Sân khấu kịch nói: Cần ngẫm... để tiến xa hơn
VHO- Những ngày qua, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã trở thành một sự kiện nổi bật, đáng chú ý trong đời sống văn hoá nghệ thuật. Giải thưởng của Liên hoan đã được trao cho các tác phẩm xuất sắc và các nghệ sĩ tài năng nhất, tuy nhiên khi trở về, chắc hẳn trong thâm tâm của những người tâm huyết với sân khấu kịch nói đều có chung một nỗi niềm trăn trở: Vì sao đội ngũ tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ của thể loại kịch nói hùng hậu như vậy mà sân khấu vẫn thiếu vắng những tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại ngày hôm nay? Không lẽ hiện thực đời sống ngày hôm nay không đủ chất liệu cho các nhà làm sân khấu kịch nói khai thác ?
Vở Điều còn lại của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao Huy chương Vàng về vở diễn, giải tác giả xuất sắc cho nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương
Nâng niu những sáng tạo
Liên hoan diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ dịch bùng phát, nhưng tất cả đều đã không ngăn cản được sự đam mê, khao khát được sáng tạo của lực lượng những người làm nghệ thuật sân khấu kịch. Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khép lại trong niềm hân hoan xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của các nghệ sĩ và người làm nghề. Gạt đi những nỗi lo toan trăn trở bởi vấn đề mưu sinh hàng ngày và đến với liên hoan bằng cả sự đam mê, lòng yêu nghề. Dù có những thành công khác nhau nhưng các tác phẩm đều thể hiện rất rõ sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật của từng đơn vị và cá nhân nghệ sĩ.
Có thể thấy sự nâng niu những sáng tạo mới mẻ về nội dung và hình thức của Hội đồng nghệ thuật Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 qua đánh giá về từng vở diễn, từng thành phần sáng tạo nổi bật tại Liên hoan của Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc. Đặc biệt là nhận định của các thành viên Hội đồng nghệ thuật khi đánh giá cao Giải thưởng xuất sắc nhất về biên kịch thuộc về tác giả Nguyễn Đăng Chương với kịch bản Điều còn lại, khai thác một câu chuyện thời hậu chiến, không có những xung đột kịch, không có tuyến nhân vật xấu chỉ có những nhân vật là người tốt… vở kịch đã khiến nhiều khán giả nước mắt cứ tuôn trào theo những tình huống và cảm xúc của các nhân vật trong kịch. Không chỉ 6 vở diễn được trao Huy chương Vàng, đa phần các tác phẩm trình diễn tại Liên hoan lần này đều cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và thảo đáng của các đơn vị nghệ thuật từ: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo khác… Đó là lý do mà người xem được thưởng thức một cách đồng bộ cái đẹp cái hay, cái hấp dẫn của từng vở diễn. Đã có những tác phẩm đã thực sự chạm tới trái tim của đồng nghiệp và khán giả.
Tuy không có những đánh giá trong bản đánh giá tổng kết của Hội đồng nghệ thuật nhưng chắc hẳn trong thâm tâm của các vị giám khảo và của nhiều nghệ sĩ thì dường như giới sân khấu kịch vẫn đang “nợ” người xem những cuộc “đối thoại” trực diện với đời sống hiện tại. Kể cả 6 vở diễn được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan đều chưa có vở nào khai thác một vấn đề mang tính thời sự của cuộc sống hiện tại, kịch bản đều khai thác về đề tài lịch sử, cận đại hoặc hậu chiến. Đành rằng ai cũng hiểu khi xem chuyện xưa người xem có thể ngẫm chuyện hôm nay. Nhưng rõ ràng hàng loạt những câu chuyện của vua quan hay những bối cảnh kịch ở những giai đoạn quá khứ cũng sẽ làm khán giả đặt ra câu hỏi: Vì sao hiện thực đời sống với ngồn ngột tư liệu đầy ắp cho các tác giả sân khấu khai thác vậy vì sao lại thiếu vắng tại liên hoan của một thể loại vốn dĩ được coi là tiên phong của sân khấu là kịch nói?
PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, thành viên của Hội đồng nghệ thuật Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 chia sẻ: “Các tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật trao giải tại Liên hoan là chúng tôi lựa chọn ở tính tổng thể hoàn chỉnh của một tác phẩm sân khấu chứ không căn cứ vào đề tài. Tôi nhận lời vào Hội đồng là bởi mong muốn tìm ra những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu, mong muốn sân khấu phải là nơi tạo ra các cuộc đối thoại đối với đời sống xã hội dẫu ở dạng đề tài nào. Vì sao các vở diễn đề tài lịch sử, hậu chiến, cách mạng được trao giải cao lần này bởi lẽ các tác giả gia công nhiều hơn cho những mảng đề tài này. Cũng có những vở diễn tại Liên hoan lần này khai thác những vấn đề của đời sống hiện đại nhưng viết và dựng chưa hay, chưa thuyết phục. Điều này cũng cho thấy, khai thác đề tài hiện đại là bài toán khó viết, khó dựng và khó hay đối với những người làm nghệ thuật. Đây là vấn nạn chung của sân khấu nói chung, không riêng gì kịch nói. Đây cũng là một nguyên do sân khấu đang mất dần khán giả”.
