Mảnh vỡ Hà Nội: Vở kịch sống lại một thời kí ức về Hà Nội

VHO-Được đón xem một tác phẩm đậm chất Hà Nội trong bối cảnh thủ đô vào ngày trở gió, bỗng có cảm xúc rất lạ về một Hà Nội khác lạ, đầy chất nhân văn. Tác phẩm Mảnh vỡ Hà Nội (tác giả PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Thái chuyển thể từ truyện ngắn Hà Nội gió mùa của nhà văn Lê Minh Khuê, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, tập thể nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc) như món quà tinh thần, sự tận hiến cho mảnh đất địa linh nhân kiệt nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội.

Mảnh vỡ Hà Nội: Vở kịch sống lại một thời kí ức về Hà Nội - Anh 1

Các nghệ sĩ tham gia vở diễn thuộc nhiều đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội

Trong Mảnh vỡ Hà Nội, những con người Hà Nội, dù trong cảnh huống khốc liệt, những xung đột dữ dội tới mức nào, thì ở họ vẫn có chút khác biệt. Câu truyện kịch kể về số phận con người trong chiến tranh, cụ thể hóa trong một gia đình cũng khá đặc biệt. Đó là gia đình “một ông hai bà”: ông Cơ (Thanh Bình đóng) đã có vợ đẹp (bà Hân do Diệu Linh thủ vai) con khôn, nhưng vẫn lén lút đi lại với người phụ nữ khác là Việt ( Hương Thủy) và cũng đã có con riêng. Cuộc gặp gỡ giữa “vợ chính, con chính” với “vợ phụ, con thêm” không ngờ kết thúc bằng việc bà Việt bị hỏng mất một mắt. Quan hệ đắng chát giữa họ đã gây hệ luỵ tới thế hệ sau, khi kéo hai anh con trai "giống nhau như tạc" của hai bà trở thành thù địch. Chiến tranh đưa đẩy, Phong (Lâm Cương) - sĩ quan quân đội nguỵ đã bắt được Hiếu (Anh Tuấn) - sĩ quan Quân giải phóng. Tận dụng cơ hội, lại thêm sự khích tướng của viên sĩ quan CIA, Phong đã trả mối hận của cho mẹ ruột, khiến Hiếu mất đi một con mắt (như mẹ Việt của Phong đã "bị").
Giải phóng miền Nam (1975), tình thế thêm trớ trêu khi Phong phải vào trại cải tạo, dưới sự phán xử và giám sát của Hiếu. Phong là một sĩ quan "ác ôn" có nhiều nợ máu, không thể dung tha, cộng thêm những uất ức vì bị thương tật đã khiến Hiếu đưa Phong tới trạm giam tận rừng xanh nước độc, không cho bố và bà Việt biết nơi cải tạo. Đặt vào mối quan hệ của họ những xung đột nảy lửa, khó quy tụ, bối cảnh kịch lại trải dài cả đời người với bao không gian thời gian cần minh định, nhưng rất may, ê kip sáng tạo đã trung thành với chủ đề nhân văn, hoá giải hận thù… đã có cách giải quyết đẹp, sáng rõ ý tưởng mà hợp với logic tâm lý con người – nhân vật.

Mảnh vỡ Hà Nội: Vở kịch sống lại một thời kí ức về Hà Nội - Anh 2

Các nghệ sĩ đã thể hiện rất tốt nội tâm của các nhân vật

Mảnh vỡ Hà Nội: Vở kịch sống lại một thời kí ức về Hà Nội - Anh 3

Mảnh vỡ Hà Nội là vở diễn được dàn dựng công phu, nghiêm túc

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên lăn lộn trên sàn tập, đem sở trường của sân khấu kịch hát dân tộc để giải mã thành công kịch bản rất khó này. Quá nhiều không gian kịch, câu chuyện trải dài hàng mấy chục năm, hoàn cảnh xã hội có rất nhiều thay đổi… xung đột đôi khi dữ dội, dễ tiến tới ranh giới của sự nhân văn… Đạo diễn dùng sự ước lệ của xử lý không gian, thời gian theo cách không đóng màn mà luân chuyển bối cảnh dựa trên chuyển động của một số trang trí mỹ thuật, giảm đi cảm giác đứt quãng trong thụ cảm của khán giả. Sự đứt vỡ, ý tưởng về mảnh vỡ Hà Nội được tận dụng trong cảnh trí ở nét cắt giữa các biểu tượng Hà Nội, cánh cửa vào căn nhà, cảnh trí… Vẻ đẹp của sân khấu được tạo hình tốt, khán giả ngồi ở vị trí nào cũng có thể “vào mắt” những biểu tượng đẹp. Những mảnh vỡ đau thương do chiến tranh, do hận thù… chỉ có tình cảm nhân văn mới đủ sức hàn gắn. Góp phần không nhỏ cho việc tạo dựng không gian Hà Nội còn là những tiếng động đắt như tiếng rao quà đêm, tiếng chổi tre trong lác đác lá vàng rơi… Hay để những ứng xử lịch thiệp, theo đúng văn hoá ứng xử của "người Hà Nội gốc" ngay trong hoàn cảnh rất trớ trêu là khi hai người phụ nữ (đều là vợ và có con với ông Cơ) gặp nhau để “đánh ghen”, vậy mà lại ngấm ngầm vật vã với những đớn đau thân phận đàn bà để từ sự cố vô tình nhưng thảm khốc (một mắt của bà Việt bị "tai nạn") dẫn tới sự hận thù của bà Việt, sự thù hận được gieo sâu trong tâm khảm con trai bà. Tất cả những bất hạnh, trái ngang của số phận, của chiến tranh… đem lại đã được lọc qua bộ lọc của sự nhân văn, đem lại nét đẹp cho vở diễn. Dàn diễn viên tạo được tình cảm với khán giả nhờ sự vào vai khá tốt, nhất là hai diễn viên nhí đóng vai Hiếu lúc nhỏ (Như Khôi) Phong lúc nhỏ. Trong những oán hận, những dằn vặt giằng xé thì những lời thoại, hành động ngây thơ của các em đã đem lại tiếng cười vui, cũng làm người ta thêm xót xa cho diễn tiến của xung đột kịch đã phá vỡ tâm hồn thơ trẻ của các em. Tác phẩm sân khấu đã thuyết phục được người xem, khiến họ thêm yêu mảnh đất ngàn năm văn vật qua cái nhìn trong sáng về một Hà Nội, một văn hóa ứng xử Hà Nội vào những ngày đầu đông đầy gợi nhớ của thời gian đã qua.

 Tuy vẫn rải rác đó đây những “sạn” nho nhỏ trong mỹ thuật có những chi tiết còn thừa (điều tối kỵ của sân khấu), những cảnh ăn chơi có phần hơi phản cảm, rồi cái kết sự thay đổi tâm lý nhân vật có chút vội vàng, có diễn viên chưa toát hết được khí chất cần có của người Hà Nội… nhưng đây là một trong những thành công của Sân khấu Lệ Ngọc, một “tông màu” khác, rất cần thiết cho một đơn vị sân khấu. Vở diễn như món quà tinh thần rất cần thiết với những ai yêu Hà Nội trong dịp này, dịp Hà Nội vào thu và đón đợi bao tấm lòng hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020).

CAO NGỌC; ảnh : THANH HIỆP

Ý kiến bạn đọc