”, thông qua ứng dụng công nghệ và nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh YouTube, tạo sân khấu biểu diễn trực tuyến. Dù không biểu diễn trên sân khấu truyền thống nhưng họ vẫn tỉ mỉ, cẩn trọng nhất trong khả năng cho phép bởi ai nấy đều cho rằng đó là cách thể hiện sự tôn trọng với người xem. Họ hoá trang theo đúng hình tượng nhân vật và chuẩn bị đạo cụ để tạo cảm giác chân thật cho khán giả. Đây chính là hướng đi thiết thực và hiệu quả trong thời điểm “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay.
Khi thành phố thực hiện giãn cách, nhóm Đời đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch biểu diễn online. Các chương trình của nhóm bên cạnh việc phản ánh nghĩa cử đùm bọc nhau của người dân trong đại dịch, khái quát tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn chia sẻ, động viên, khích lệ toàn dân và xen kẽ các bài hát động viên lực lượng tuyến đầu. Nhóm đã livestream kết nối với các nghệ sĩ như NSND Kim Xuân, diễn viên - MC Đại Nghĩa, diễn viên Hải Triều và những người tham gia nhóm tình nguyện viên hỗ trợ các điểm kiểm soát dịch tại TP.HCM. Với hình thức này, họ đã lồng ghép những bài hát, tâm sự trong mùa dịch và gửi đến khán giả thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nghệ sĩ Hồng Trang, trưởng nhóm Đời cho biết: “Năm ngoái, sau 7 ngày diễn online thì tôi buộc phải ngưng do hạn chế vở diễn, diễn viên. Vậy nên lần này tôi đã thử chuyển qua giao lưu nói chuyện với nghệ sĩ khách mời, vừa thân tình lại vừa có tiết mục cho mọi người xem. Nhờ tiếng nói của những nghệ sĩ gạo cội hay nghệ sĩ trẻ có tầm ảnh hưởng để vực dậy tinh thần, an ủi và truyền năng lượng tích cực cho khán giả. Hơn thế nữa, điều này còn giúp nhóm “kéo” công chúng đến gần hơn với các tiểu phẩm”.
Sau thành công của những buổi giao lưu trò chuyện, nhóm bắt đầu dựng vở Cho đi là còn mãi, thể hiện sự đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt trước khó khăn, cùng với đó còn chia sẻnhững bài cảm nhận, những bình luận tích cực của cộng đồng mạng vềtình hình toàn dân chống dịch, các bài hát động viên lực lượng tuyến đầu cũng được xen kẽ. Phần giao lưu kết nối đến Mỹvới NSƯT Phương Hồng Thủy và trực tiếp với nghệ sĩ Bình Tinh cũng đã tạo nên dấu ấn đẹp cho sân khấu trực tuyến của nhóm. Đặc biệt, nhóm còn trích số tiền bán vé để ủng hộ các quỹ từ thiện, các bếp ăn 0 đồng trong mùa dịch này.
Tương tự, đại diện nhóm Ngẫm nghĩ cùng kịch cũng cho biết, nhóm đang chuẩn bị thực hiện chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập, hiện các vở biểu diễn cũ đang lần lượt được tải lên kênh YouTube đểkhán giả có thể thưởng thức tại nhà. Trong thời gian sắp tới, nhóm dự định sẽ ra mắt 2 vở mới là Tu<>và Ngôi làng kỳ quái. Còn nhóm kịch Son hiện đang nhận được sự hỗ trợ của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM để nuôi những ý tưởng mới chuẩn bị cho sàn diễn khi được hoạt động trở lại. Nhóm tiết lộ sẽ hướng đến những kịch bản về chủ đề Covid-19, nhằm tìm sự đồng cảm với công chúng trẻ trong điều kiện toàn dân phải ứng phó với đại dịch toàn cầu. Song song với đó, các nhóm đều lên kế hoạch tổ chức biểu diễn, dựng kịch bản mới để “lên sàn” ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Họ tổ chức tập vở, “hiến kế” đề tài thiết thực và viết kịch bản thông qua hình thức trực tuyến. Dẫu vất vả là thế, nhưng các nghệ sĩ trẻ vẫn cố gắng hết mình để phục vụ khán giả xuyên suốt những ngày thành phố “bị ốm”.
Sân khấu vốn đã khó trăm bề, “mùa Covid” lại càng khiến nghệ sĩ chật vật hơn trong việc mưu sinh. Đi qua mùa dịch, có lẽ nhiều loại hình nghệ thuật vẫn sẽ đối mặt với khó khăn và sân khấu kịch cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng, những hoài bão, khát khao cùng tình yêu nghệ thuật trong mỗi nghệ sĩ vẫn luôn sục sôi, họ mong mỏi và hy vọng sớm quay trở lại để cùng nhau vực dậy sàn diễn.
HỒNG HẠNH