NSND Trung Hiếu ở vai trò đạo diễn, NSƯT Quang Thắng vào vai ông già chột mắt...
VHO-Chia sẻ về việc đưa kịch Làng Song sinh kịp vào Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2021, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, anh và các nghệ sĩ đã phải tăng tốc 200% sức lực mới kịp thời điểm tổ chức Liên hoan. Làng Song sinh do NSND Trung Hiếu giữ vai trò đạo diễn, nghệ sĩ hài Quang Thắng lại vào một vai diễn rất đặc biệt, vai ông già chột mắt, một vai chính kịch có số phận vô cùng éo le.
Làng Song sinh do NSND Trung Hiếu dàn dựng đã mang lại nhiều ấn tượng trong công tác đạo diễn
Vở kịch Làng Song sinh do nhà văn Xuân Đức viết kịch bản, kể về ngôi làng Thủy - nơi có một lời nguyền rằng, ai sinh đẻ cũng phải sinh đôi. Vì muốn xóa bỏ lời nguyền đó, ba người đàn ông của làng đã kết nghĩa anh em rồi cùng lên chùa cầu tự. Khi có con, ba người tuyên bố với làng xóm rằng, lời nguyền sinh đôi đã được hóa giải. Gia đình ba người chỉ sinh con một. Từ đây, câu chuyện được dẫn dắt đi theo cuộc sống của Tấn, Tạ và Quả - ba người con của ba người đàn ông kết nghĩa. Họ lớn lên trong chiến tranh, cùng vào chiến trường và chiến đấu trên một mặt trận. Khi hòa bình, họ trở về làng và từ đó, những bí mật được che giấu bao năm hé mở... Nhiều câu thoại trong vở kịch chứa đựng những bài học, suy nghĩ về cuộc sống rất có giá trị như: "Dù tốt hay xấu, dù thiện hay ác, dù đê tiện hèn hạ hay cao thượng thiện lương thì những thằng người cứ phải lộ diện ra giữa trời đất. Có như thế người đời mới dễ phân xử. Những điều xấu xa, tội lỗi cứ mãi ở trong bóng tối thì đến bao giờ - đến bao giờ chúng ta mới giải được lời nguyền của cái làng Thủy đọng này”, lời nhân vật Quả ở gần cuối vở diễn mang tính khái quát cho chủ đề xuyên suốt của Làng Song sinh. Đây là một vở kịch đi sâu vào vấn đề nhân tính, bản thể. Những nút thắt, mở xoay quanh cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, sự quang minh, trong sáng và sự hèn nhát, đen tối... Có lúc những sự đối lập ấy tồn tại trong cùng một người, có lúc chúng lại tách biệt ở hai con người giống nhau về diện mạo. Vở kịch chứa đựng những bài học, suy nghĩ về cuộc sống rất có giá trị về quá trình tự diễn biến, tự chuyển hoá của con người.
NSƯT Quang Thắng vào vai ông già chột mắt, một vai diễn khác hẳn chất diễn hài
Trong vở kịch, NSƯT Quang Thắng vào vai ông già gù lưng, chột mắt và là người duy nhất còn lại trong 3 người đàn ông kết nghĩa huynh đệ để phá bỏ lời nguyền của làng năm xưa. Nam nghệ sĩ gây ấn tượng với vẻ ngoài già nua và có tài chơi đàn nguyệt. Dù không giữ vai chính nhưng sự xuất hiện của Nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng có vai trò quan trọng trong việc kết nối các diễn viên. Anh tung hứng, nâng đỡ các diễn viên đàn em trong mỗi phút xuất hiện trên sân khấu. Trong Làng Song sinh, Quang Thắng cũng không còn màu sắc hài vốn có. Vở kịch còn có sự góp mặt của dàn diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội như: Nghệ sĩ ưu tú Tiến Minh, các diễn viên Thiện Tùng, Thùy Dương, Thùy Anh, Việt Dũng, Mạnh Hưng, Xuân Hồng, Quốc Đam... "Làng song sinh" còn có Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng, họa sĩ Đăng Khoa thiết kế sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Tiến Minh phụ trách âm nhạc, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam biên đạo múa.
Đạo diễn, NSND Trung Hiếu với vai trò nhà đạo diễn
Người đứng đầu Nhà hát Kịch Hà Nội luôn trăn trở với đời sống của anh em diễn viên ở Nhà hát, NSND Trung Hiếu tâm sự: "Khán giả nhìn vào lúc nào cũng thấy nghệ sĩ hào nhoáng, ăn mặc đẹp nghĩ chắc họ sướng lắm. Nhưng nghệ sĩ kịch nói rất vất vả, những ai trụ được với nghề đều là do đam mê của mình. Hết thời gian giãn cách xã hội, nghệ sĩ của Nhà hát lại bắt tay vào dựng vở mới với nhiều quyết tâm. Các nghệ sĩ sân khấu phải cố gắng 200% để thoả ước mơ biểu diễn của mình. Tập vở trong trong tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến mới nên chúng tôi vẫn đảm bảo quy tắc 5K, như thường xuyên đeo khẩu trang, đến lượt vai diễn của ai thì ra tập, không ngồi tụ lại một chỗ mà vẫn ngồi giãn cách. Hy vọng sắp tới, dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn để nghệ sĩ yên tâm đứng trên sân khấu, có khán giả ở dưới cổ vũ".
Vở kịch quy tụ nhiều nghệ sĩ sáng giá của kịch Hà Nội và là gương mặt được yêu thích trên phim truyền hình
Chia sẻ về tình hình Nhà hát Kịch Hà Nội trong thời gian dịch bệnh, NSND Trung Hiếu cho hay: "Tuy Nhà hát của là đơn vị sự nghiệp có thu và sự hỗ trợ của Nhà nước, anh em diễn viên ít nhiều có lương nhưng Ban lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội đã rất nỗ lực huy động các nguồn lực để hỗ trợ đời sống cho nghệ sĩ. Chúng tôi tổ chức các phong trào “lá lành đùm lá rách”, tổ chức cuộc thi Kịch Hà Nội - Tiếng hát át Covid-19 để gây quỹ ủng hộ các nghệ sĩ khó khăn. Tôi muốn thông qua cuộc thi để truyền cảm hứng tích cực cho anh em nghệ sĩ. Và thực tế là mọi người rất hào hứng. Các nghệ sĩ ở nhà tự thu âm, ghi hình để tham gia cuộc thi. Âm nhạc và không khí thi đua có tác dụng khích lệ tinh thần rất lớn, bên cạnh giá trị vật chất mà những phần quà mang lại. Mọi người rất đón nhận”. Ngoài ra, cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội cũng trích một phần quỹ đó gửi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội để ủng hỗ bà con khó khăn trong đại dịch Covid-19, các phần quà đó là một trong những việc có ý nghĩa lan tỏa rất lớn. Năm trước Nhà hát Kịch Hà Nội được biểu dương là một trong những đơn vị tiêu biểu của Hà Nội trong công cuộc chống dịch Covid.
LÊ TÌNH