Phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo giữa Tây Nguyên hùng vĩ

VHO- Từ ngày 17.6 đến 30.6, hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước tham gia biểu diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk. Chương trình do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức.

Phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo giữa Tây Nguyên hùng vĩ - Anh 1

NSƯT TRẦN LY LY, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

 Nuôi dưỡng đam mê…

Phát biểu tại Lễ khai mạc diễn ra vào đêm 17.6, NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, tuy dịch Covid-19 tác động rất lớn đến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhưng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong xây dựng các chương trình, vở diễn nghệ thuật với nhiều loại hình, thể loại, đồng thời đã có kế hoạch triển khai tốt cho hoạt động biểu diễn trở lại khi dịch bệnh tạm thời được khống chế. Vượt lên trở ngại, thách thức, bằng khát khao cống hiến của nghệ sĩ, đời sống nghệ thuật biểu diễn năm 2022 đã có nhiều điểm sáng, cho thấy nỗ lực thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới để tạo ra những liều “vắc xin tinh thần” ý nghĩa.

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 2) được tổ chức phù hợp với chủ trương thích ứng an toàn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Liên hoan thực sự là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp; đồng thời là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp.

“Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đánh giá cao sự chuyển mình tích cực của các đơn vị nghệ thuật trong những năm qua để bắt kịp với sự thay đổi lớn lao đang diễn ra trên mọi phương diện của đất nước. Thêm một lần nữa, giữa Tây Nguyên hùng vĩ, các nghệ sĩ thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Liên hoan là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp; đồng thời là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp... Đây cũng là dịp để Đắk Lắk quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu với các tỉnh bạn, cũng là dịp để người dân Đắk Lắk được thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật qua các chương trình, tiết mục ca múa nhạc tiêu biểu của các nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao”, NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng BTC Liên hoan nhấn mạnh.

Phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo giữa Tây Nguyên hùng vĩ - Anh 2

Thay mặt đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Liên hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết: Đắk Lắk là vùng đất huyền thoại gắn liền với những sử thi hùng tráng cùng nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của 49 dân tộc anh em, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhiều tác phẩm ra đời trên cao nguyên Đắk Lắk đã làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ; những lời ca, tiếng hát, điệu múa mạnh mẽ, lôi cuốn, vang vọng giữa đại ngàn Tây Nguyên hòa quyện với dòng suối chảy, tiếng bước chân voi đã góp phần dệt nên bản sắc một cao nguyên huyền thoại, trữ tình và khát khao tình yêu cuộc sống.

“Các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc đã trở thành sức mạnh tinh thần, là biểu tượng để ứng xử với thiên nhiên, xã hội, đồng thời khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đắk Lắk vui mừng chào đón nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ của 22 Đoàn nghệ thuật về hội tụ. Có thể khẳng định, Liên hoan là sự kiện văn hóa quan trọng, hứa hẹn mang đến cho du khách và người dân Đắk Lắk những giây phút mãn nhãn và thăng hoa cùng nghệ thuật chuyên nghiệp; là dịp để tỉnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con

 người Đắk Lắk “văn minh, thân thiện, mến khách”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định.

Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk là đơn vị đầu tiên tham gia Liên hoan đã mang đến 11 tiết mục đặc sắc với chủ đề “Những bức tranh bazan đỏ”. Sự chuẩn bị công phu, đa dạng về thể loại của các tiết mục, sự biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, diễn viên cùng tiếng cồng, tiếng chiêng,… đã mang lại những phút giây âm nhạc thăng hoa, đầy cảm xúc, nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Ca sỹ Y Hoắt Byă, Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Anh em đã cố gắng hết sức và thể hiện hết mình trong suốt buổi diễn hôm nay. Vừa đứng trên sân khấu biểu diễn, vừa thấy khán giả vỗ tay, chúng tôi rất hào hứng”.

Phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo giữa Tây Nguyên hùng vĩ - Anh 3

 Trong vòng 13 ngày, hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ của 22 đơn vị trên cả nước sẽ tranh tài để lựa chọn đơn vị xuất sắc xếp hạng và trao huy chương

… và hứa hẹn tỏa sáng trên sân khấu

Trao đổi với Văn Hóa, NSƯT Phạm Văn Hân (Ngọc Hân), Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum thông tin: “Đến với Liên hoan lần này, Trung tâm Văn hóa - nghệ thuật tỉnh Kon Tum mang đến một chương trình ca múa nhạc với chủ đề “Kon Tum - Lời gọi nguồn xa”, gồm 12 tiết mục được xây dựng gồm 2 chương: Thanh âm kể chuyện Khúc giao hòa. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của trung tâm, hy vọng những tác phẩm tham dự liên hoan của đơn vị sẽ mang đến những phút giây âm nhạc thăng hoa, đầy cảm xúc”, NSƯT Ngọc Hân bày tỏ.

Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh), Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cho hay, tham gia Liên hoan lần này, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tham gia 13 tiết mục với chủ đề “Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng”. Đây là 13 tiết mục sáng tác mới hoàn toàn, do đội ngũ nhạc sĩ, biên đạo (chủ yếu là của quân đội và lực lượng trẻ, mới của nhà hát sáng tác), chương trình hứa hẹn đưa người xem cảm nhận những phong cách mới mẻ, trẻ trung và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng ngày hôm nay. Các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu từ hòa âm, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, trang phục… Ngoài những tiết mục phản ảnh tâm thế luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng phục vụ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc như: Hợp xướng dàn nhạc Tự hào người lính thời đại mới, múa Tần số, Thước ngắm… còn có các tiết mục mang đậm âm hưởng nghệ thuật truyền thống như: Hòa tấu dàn nhạc Tiếng vọng non sông, hát Thương nhớ hậu phương, múa Em và núi

“Chương trình của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội sẽ biểu diễn dự thi Liên hoan vào 19 giờ 30 phút, ngày 23.6. Để chuẩn bị chương trình cho liên hoan lần này, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã lên kế hoạch dàn dựng cũng như tập luyện trong thời gian gấp gáp, chỉ vỏn vẹn trong 2 tháng do đại dịch Covid-19 kéo dài. Sát đến ngày lên đường tham gia Liên hoan, hơn 130 nghệ sĩ, diễn viên, thành phần sáng tạo của từng bộ phận như biên đạo, hòa âm, phối khí, đoàn ca, đoàn múa… thường xuyên tập luyện xuyên đêm, có hôm tới 2 - 3 giờ sáng. Ghi nhận ở đội ngũ tham gia chương trình lần này là sự nỗ lực, quyết tâm cao, tinh thần lạc quan, đam mê cống hiến với ý nghĩa mang màu sắc đặc trưng của nghệ thuật quân đội đến sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp lớn toàn quốc. Hy vọng chương trình mang đến khán giả, đồng nghiệp sắc màu nghệ thuật mới, trẻ trung, sáng tạo góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới và đạt thành tích cao trong liên hoan”, đại tá, NSƯT Hồng Hạnh chia sẻ. 

 Thêm một lần nữa, giữa Tây Nguyên hùng vĩ, các nghệ sĩ thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Liên hoan là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp; đồng thời là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp...

(NSƯT TRẦN LY LY, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc