Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020: Thiếu vắng đề tài về Hà Nội

VHO- Liên hoan sân khấu Thủ đô theo thông lệ 2 năm một lần đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa nổi bật của Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn vào 13 vở diễn đăng ký tham dự lần này, đề tài về cuộc sống và con người Thủ đô lại thiếu vắng khiến giới nghề và khán giả phần nào hẫng hụt, bởi truyền thống của Liên hoan nhiều năm nay là khắc họa những nét thanh lịch, hào hoa của con người Tràng An.

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020: Thiếu vắng đề tài về Hà Nội - Anh 1

 Cảnh trong vở "Những người ở lại" của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, vở diễn hiếm hoi về đề tài Hà Nội tại Liên hoan

Nhiều băn khoăn về tiêu chí trao giải

Tại cuộc họp báo trước Liên hoan, trả lời câu hỏi của giới truyền thông, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở VHTT Hà Nội khẳng định: “Đã là Liên hoan sân khấu Thủ đô thì đương nhiên Ban tổ chức, Ban giám khảo sẽ ưu tiên hơn khi chấm các vở diễn về đề tài Hà Nội”. Chắc hẳn, không ít đại diện các đơn vị và nghệ sĩ sẽ "chạnh lòng" về việc “ưu tiên” này. Bởi lẽ, hơn một nửa tác phẩm tham dự Liên hoan đã không đề cập trực diện tới cuộc sống, con người đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Phải chăng, nếu chất lượng nghệ thuật ngang nhau hoặc thậm chí có phần nhỉnh hơn thì những vở diễn này sẽ khó có thể được lựa chọn chấm giải cao so với những vở đề tài về Thủ đô?!

Sát tới ngày khai mạc Liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc đã rút không tham dự. Chia sẻ về việc này, NSND Lê Ngọc cho biết: ‘Đơn vị chúng tôi chưa kịp chuẩn bị và hoàn thiện tác phẩm một cách chu đáo nên đành rút, cho dù các nghệ sĩ đều rất tiếc. Tuy nhiên, thay mặt những người làm sân khấu xã hội hóa của Thủ đô, Sân khấu Lệ Ngọc mong muốn Sở VH-TT Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cần tổ chức các cuộc thi riêng hoặc đưa ra những dự án sân khấu dàn dựng riêng về đề tài Hà Nội cho các đơn vị nghệ thuật cùng tham gia, có như vậy mới tạo ra một sân chơi nghệ thuật đặc thù”.

Mới đây, Bộ Công an đã tổ chức Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân và thu hút tới 27 đơn vị nghệ thuật với 35 vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu. Điều gì đã khiến một cuộc liên hoan ngành lại có thể thu hút đông đảo lực lượng tham gia hùng hậu đến vậy? Phải ghi nhận việc ngành công an đã làm “bà đỡ” cho các tác phẩm tham dự ngay từ khâu phát động rồi khâu tổ chức trại sáng tác cho các tác giả sân khấu đi thực tế thâm nhập về ngành. Vậy tại sao Hà Nội không thể tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi riêng về đề tài Hà Nội? Trả lời câu hỏi này, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: “Hội thường xuyên tổ chức các trại sáng tác với sự tham gia của nhiều tác giả tên tuổi, chúng tôi chỉ có thể đề nghị các tác giả quan tâm tới đề tài Hà Nội chứ không thể yêu cầu họ viết riêng về đề tài Hà Nội được”.

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020: Thiếu vắng đề tài về Hà Nội - Anh 2

 Vở chèo cổ nhưng "Trinh Nguyên" của Nhà hát Chèo VN được phục dựng rất hấp dẫn

Quan trọng vẫn là chất lượng của tác phẩm

Để giải quyết vấn đề Hà Nội thiếu vắng những vở diễn về chính mình, việc cần làm là phải tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi kịch bản riêng, có như vậy mới tạo được động lực và khuyến khích những người làm nghệ thuật dàn dựng các tác phẩm sân khấu về đề tài này. Cũng có những đơn vị như Nhà hát Chèo Hà Nội đã ý thức rất rõ việc xây dựng các tác phẩm về Hà Nội. NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát chia sẻ: "Là một đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi luôn xác định một trong những nhiệm vụ của đơn vị là làm sao chuyển tải và tôn vinh được đặc trưng văn hoá Thủ đô. Nhà hát tham dự liên hoan với vở chèo Tình sử Thăng Long của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSƯT Lê Tuấn. Đây là vở diễn trong kịch mục dàn dựng hàng năm của chúng tôi, mới ra mắt vào cuối năm 2019, chưa kịp diễn phục vụ khán giả thì bị dịch Covid-19 làm đình lại. Hơn 100 suất diễn của Nhà hát đã phải dừng hết. Tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô là cú hích khởi động lại của đơn vị nên các nghệ sĩ đều thấy rất hào hứng".

Quả thực, sau đợt dịch Covid-19, khi các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang gặp rất nhiều khó khăn thì việc tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020 là cơ hội hấp dẫn. Đó là lý do mà tuy không có đề tài về Thủ đô nhưng một số đơn vị vẫn đăng ký tham gia. NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Trưởng Ban Chỉ đạo chia sẻ: “Liên hoan sẽ là cuộc so tài đầy kịch tính. Một số vở diễn mới dàn dựng gần đây đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới nghề và khán giả, bên cạnh đó, có những đơn vị nghệ thuật dựng lại các vở đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới mang hơi thở đương đại. Liên hoan lần này không chỉ là nơi giao lưu về nghề nghiệp, trao đổi, học hỏi cách làm sân khấu thời kỳ mới mà còn là nơi thi thố tài năng nhằm phát hiện và tiếp lửa đam mê cho những nghệ sĩ trẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu Việt Nam”. Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan chia sẻ thêm, Ban giám khảo sẽ hoàn toàn công tâm, không có bất kỳ sự thiên vị nào cả. Chất lượng là trên hết, các tác phẩm, vai diễn được trao vàng phải thực sự xứng đáng là “vàng mười” để tạo nên sự kích thích, động viên cho những người làm nghệ thuật.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô mới ở chặng đầu, nhưng những tác phẩm được trình làng như Trinh Nguyên (Nhà hát Chèo VN), Người đi tìm minh chủ (Nhà hát Cải lương VN), Người tốt nhà số 5 (Nhà hát Kịch VN), Những người ở lại của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Đợi đến mùa xuân (Nhà hát Tuổi trẻ), Tình sử Thăng Long (Nhà hát Chèo Hà Nội)… được khán giả và người trong nghề đánh giá cao, hứa hẹn sẽ mang tới những cuộc so tài đầy hấp dẫn. Và chắc chắn, Ban giám khảo với đội ngũ các nhà lý luận, phê bình, tác giả, hoạ sĩ hùng hậu sẽ phải vô cùng vất vả để có thể "chọn mặt gửi vàng". 

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc