Nhà hát Múa rối Việt Nam: Nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn

VHO- Mới 5 tháng đầu năm 2023, số lượng buổi diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã lên tới hơn 450 suất. Địa bàn hoạt động của Nhà hát trải rộng khắp các sân khấu trong cả nước, đặc biệt là hai chuyến lưu diễn thành công tại Đại hội Sân khấu thế giới (Dubai) và Chương trình quảng bá nghệ thuật Múa rối tại Thủ đô Paris (Pháp).

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn - Anh 1

 Các vị đại sứ và đại diện các nước bên cạnh UNESCO chụp cùng nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp

 Những nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn là con số đáng nể trong mặt bằng hoạt động của các đơn vị sân khấu cả nước hiện nay.

Khẳng định thương hiệu hàng đầu

Đoàn nghệ thuật Nhà hát Múa rối Việt Nam do Giám đốc, NSND Nguyễn Tiến Dũng làm trưởng đoàn vừa kết thúc chuyến lưu diễn thành công tại Pháp vào đầu tháng 5 này. Nhà hát đã biểu diễn 28 buổi, trong đó có 25 buổi tại sân khấu Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và 3 buổi tại Hội chợ Foire de Paris, đón hàng ngàn lượt khán giả đến thưởng thức. Sự xuất hiện của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Paris là sự kiện nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên, khởi động lại chuỗi các hoạt động của Trung tâm sau thời gian gián đoạn để sửa chữa, cải tạo.

Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam rất vinh dự khi được phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp để mang các tác phẩm nghệ thuật truyền thống đặc sắc giới thiệu với bạn bè quốc tế. Có thể nói, qua những thành công của chuỗi sự kiện lần này, Trung tâm đã thực sự trở thành cầu nối quan trọng trong quá trình hội nhập văn hóa của Việt Nam với thế giới. Hy vọng Nhà hát có thể tiếp tục mang những tác phẩm nghệ thuật chất lượng hơn nữa đến với kiều bào và công chúng tại châu Âu trong thời gian tới”.

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn - Anh 2

Đoàn nghệ thuật của Nhà hát Múa rối Việt Nam do NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát làm trưởng đoàn biểu diễn tại Pháp

Tất cả các suất diễn của đoàn đều chật kín khán giả, thậm chí vào cuối tuần, sân khấu của Trung tâm Văn hóa còn phải kê thêm ghế. Theo đó, chương trình biểu diễn lần này mang tên Giếng làng với những màn trình diễn rối nước, rối cạn độc đáo kết hợp nghệ thuật múa dân gian và âm nhạc truyền thống, phối hợp với hai nghệ sĩ của Trung tâm là NSƯT Thanh Sơn (Phó Giám đốc) và nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Thanh Ngọc, do NSƯT Thanh Sơn làm Tổng đạo diễn. Đến xem chương trình, khán giả vô cùng thích thú trước không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, không chỉ đưa bà con kiều bào trở về với ký ức của những miền quê xưa mà còn thu hút sự quan tâm của công chúng Pháp và du khách thập phương.

Ngoài các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng, Nhà hát Múa rối Việt Nam vinh dự góp mặt trong đêm di sản văn hóa với chủ đề Việt Nam - Sự hòa quyện văn hóa của đất, nước và con người được tổ chức bởi Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp với Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức. Đêm nghệ thuật khép lại với những tràng vỗ tay không ngớt và những lời tán thưởng nồng nhiệt của hơn 100 đại sứ và đại diện các nước bên cạnh UNESCO.

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn - Anh 3

 Biểu diễn Múa rối tại Hoàng thành Thăng Long

Sau thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, chuỗi chương trình nghệ thuật của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Pháp đã trở thành một trong những điểm nhấn nổi bật trong các hoạt động ngoại giao văn hóa năm 2023. Trước đó, vào tháng 2.2023, tiết mục Mơ Rồng do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng đã biểu diễn thành công tại Lễ khai mạc Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Nhà hát là đơn vị đại diện duy nhất của sân khấu Việt Nam nói riêng và sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung tham gia. Khán giả và đồng nghiệp ở các châu lục khác vô cùng thán phục bởi kỹ thuật biểu diễn điêu luyện của nghệ sĩ cũng như cách thức dàn dựng sân khấu của Việt Nam, gần gũi với đời sống nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Dồn toàn lực “hút” khán giả nội địa

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn - Anh 4

Chương trình “Thế giới thần tiên” đang diễn ra thường xuyên tại Nhà hát 361 Trường Chinh, Hà Nội 15.5.2023B

