Những người khốn khổ của sân khấu Việt

VHO- Mong muốn mang đến cho công chúng Việt cơ hội thụ hưởng một tác phẩm kinh điển của thế giới, vừa qua, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN đã công diễn 4 suất ra mắt vở nhạc kịch Những người khốn khổ tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Vở diễn đã chinh phục được đông đảo khán giả, đặc biệt là những vị khán giả nước ngoài từng quen thuộc với tác phẩm của đại văn hào Pháp Victor Hugo trên sân khấu quốc tế.

Những người khốn khổ của sân khấu Việt - Anh 1

 Vở nhạc kịch “đồ sộ” với 150 nghệ sĩ tham gia

 Có mặt trong suất diễn đầu tiên là rất nhiều vị đại sứ của các quốc gia tại Việt Nam. Đại sứ Pháp Nicolas Warnery chia sẻ: “Vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã được các nghệ sĩ Việt Nam thể hiện rất tuyệt vời. Kết cấu nội dung và giá trị tư tưởng của tác phẩm đã được chuyển tải một cách nguyên vẹn. Tôi rất thích cách dàn dựng của ê kíp sáng tạo Việt Nam, nó khiến những nhân vật điển hình trong trang sách của Victor Hugo “bước lên” sân khấu một cách tự nhiên và chân thật. Tôi tin rằng không chỉ khán giả trong nước mà khán giả Pháp hay bất kì quốc gia nào khi thưởng thức vở này cũng có thể cảm nhận được trọn vẹn đời sống và nội tâm của các nhân vật”. Đại sứ Pháp cho biết thêm, ông rất ấn tượng với sự thể hiện chuyên nghiệp, đỉnh cao của các nghệ sĩ Việt Nam, từ cách chơi của dàn nhạc cho tới kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu.

Đi cùng chồng là Đại sứ Anh Gareth Ward, bà Elena Ward cũng bị thu hút mạnh bởi Những người khốn khổ phiên bản Việt Nam. Bà Elena Ward nói, đây là tác phẩm được công diễn liên tục trên các sân khấu lớn của nước Anh cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. “Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ rằng Việt Nam lại có một bản dựng thành công đến như vậy, hơn thế, lại được nghe các nghệ sĩ của Việt Nam thể hiện toàn bộ bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Nhạc kịch Những người khốn khổ đã có một phiên bản thật hoàn hảo từ âm nhạc, ánh sáng và không gian nghệ thuật. Tôi tin rằng nếu vở diễn này được biểu diễn ở Anh, khán giả nước chúng tôi cũng sẽ đón nhận đầy thích thú”, bà Elena Ward cho hay.

Những người khốn khổ của sân khấu Việt - Anh 2

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn của đại văn hào Pháp, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng do đại dịch Covid-19, vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã mang một ý nghĩa rất lớn khi đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. Không như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, ê kíp sáng tạo đã không cố Việt hoá tác phẩm, tất cả mọi thứ từ âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, kết cấu nội dung, diễn tiến của câu chuyện đều được ê kíp tôn trọng tối đa nguyên tác. Điều đặc biệt là toàn bộ các diễn viên đảm nhiệm các nhân vật trên sân khấu kể cả người nước ngoài và người Việt Nam đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.

Có thể nhìn thấy sự công phu, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo khi xem Những người khốn khổ, với những tên tuổi nổi tiếng như Tổng đạo diễn, NSƯT Trần Ly Ly; Giám đốc âm nhạc, Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh; Đạo diễn trẻ Triều Dương; Biên đạo múa Linh An và đông đảo nghệ sĩ tài năng tham gia như: Tùng Lâm (vai Jean Valjean), Huy Đức (Javert), Thu Quỳnh (Fantine), Đào Tố Loan (Cosette lúc lớn)… Tất cả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát, diễn và thiết kế sân khấu.

Những người khốn khổ là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp. Qua hàng loạt nhân vật điển hình, tác phẩm đã thể hiện tình yêu thương vô hạn đối với những nạn nhân khốn cùng của xã hội tư bản. Nhưng dẫu bị vùi dập thì họ vẫn hiện lên với vẻ đẹp lung linh trong tâm hồn cũng như dáng vẻ. Tác phẩm như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội cũ bất công, vô nhân đạo với cả một mạng lưới luật pháp, tòa án, nhà tù, quân đội, cảnh sát, những kẻ giàu có nhưng bản chất lưu manh, bẩn thỉu... Jean Valjean của Việt Nam không phải là một nhân vật to cao, mạnh mẽ như của Pháp mà lại mang vóc dáng thanh mảnh với diễn xuất của Tùng Lâm, nhưng khán giả vẫn thấy mê mẩn một con người đầy lòng nhân ái và tinh thần trượng nghĩa sáng ngời. Đối lập với Jean Valjian là một Javert (Huy Đức) với vóc dáng thấp đậm nhưng khi cất giọng lên thì đầy sự cứng rắn, uy lực. Ấn tượng về từng giọng ca, từng nhân vật cứ đeo đuổi đến mức ám ảnh khán giả tới tận khi vở diễn kết thúc.

Sau thành công của Hồ thiên nga năm 2019, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN lại tiếp tục khẳng định được thương hiệu nghệ thuật với Những người khốn khổ ở năm 2020 này. Cái hay nhất và khó nhất ở những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao của Nhà hát là sự kết hợp rất nhiều cá nhân trong một tập thể, đòi hỏi sự đồng điệu, ăn ý trong từng động tác, từng nốt nhạc để tạo nên một tác phẩm thành công. 

HÀ THANH

Ý kiến bạn đọc