Sân khấu kịch Lệ Ngọc “chơi lớn” với các tác phẩm văn học đỉnh cao

VHO-Sân khấu kịch Lệ Ngọc vừa tổ chức Lễ khởi công các vở diễn mới: Vụ án người đốt đền (nhà soạn kịch người Nga Grigori Gorin) và Vang bóng một thời (nhà văn Nguyễn Tuân). Đây là 2 trong số 5 vở diễn được Sân khấu kịch Lệ Ngọc dàn dựng trong năm nay, tiếp nối các vở Dế Mèn, Làm Vua và Nước mắt của mẹ. Điều này tiếp tục khẳng định nỗ lực và quyết tâm lao động nghệ thuật của một đơn vị kịch xã hội hóa được đánh giá là năng động bậc nhất miền bắc, đặc biệt trong giai đoạn sân khấu nước nhà đang gặp nhiều thách thức bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

Sân khấu kịch Lệ Ngọc “chơi lớn” với các tác phẩm văn học đỉnh cao - Anh 1

Ê kíp sáng tạo của hai vở diễn tại Lễ khởi công

Cả 2 vở diễn đều quy tụ đội ngũ sáng tạo gồm những gương mặt sáng giá. Vụ án người đốt đền được dàn dựng dựa trên kịch bản văn học của tác giả Grigori Gorin, dịch giả Minh Ngọc. Tham gia vở diễn, đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhận 3 vai trò: Đạo diễn, Kịch bản sân khấu và Thiết kế sân khấu. Đồng hành cùng anh là nghệ sĩ Điệp Nguyễn ở vị trí diễn họa 3D; Trang trí: Khánh Art; Âm nhạc: Nhạc sĩ Darin Verhagen.

Đặc biệt, theo tiết lộ của ê-kíp sáng tạo, vở diễn sẽ có sự góp mặt ở vai trò diễn viên của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu Việt Nam, như: NSƯT Lê Chức, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam…

Vở thứ 2 được khởi công mang tên Vang bóng một thời được NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Hiếu, cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân; Biên tập nhạc: Nghệ sĩ Thế Toàn; Thiết kế: NSND Lê Sơn.

Nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ, 2 vở diễn vô tình tựa như sự phản biện qua lại lẫn nhau. Nếu ở Vụ án người đốt đền, cái đẹp bị đốt đi để đạt được sự nổi tiếng thì ở Vang bóng một thời, cái đẹp được tôn vinh như những gì thánh thiện nhất trong những thứ giản đơn tưởng chừng xưa cũ. Dù đường đi khác nhau, nhưng 2 vở diễn đều gặp gỡ ở hành trình kiếm tìm những điều thiêng liêng nhất trong tâm hồn mỗi người.

Vở kịch Vụ án người đốt đền được coi là một kiệt tác của sân khấu thế giới và đã được dàn dựng với một số phiên bản khá thành công ở Việt Nam. Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân cũng được đánh giá là một tuyệt tác văn chương của văn học nước nhà. Lựa chọn những tác phẩm văn học đỉnh cao của thế giới và Việt Nam để dàn dựng là thách thức lớn với ê-kíp sáng tạo.

Sân khấu kịch Lệ Ngọc “chơi lớn” với các tác phẩm văn học đỉnh cao - Anh 2

Vở Làm vua của Sân khấu kịch Lệ Ngọc đã được trao Huy chương Vàng về vở diễn xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021

Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cho biết,  tầm vóc quá lớn của tác giả, tác phẩm khiến những người thực hiện vở diễn không khỏi áp lực, nhưng anh hy vọng áp lực sẽ trở thành động lực kích thích khả năng sáng tạo của ê-kíp, từ đó đáp ứng kỳ vọng của khán giả. NSƯT Bùi Như Lai cho biết: ''Khi đọc kịch bản từ nhà văn Nguyễn Hiếu, tôi thấy rất hợp lý khi ông đã chọn 3 truyện ngắn Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất, Chữ người tử tù để kết nối thành vở kịch có thông điệp rõ ràng. Đặc biệt, Chữ người tử tù là câu chuyện kể về cuộc hạnh ngộ đẹp đẽ giữa hai con người khác biệt nhau hoàn toàn, một người là tù nhân, một người là cai ngục. Trong chốn lao tù ẩm ướt và dơ bẩn, tình yêu thương giữa người với người lại chớm nở một cách tuyệt vời đến bất ngờ. Giữa chốn lao tù ấy, cái đẹp của Nguyễn Tuân lại hiện lên một cách trong sáng và thanh sạch - vẻ đẹp của thiện lương trong sáng, những điều ấy sẽ không bao giờ phải khuất sau danh phận hay chức vụ. Thông điệp đó cho tới bây giờ vẫn còn giá trị và chúng tôi kết nối lại. Ai rồi cũng phải chết, nhưng chết như thế nào, để lại điều gì, đó mới là điểm nhấn mang đến cho người xem”.

Đạo diễn Lê Quý Dương - người phóng tác kịch bản kiêm đạo diễn vở Vụ án người đốt đền khẳng định, quyết định dàn dựng 2 vở diễn này đã chứng tỏ nỗ lực đa dạng hóa kịch mục biểu diễn của Sân khấu kịch Lệ Ngọc. Đây cũng là hướng đi chuẩn xác nếu muốn thu hút đa dạng nhiều đối tượng khán giả. Đạo diễn chia sẻ: "Vụ án người đốt đền là một tác phẩm đỉnh cao của sân khấu Nga - Xô-viết, tôi dựa trên nguyên tác tác phẩm của Grigori Gorin để phóng tác lại thành kịch bản dàn dựng theo ý đồ đạo diễn của mình. Nguyên tác kịch bản của Grigori Gorin dài 150 trang, lời thoại dài dòng và ít hấp dẫn với thời đại hôm nay, nếu giữ nguyên sẽ thành một vở diễn dài hơn 3 tiếng. Cái khó của tôi là phải phóng tác làm sao để giữ nguyên vẹn câu chuyện của kịch bản gốc nhưng phải phóng tác làm sao để kịch bản ra mắt năm 1972 trong bối cảnh sân khấu Nga Xô Viết sẽ trở thành một vở diễn mang tinh thần của thời đại hôm nay''. Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng làm việc với các nghệ sĩ gạo cội khó khăn là sẽ không thể tránh khỏi những cọ xát và phản biện giữa truyền thống và cách tân, giữa những sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật. Nhưng thuận lợi là các nghệ sĩ gạo cội rất giỏi nghề và giàu kinh nghiệm.

2 vở diễn dự kiến sẽ được hoàn thành để kịp ra mắt công chúng trước dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

ĐÀO ANH, Ảnh: TRANG ANH

Ý kiến bạn đọc