Với 430 suất diễn trong nước tại Hà Nội và các địa bàn lân cận, trong đó có những suất diễn định kỳ vào các ngày trong tuần tại sân khấu 361 Trường Chinh, sân khấu biểu diễn Múa rối tại Hoàng thành Thăng Long, sân khấu Múa rối nước Bông sen tại 19 Hàng Trống… cho thấy hiệu quả hoạt động tổ chức biểu diễn hiệu quả của đơn vị. Ở mỗi sân khấu, Nhà hát lại có một đối tượng khán giả riêng để phục vụ, như sân khấu 361 Trường Chinh chủ yếu là phục vụ các đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, là địa điểm giải trí cuối tuần của các gia đình; sân khấu Bông Sen chủ yếu hướng tới đối tượng khán giả quốc tế; Sân khấu tại Hoàng thành Thăng Long thì hướng tới nhiều đối tượng đại chúng hơn.

NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Cho tới thời điểm này, chúng tôi cảm thấy hài lòng vì đã đạt được mục tiêu mở rộng đối tượng khán giả, không chỉ phục vụ thiếu nhi và quốc tế mà còn hướng tới những đối tượng khác như sinh viên, người cao tuổi, khách du lịch... Khâu quảng bá tuy chưa thật sự mạnh nhưng khán giả biết đến Nhà hát Múa rối Việt Nam chính là nhờ vào chất lượng các tác phẩm, họ đi xem về thấy yêu thích nên tự giới thiệu cho bạn bè, cơ quan. Tại mỗi sân khấu, chúng tôi đều nghiên cứu chương trình, tiết mục biểu diễn cho phù hợp với từng đối tượng. Đơn cử như biểu diễn tại Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi xây dựng các chương trình gắn với dòng chảy lịch sử, qua chương trình khán giả hiểu hơn về vùng đất Thăng Long - Hà Nội qua ngôn ngữ thể hiện của rối nước, rối cạn và cả múa truyền thống. Chúng tôi xác định: Con đường sống của nghệ thuật Múa rối cũng như tạo dựng thương hiệu cho Nhà hát chính là những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, thật sự hấp dẫn, có giá trị”.

Không lối mòn theo cách dàn dựng, thể hiện cũ, các chương trình, tiết mục của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật Múa rối nước nhà, khiến khán giả, đồng nghiệp trong nước và quốc tế vô cùng khâm phục. Bằng chứng là tại các cuộc thi sân khấu quốc tế, Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn giành được những giải thưởng cao nhất như: Thân phận nàng Kiều tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019 đoạt giải vàng vở diễn cùng 1 giải vàng, 5 giải bạc diễn viên; giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm cho vở Bản tình ca trên núi…

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Nỗ lực phục hồi hoạt động biểu diễn - Anh 5

Những suất diễn tại trụ sở Nhà hát Múa rối Việt Nam 361 Trường Chinh đều chật kín khán giả nhí

Cùng với Thân phận nàng Kiều, Bản tình ca trên núi thì hàng loạt các chương trình đang được Nhà hát biểu diễn thường xuyên như: Âm vang đồng quê, Đồng vọng rối Việt, Giếng làng, Trăng đất Việt, Nghêu Sò Ốc Hến và gần đây nhất là Thế giới thần tiên... cũng đã thể hiện sự nỗ lực trong lao động nghệ thuật cũng như mạnh dạn tìm tòi, đổi mới. Nhà hát đã khẳng định vị thế xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn Múa rối chuyên nghiệp bằng những chương trình chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu đa dạng của công chúng. Khán giả khi tới xem các chương trình của Nhà hát đều bất ngờ vì sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật Múa rối nước nhà.

“Chất lượng nghệ thuật là yếu tố giúp cho đơn vị chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng tổ chức biểu diễn. Nhà hát cũng nhận được nhiều sự hợp tác của các đơn vị nghệ thuật và tổ chức biểu diễn để duy trì các sân khấu định kỳ hằng tuần. Tần suất làm việc, biểu diễn rất lớn nhưng đây cũng là động lực giúp anh chị em có thêm niềm hưng phấn để cống hiến, sáng tạo. Nhà hát đỏ đèn, nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn phục vụ đông đảo mọi tầng lớp khán giả thì không có lý gì lại không cố gắng hết mình!”, Giám đốc, NSND Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Quân số của Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện nay là 68 người, trong đó số lượng nghệ sĩ biểu diễn là 40. Chỉ cần nhìn vào con số ấn tượng 450 suất diễn trong 5 tháng đầu năm 2023 sẽ hiểu được nỗ lực rất lớn của Ban giám đốc và tập thể nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát Múa rối Việt Nam khi đưa nghệ thuật Múa rối gần hơn với khán giả trong và ngoài nước. 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc