Quả ngọt từ những nỗ lực “vàng”
VHO- Trước những khó khăn dồn dập ập đến, nhiều sân khấu kịch xã hội hóa tên tuổi tại TP.HCM đã nỗ lực thay đổi cách thức hoạt động nhằm duy trì “sức sống” cho sàn diễn. Dù đã qua thời hoàng kim, nhưng các nghệ sĩ vẫn đau đáu mong được làm nghề, sống với đam mê và đặt nhiều hy vọng vào sự phát triển của sân khấu trong tương lai.
Khán giả sẽ dễ dàng tìm thấy những câu chuyện của chính gia đình mình trong “Thương thì thương thế thôi” của Sân khấu kịch Hồng Vân
Tự cứu lấy mình
Cách đây không lâu, thông tin Sân khấu kịch Hồng Vân (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có nguy cơ đóng cửa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. NSND Hồng Vân từng chia sẻ: “Theo tình hình thực tế, sân khấu kịch chúng tôi có chuyển biến mới, không diễn định kỳ vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần nữa mà diễn theo thời điểm và có thể sẽ tập hợp nhiều diễn viên, ngôi sao để làm một vở lớn”. Thế nhưng mới đây, nữ nghệ sĩ đã chính thức ra mắt vở Thương thì thương thế thôi nói về tình yêu, sự hy sinh cao cả của người cha dành cho đứa con của mình. Kịch tâm lý gia đình từ lâu gắn liền với Sân khấu Hồng Vân, nay pha trộn với sự hài hước đã lấy được nước mắt lẫn tiếng cười sảng khoái của người xem. Vẫn mang nét riêng nhưng Thương thì thương thế thôi lần này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về câu chuyện tình thân trong gia đình. Trước sự đón nhận nhiệt tình của công chúng, “bà bầu” dự tính sẽ tiếp tục trình diễn vào các ngày 2, 3 và 4.9 tại sân khấu 70-72 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TP.HCM.
Không “cố đấm ăn xôi”, Sân khấu Hoàng Thái Thanh lựa chọn chuyển hướng hoạt động, thay vì diễn nhiều vở xuyên suốt quanh năm thì giờ đây chỉ diễn vở mới theo mùa. Cụ thể, đơn vị này sẽ chỉ tập trung sáng đèn vào hai mùa diễn, đó là Tết và giữa năm. Những tháng không diễn sẽ là thời điểm để tập trung tìm kiếm kịch bản, tập vở mới và đẩy mạnh công tác đào tạo. Theo đó, kế hoạch bắt đầu thực hiện từ tháng 5 - 7.2022, với lịch diễn gói gọn trong 10 vở tiêu biểu đã từng làm nên tên tuổi của Hoàng Thái Thanh như: Hãy khóc đi em, 29 anh về, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn, Con ma nhà họ Hứa, Bàn tay của trời, Sông dài, Bạch Hải Đường, Tình yêu trời đánh, Nửa đời ngơ ngác... Và hơn cả mong đợi, những suất diễn cuối của mùa kịch đầu tiên đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của giới mộ điệu kịch thành phố. “Bà bầu” Ái Như thông tin thêm, hầu hết các suất diễn trong tháng 7 vừa qua đều kín rạp và nhận lại nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. Hiện Sân khấu đang nỗ lực tìm kiếm những kịch bản mới để nhanh chóng lên vở và tập hợp diễn viên cho mùa kịch Tết tới đây.
Kịch thiếu nhi tỏa sáng
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, nếu một số đơn vị vẫn còn chông chênh trong việc tìm kiếm khán giả thì sân khấu Idecaf trở thành “hiện tượng” khi các suất diễn đều trong tình trạng “cháy vé”, thậm chí chỉ sau vài phút mở bán online. Ấn tượng nhất là chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá, ban đầu chỉ dự tính diễn 25 suất hè, nhưng cứ mở bán là khán giả lại đến chật kín rạp. Trước tình hình đó, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn đã quyết định tăng thêm 4 suất nữa và cũng rất nhanh chóng hết sạch vé. Nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu của khán giả thiếu nhi, sân khấu tăng cường thêm các suất diễn từ ngày 9 - 11.9 với 5.000 vé mở bán online và rất mừng là vé đều đã được đặt hết.
Ngược lại, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, Nhà hát Kịch 5B có lúc rơi vào khủng hoảng nhưng tình hình hiện tại đã khả quan hơn. Theo “bà bầu” Mỹ Uyên, từ 30.4 đến nay, bình quân mỗi suất diễn lượng vé bán ra được khoảng 80%, trong đó, chương trình kịch thiếu nhi vào mỗi sáng cuối tuần thắng lớn là điều bất ngờ đối với cả chính các nghệ sĩ của Nhà hát. Với hai vở Vương quốc những người xấu xí và Bộ lạc nanh trắng (kịch bản Vương Huyền Cơ, đạo diễn Huy Hoàng) truyền đạt thông điệp nhẹ nhàng về việc bảo vệ môi trường sống, các đức tính tốt đẹp cần có cho thiếu nhi nói riêng và mọi người nói chung, chương trình đã thu hút được sự chú ý của các bậc phụ huynh khi mong muốn tìm sân chơi lành mạnh cho con em mình trong dịp hè. Với sự hưởng ứng ngày càng nồng nhiệt ấy, trong tháng 8 này, ngoài các suất diễn vào mỗi sáng chủ chật, Nhà hát Kịch 5B sẽ tăng thêm bốn suất vào lúc 16h để các em có thêm sự lựa chọn. Bên cạnh đó, Sân khấu thử nghiệm cũng được “bà bầu” Mỹ Uyên chú trọng mở rộng sự đa phong cách trong dàn dựng và biểu diễn, thông qua việc thu hút những người làm nghề trẻ về đầu quân, mở ra một hướng đi mới đầy mạo hiểm.
Có thể thấy, kịch thiếu nhi là “điểm sáng” trong dịp hè của các sân khấu kịch nói tại TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn còn rụt rè bởi theo các “ông bà bầu”, dựng kịch cho thiếu nhi mang rủi ro cao bởi kinh phí đầu tư lớn hơn hẳn so với kịch người lớn. Cùng với đó, sự xuất hiện của hàng loạt gameshow truyền hình dành cho khán giả nhí cũng khiến thị phần này giảm mạnh sau đợt nghỉ hè. Vì thế, về lâu về dài, các sân khấu kịch xã hội hóa tại TP.HCM cần phải có hướng đi dài hơi hơn. Giới chuyên môn nhận định, trước sự thay đổi quá lớn về nhu cầu xem kịch của công chúng, trước mắt các sân khấu xã hội hóa phải tự vận dụng mọi cách, tự tìm hướng tháo gỡ để tự cứu mình. Và các kế hoạch có thành công hay không còn phải chờ thời gian trả lời, dẫu biết khó khăn luôn chồng chất.
HỒNG HẠNH