NSND Đàm Liên cả đời cười - khóc với Tuồng
VHO- “Bà Chúa của sân khấu Tuồng’’, ‘’Nữ hoàng sân khấu Tuồng’’, ‘’Vua Tuồng’’... là những biệt danh mà khán giả ưu ái dành cho NSND Đàm Liên. Thông tin bà ra đi sau một thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo đã để lại sự tiếc thương vô hạn cho đông đảo nghệ sĩ và khán giả yêu quý nghệ thuật Tuồng trên cả nước.
NSND Đàm Liên trên sân khấu
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có hơn 20 năm gắn bó với NSND Đàm Liên, từ khi còn công tác ở Nhà hát Tuồng Việt Nam từ 1975 đến 1996. Họ đều là những tài năng của sân khấu Tuồng và là một cặp diễn rất ăn ý ở nhiều vở tuồng từ truyền thống đến hiện đại. Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Lê Tiến Thọ đánh giá: “NSND Đàm Liên là ngôi sao sáng của sân khấu tuồng Việt Nam, một người được đào tạo bài bản, rất giỏi và say nghề, luôn trăn trở sáng tạo những vai diễn để đời, một tài năng mà có lẽ còn lâu lắm sân khấu Tuồng mới lại xuất hiện thêm người thứ hai”. Có thể kể tới một loạt những vai diễn mà NSND Đàm Liên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và khán giả như Loan Dung trong Lý Phụng Đình, Liễu Nguyệt Tiêm trong Đào Phi Phụng, Bà huyện trong Nghêu Sò Ốc Hến, Ái Nương trong Trần Bình Trọng, Trưng Trắc trong Trưng Nữ Vương, Hồ Nguyệt Cô trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Phương Cơ trong Ngọn lửa Hồng Sơn, Hàn Tố Mai trong Nữ tướng Đào Tam Xuân, Má Tư trong Không còn đường nào khác, Quỳnh Nga trong Thạch Sanh…
Đặc biệt, khi nhắc tới NSND Đàm Liên, không ai là không nhớ tới vai diễn kinh điển Ông già cõng vợ đi xem hội (biểu diễn lần đầu vào 19.7.1979 tại rạp Đại Nam (Hà Nội) do NSND Văn Đôi sáng tác), bà thể hiện cả hai vai: ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi. Với vai diễn này, bà đã đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn.
Nói về công lao đào tạo nghệ sĩ cho ngành tuồng thì các NSND Minh Gái, Xuân Quý, Hương Thơm, Văn Thuỷ, Hồng Khiêm, các NSƯT Minh Tâm, Bích Tần, Kiều Oanh, Lộc Huyền… ở Nhà hát Tuồng Việt Nam đều là học trò của bà. NSƯT Kiều Oanh, một trong những học trò mà NSND Đàm Liên yêu quý và cũng đã thể hiện thành công xuất sắc vai diễn Ông già cõng vợ đi xem hội chia sẻ: “Tôi coi cô Đàm Liên như người mẹ thứ hai của mình. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, cô là người bảo ban, uốn nắn cho tôi từng vai diễn từ khi tôi bước vào nghề. Đối với cô, nghệ sĩ tuồng không đơn thuần là “thợ diễn” mà phải là những kiến trúc sư thiết kế, xây dựng để vai diễn sống động và hấp dẫn”. Mặc dù đã nghỉ hưu và ngay cả khi nằm trên giường bệnh, NSND Đàm Liên vẫn đau đáu với Tuồng, trăn trở khi thấy sự phát triển của Tuồng đang bị chững lại, lo lắng về sự kế tục của thế hệ diễn viên tuồng đang bị mai một, tương lai rồi sẽ ra sao...
Là người cống hiến cả cuộc đời lao động nghệ thuật của mình cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu Tuồng Việt Nam, NSND Đàm Liên đã từng giữ nhiều chức vụ quản lý như Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Ủy viên Ban chấp hành UNESCO Việt Nam, Đoàn trưởng Đoàn tạp kỹ UNESCO, Trưởng đoàn bảo tồn, nghiên cứu và phát huy văn hóa dân tộc, Phó đoàn tuồng Nam…, nhưng có lẽ, những vai diễn “để đời” lúc khóc, lúc cười trên sân khấu của bà mới là điều đáng nhớ hơn cả, bởi chúng đã giúp công chúng thêm trân trọng và yêu quý một di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
THUÝ HIỀN