Mùa diễn Antigone: Thỏa sức giải mã kịch kinh điển

VHO- Dự án Mùa diễn Antigone do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ, tiến hành từ tháng 11.2021 đến tháng 3.2022 cả trên sân khấu lẫn trực tuyến thông qua các vở diễn, hội thảo đã mở ra hướng đi mới mẻ cho sân khấu kịch Việt sau đợt giãn cách xã hội.

Mùa diễn Antigone: Thỏa sức giải mã kịch kinh điển - Anh 1

 Các đạo diễn tham gia Dự án “Mùa diễn Antigone”

Có 6 đạo diễn Việt Nam tham gia Dự án, đó là: NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Thị Hòa An, nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải… Họ đã được thỏa sức được giải mã kịch kinh điển Antigone của nhà soạn kịch cổ đại Hy Lạp Sophocles, với nhiều thủ pháp nghệ thuật cũng như góc tư duy hiện đại qua 6 bản diễn khác nhau.

Thưởng thc nhiu phiên bn trên sân khu

Một trong những lý do Viện Goethe thực hiện Dự án là bởi câu chuyện về nàng Antigone vẫn nhiều ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh cuộc sống đương đại. Theo NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, sau thành công của các vở Vòng phấn Kavkaz, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Kiều, Happy at Home, Nhà hát dự kiến kết hợp cùng đạo diễn Amelie (Đức) dàn dựng trọn vở dài Antigone, nhưng kế hoạch chưa thực hiện được do dịch bệnh bùng phát. Bởi vậy, Nhà hát sẽ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần cho vở diễn trong cương vị đồng hành tổ chức Dự án. Qua quá trình triển khai thực hiện, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, dựng Antigone có nhiều khó khăn bởi cách nhìn của người phương Đông và phương Tây có sự khác biệt rõ ràng. Dự án đã có các workshop chia sẻ về tác phẩm, cũng như cách làm vở này tại nhiều nơi trên thế giới để các đạo diễn Việt Nam hiểu rõ hơn. “Nét độc đáo là Antigone dù được viết cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn không có cảm giác xa với đời sống thực tại. Đây là mảnh đất vô cùng màu mỡ, chất liệu phong phú cho các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật dàn dựng với phong cách hôm nay. Nhà hát Tuổi Trẻ đã chuẩn bị sàn diễn quy chuẩn để các nghệ sĩ có thể thể hiện hết kỹ năng, ý tưởng ấp ủ và khán giả sẽ được thỏa sức tưởng tượng”, NSƯT Sĩ Tiến khẳng định.

Hiện tại đã có 3 vị đạo diễn công bố về 3 bản Antigone là Trần Lực, Bùi Như Lai và Hà Nguyên Long. Câu chuyện Antigone trong phiên bản gốc tương đối phức tạp, nhưng khi được tái hiện qua tư duy nghệ thuật của NSƯT Trần Lực, cùng phương pháp ước lệ và kỹ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, tác phẩm đã trở nên gần gũi và chạm tới trái tim của công chúng Thủ đô. NSƯT Trần Lực nhấn vào khai thác tính nữ quyền, khi phụ nữ có lòng tin, có tình yêu thì họ sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ. Còn với NSƯT Bùi Như Lai, tác phẩm do anh dàn dựng luôn tỏa ra năng lượng “đốt cháy” sân khấu, vở Antigone cũng mang chất lửa hừng hực đó. Anh tận dụng tối đa yếu tố trang trí sân khấu với nhiều ẩn ý qua những cây tre, những chiếc thang… mang biểu tượng về quyền lực. Có những nhân vật muốn đi lên đến đỉnh, họ không thể đi được bình thường mà sẽ phải bò. Bên cạnh đó, chiếc thang cũng tạo ra những khuôn mẫu, những cái khung để cho các nhân vật khác nhau tồn tại.

Mùa diễn Antigone: Thỏa sức giải mã kịch kinh điển - Anh 2

 Vở diễn do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng

Không chỉ được dàn dựng trên sân khấu kịch, Antigone còn đến với khán giả qua các phiên bản trình diễn đa phương tiện; múa hình thể; kịch và đối thoại cộng đồng, qua đó, đưa tác phẩm sân khấu trở thành hạt nhân để thúc đẩy đối thoại giữa nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tâm lý và khán giả về việc đối diện thách thức và đi tìm bản dạng cá nhân của người trẻ. Antigone - Âm mù của Xplusx Studio do đạo diễn Hà Nguyên Long dàn dựng, dù giữ nguyên kịch bản gốc nhưng đã đưa toàn bộ vở kịch lên thế giới ảo, nơi dòng thời gian như ngưng lại. Đạo diễn đã tái tạo khung cảnh của vở kịch trong một chiều không thời gian khác biệt với vở kịch gốc. Khán giả sẽ được tiếp cận cách thể nghiệm của thực lẫn ảo, giữa các chiều cạnh đan xen mà không có sự hiện diện của thời gian hay địa lý…

Gii ta cơn khát sáng to

Trước Antigone, Viện Goethe và Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã thực hiện Dự án dàn dựng Truyện Kiều cùng 4 đạo diễn, trong đó có 3 đạo diễn người Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Sân khấu Việt Nam được hưởng lợi gì sau khi tham gia các Dự án này? Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai, Phó trưởng khoa sân khấu Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Các đạo diễn sân khấu của chúng ta, đặc biệt là người trẻ, rất ít khi được tiếp cận và dàn dựng những tác phẩm kinh điển của thế giới, vì vậy, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để họ có thể tìm tòi, khám phá những hình thức thể hiện mới. Không chỉ những người tham gia thực hiện Dự án mà chính khán giả cũng là đối tượng được hưởng lợi khi thưởng thức những tác phẩm kinh điển được dàn dựng mang hơi hướng đương đại”.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cách làm kịch kinh điển phương Tây được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu để người làm nghề suy ngẫm lại cách đầu tư các khâu sáng tạo, từ kịch bản, dàn dựng cho đến diễn xuất... Khi sàn diễn thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, đội ngũ đạo diễn, diễn viên cần đúc kết nền tảng vững chắc để hòa mình vào lộ trình cải tiến vở diễn. NSƯT Sĩ Tiến cho rằng, công chúng có thể thấy những giá trị quen thuộc của Antigone hay Truyện Kiều trong văn học Việt, nhưng sự trải nghiệm trong sáng tạo sẽ thúc đẩy giới nghề tìm ra chìa khóa mở cánh cửa mới sau đại dịch. Hơn thế, từ những nền tảng của kịch kinh điển nước ngoài khi Việt hóa sẽ tạo ra một hướng đi đầy hấp dẫn cho sân khấu kịch Việt. 

THÚY HIN

Ý kiến bạn đọc