Vở Ngược chiều gió của Nhà hát Tuổi Trẻ được trao Huy chương Bạc về vở diễn là vở diễn duy nhất đề cập tới đối tượng trung tâm là trẻ vị thành niên tại Liên hoan
Mong chờ những cuộc “đối thoại” trực diện với đương thời
Sự lúng túng trong công tác biên kịch khi phát hiện và dẫn giải những vấn đề của đời sống hiện tại bộc lộ rất rõ ở những vở kịch đề tài hiện đại tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Nếu chỉ cần so sánh với những kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ thôi cũng đã thấy rằng sân khấu kịch nói đang đi thụt lùi khi thiếu đi những vở diễn mang tính dự báo về thế sự. Những vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ, hiện thực trong kịch của Lưu Quang Vũ luôn nóng bỏng tính thời đại, chạm đến những vấn đề mà khán giả quan tâm. Rõ ràng với khán giả, đặc biệt là lớp trẻ nếu được xem và thấy mình ngày hôm nay trong các nhân vật trên sân khấu kịch thì sức hút sẽ mạnh hơn là những câu chuyện quá khứ. PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Kịch - thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã mất trắng khán giả. Xét kịch là thể loại chủ chốt và cách sáng tạo vở diễn với nguyên lý tả thực thì việc mất trắng khán giả là do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất của nó - sự đối thoại với đương thời. Đời sống hiện thực bộn bề những vấn đề xã hội, đơn cử như người dân Việt Nam cũng như toàn cầu đang phải chống trọi với dịch Covid-19. Vậy mà Liên hoan này không có vở nào đề cập đến đề tài này cả. Vì sao người dân lại quan tâm đến các phiên họp chất vấn và trả lời của Quốc hội bởi những vấn đề đặt ra sát với quyền lợi và mong muốn của họ. Đã tới lúc sân khấu cũng phải đặt mình vào nhu cầu, lợi ích của người dân để nói những vấn đề chính sự mà người dân cảm thấy cần, có như vậy mới thực sự làm tròn trách nhiệm của nghệ thuật. Theo tôi, chúng ta hãy kiên nhẫn và chờ đợi. Những người sáng tạo cần phải có khoảng cách để suy ngẫm và đối thoại với đời sống bằng tác phẩm nghệ thuật”.
Vở Đường chân trời của Đoàn Kịch nói Hải Phòng được trao Huy chương Bạc
Có cảm giác lực lượng tác giả sân khấu hôm nay viết kịch bản vì nhu cầu cá nhân của họ chứ không phải để phục vụ công chúng? Có cảm giác như chính những người làm nghệ thuật đang tự tạo cho mình ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là “nhạy cảm”? Phải chăng có những đơn vị nghệ thuật không thể xác định cho mình đối tượng phục vụ là ai ? Đó là lý do cần biểu dương những đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn khai thác đề tài hiện đại tại Liên hoan lần này như các vở: Đường chân trời (Đoàn kịch nói Hải Phòng), Hố đen (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Vầng sáng (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), Trái tim thành phố (Nhà hát Công an nhân dân)… Và đặc biệt là Nhà hát Tuổi Trẻ đã xác định đúng đối tượng phục vụ của mình là lớp khán giả trẻ nên cả hai vở kịch tham dự Liên hoan đểu thể hiện sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại. Đặc biệt vở Ngược chiều gió đề cập tới những vấn đề của lớp trẻ vị thành niên một cách thuyết phục và rất gần gũi với giới trẻ. Chọn một kịch bản khai thác về đề tài người trẻ, chọn một lối dàn dựng sân khấu hiện đại tiết tấu kịch nhanh. Rõ ràng cách đi, cách làm của Ban giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đang hướng tới đó chính là mong muốn nâng tầm cho thương hiệu của mình thật sự có bản sắc riêng, khẳng định vị trí của mình đó là phục vụ đối tượng ưu tiên chính là lớp trẻ ngày hôm nay. Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng Ngược chiều gió xứng đáng là top vở xuất sắc của Liên hoan vì vở diễn nóng hổi hơi thở đời sống hiện đại, tiệm cận với đời sống, chắc chắn cách dàn dựng sẽ hợp với thị hiếu của khán giả và sẽ là một trong những vở hiếm hoi có thể bán vé thu tiền…
Có thể nói, những người làm sân khấu kịch nói đang “nợ” khán giả khi chưa đưa ra nhiều tác phẩm nghệ thuật khai thác về những vấn đề thời sự nóng bỏng của đời sống hiện đại, chưa có những cuộc “đối thoại” trực diện với đương thời. Chắc chắn với lực lượng hùng hậu về tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ tài năng, những người làm sân khấu kịch sẽ tìm ra những hướng đi mới, lấy lại tính chiến đấu và xung kích của thể loại kịch nói hiện đại.
THÚY HIỀN, Ảnh LÊ THỦY