“Mỗi đêm diễn sẽ là sự sống còn của Nhà hát”
VHO- Trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu nước nhà đang phải đối đầu với khó khăn chồng khó khăn thì Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn âm thầm, bền bỉ xây dựng chương trình mới và phục hồi công tác biểu diễn. Thật bất ngờ khi được biết, chỉ tính riêng trong tháng 10 này, Nhà hát đã “đỏ đèn” được 27 suất, ngay tại sân khấu số 1 Tràng Tiền có ngày biểu diễn tới 2 suất.
Khán giả là yếu tố tạo nên thành công trong các đêm diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam Ảnh: NHKVN
Phó giám đốc Phụ trách NSƯT Xuân Bắc đã “bật mí” về những bí mật của Nhà hát trong cuộc trao đổi với Văn Hóa.
P.V: Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn do khán giả chưa trở lại với thói quen đi xem nghệ thuật, anh có thể cho biết vì sao Nhà hát Kịch Việt Nam lại đạt được kỉ lục 27 suất diễn trong 1 tháng?
- NSƯT Xuân Bắc: Thay vì ngồi than vãn và bó gối, Ban giám đốc và cán bộ, nghệ sĩ chúng tôi xác định phải hành động để tồn tại. Suốt quãng thời gian dài nghỉ dịch, chúng tôi rất nhớ sân khấu và luôn khát khao được phục vụ khán giả. Đó là lý do Nhà hát Kịch Việt Nam xin tiên phong mở màn trong chương trình tái khởi động nghệ thuật sau Covid-19 của Bộ VHTTDL. Huy động mọi quan hệ cá nhân và tập thể, Nhà hát đã liên tiếp tổ chức các đợt biểu diễn theo hợp đồng. Trong tháng 10 này, 2 đoàn nghệ thuật của Nhà hát đã gồng lên, vừa tổ chức lưu diễn ở các tỉnh, vừa duy trì đỏ đèn tại “sân nhà”. Tối 16.10 kết thúc suất diễn tại Hà Tĩnh, đoàn hành quân trở lại ngay Hà Nội để 5h sáng 17.10, đoàn lại lên đường đi diễn tại Bắc Kạn 5 đêm. Có thể nói, tới thời điểm hiện tại, cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch đã quen với áp lực khi phải thực hiện lịch diễn với tần suất dày đặc và với nhiều vở khác nhau. Các bộ phận trong Nhà hát đã quen thuộc với câu chuyện tổ chức biểu diễn, di chuyển, bố trí người thay vai, phân công mọi việc một cách khoa học để người đi lưu diễn cứ đi, người ở nhà cũng sẽ diễn khi có lịch.
Được biết, dàn dựng xong vở “Người tốt nhà số 5” nhưng Ban giám đốc đã lặng lẽ “ém” vở diễn này một thời gian để chờ cho qua dịch Covid-19 mới tung chiến dịch giới thiệu và công diễn?
- Đúng vậy, từ nay Nhà hát sẽ có kế hoạch tổ chức biểu diễn và khai thác riêng đối với từng tác phẩm. Hiện chúng tôi đang có sẵn gần chục vở diễn với nhiều đề tài khác nhau, từ gia đình, công an, hài kịch, chính kịch để đáp ứng mọi nhu cầu của khán giả bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẽ đặc biệt khai thác “Người tốt nhà số 5” trong giai đoạn này, bởi lẽ khi cả nước đang vừa phải đối phó với dịch Covid-19, vừa phải khắc phục thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt ở miền Trung, vở diễn sẽ mang tới thông điệp vô cùng ý nghĩa và nhân văn, giúp mỗi người đều mong muốn làm những điều tốt đẹp hơn cho những người xung quanh và rộng hơn là cho toàn xã hội. Hoặc mới đây, tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, Nhà hát đã diễn chào mừng vở Bác Hồ - một tình yêu bao la. Hàng trăm cháu đội viên, thiếu niên đã im phăng phắc để xem kịch về Bác và đã có không ít khán giả nhí và cả đại biểu đã rơi nước mắt vì xúc động. Việc xây dựng tác phẩm và đề tài sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm sao cho thích hợp nhất.
Vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát giành giải vàng cho vở diễn và giải đạo diễn xuất sắc cùng nhiều giải thưởng khác tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020
Những vở diễn gần đây của Nhà hát đều được giao phó cho các đạo diễn trẻ như Lâm Tùng, Kiều Minh Hiếu, Tạ Tuấn Minh... Xin anh chia sẻ về quan điểm để cho người trẻ tham gia vào xây dựng tác phẩm của Nhà hát Kịch VN, một nhà hát được coi là mẫu mực, anh cả của sân khấu kịch cả nước?
- Nếu không tin tưởng các đạo diễn trẻ thì chắc chắn Nhà hát Kịch VN sẽ không thể gặt hái được một loạt những thành tích gần đây. Tôi rất mừng mặc dù là vở diễn đầu tay nhưng các đạo diễn trẻ đã giành được những giải thưởng cao nhất của ngành sân khấu, như Điều còn lại của đạo diễn, NSƯT Kiều Minh Hiếu được trao giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2019; Người tốt nhà số 5 của đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh đã giành giải Vàng cho vở diễn và giải Xuất sắc cho đạo diễn cũng như HCV, HCB cho nghệ sĩ biểu diễn tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020. Nếu không tạo điều kiện cho đạo diễn trẻ “dụng võ” thì Nhà hát Kịch VN cũng sẽ rất thiệt thòi và đánh mất đi những cơ hội thành công cho chính thương hiệu của mình. Chủ trương của Ban giám đốc là mỗi người trong Nhà hát đều phải làm việc, ai tự tin làm tốt ở lĩnh vực nào, chúng tôi sẽ cho họ cơ hội để “tỏa sáng” ở lĩnh vực đó.
Ban giám đốc của Nhà hát Kịch VN được đánh giá là trẻ nhất so với các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL, dường như tư duy lãnh đạo của người trẻ đang phát huy tối đa tác dụng con người?
- Theo tôi, sự thành công của một nhà hát chính là yếu tố xây dựng con người. Với nghệ thuật, nếu chúng ta không thích ứng và tự đổi mới thì chúng ta sẽ tự đào thải. Chính vì vậy, chúng tôi đều quan niệm mỗi đêm diễn sẽ là sự sống còn của Nhà hát, cung cấp những vở diễn hay, chất lượng là trách nhiệm đầu tiên để có thể “đỏ đèn”. Kèm theo đó là khâu tổ chức biểu diễn, với nghệ thuật thì việc marketing sẽ phải khác biệt, không giống như cho những sản phẩm thương mại thông thường. Ngay từ việc thiết kế quảng bá cho chương trình cũng phải thật ấn tượng, bắt mắt. Nhà hát đang xúc tiến để quảng bá thương hiệu và tác phẩm trên các trang web, các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Hiện tại, Nhà hát Kịch VN đã ký hợp đồng thoả thuận với Nhà hát Star Galaxy 87 Láng Hạ, Hà Nội để phối hợp tổ chức, khai thác biểu diễn tại đây với những tác phẩm được dàn dựng riêng cho đối tượng khán giả đặc thù. Chúng tôi cũng sẽ không bỏ sót một cơ hội nào, dù là nhỏ nhất, để anh em nghệ sĩ được cống hiến, điều này khẳng định sự sống còn của Nhà hát và vì vậy tất cả chúng tôi đều dốc sức, dốc lòng trong từng đêm diễn.
THÚY HIỀN (thực hiện)