Làm sao để kéo được khán giả đến rạp

VHO- Tại buổi làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn và lãnh đạo các Nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã thẳng thắn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần xây dựng những đề án mang tính chiến lược cụ thể đối với ngành nói chung cũng như với từng nhà hát, từng loại hình nghệ thuật nói riêng…

Làm sao để kéo được khán giả đến rạp - Anh 1

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì buổi làm việc 

 Thứ trưởng cũng thống nhất một số biện pháp trước mắt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Nhà hát thuộc Bộ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Đã khó lại càng khó... 
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Nhà hát đã báo cáo với Thứ trưởng về tình hình hoạt động trong quý I. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động, không có nguồn thu nên không có kinh phí để chi trả lương cho các hợp đồng lao động. Các nghệ sĩ, diễn viên hầu hết đều chấp nhận việc giảm lương. Ví dụ như Nhà hát Nghệ thuật đương đại, trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30%. Lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc VN thì cho biết, nếu tiếp tục đóng cửa 4 tháng nữa, Nhà hát sẽ không trụ nổi vì không thể chi trả cho 147 nghệ sĩ với đủ các khoản bảo hiểm xã hội, lương, thuế thu nhập... Các nhà hát truyền thống như Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Chèo VN đang đứng trước lo lắng không giữ nổi lực lượng nghệ sĩ trẻ vì thu nhập quá thấp. 
Các Nhà hát đều bày tỏ, ngay cả khi xã hội hết cách ly, dịch bệnh chấm dứt thì cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể kéo khán giả trở lại thói quen vào xem trực tiếp tại rạp. Các đơn vị sân khấu phục vụ cho thiếu nhi sẽ càng khó khăn hơn khi mà lịch học bù, thi cử của học sinh sẽ khiến phụ huynh không còn tâm trí để cho con em đi xem giải trí nghệ thuật nữa... Ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến ngành nghệ thuật biểu diễn thất thu hết cả năm 2020 theo dự đoán của một số lãnh đạo nhà hát. 
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn 
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà hát phải đổi mới phương thức hoạt động, như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện. Theo ông Vinh, các tác phẩm cần gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2.9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc… 
Tuy nhiên, “Nhà hát online” chỉ là một giải pháp mở, phù hợp với thời điểm mà khán giả đang có tâm lý e ngại chưa muốn đi xem biểu diễn trực tiếp. Vấn đề mấu chốt là phải làm sao kéo được khán giả đến rạp. Trao đổi bên lề, một số nhà hát cho rằng, nên chăng, Bộ VHTTDL có thể tài trợ một số buổi diễn cho các nhà hát theo hình thức trước đây mà Bộ đã làm, đó là tổ chức chuỗi các chương trình nghệ thuật, tác phẩm đạt chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Giờ đây, thay vì ở Nhà hát Lớn thì các nhà hát có thể diễn ngay tại rạp của mình, nếu nhà hát nào chưa có rạp thì được hỗ trợ địa điểm biểu diễn. Rạp hát vừa có cơ hội được đỏ đèn, nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn và khán giả sẽ có cơ hội để trở lại với thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp. 
Bên cạnh những giải pháp mang tính tình thế để giải quyết những khó khăn trước mắt, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho rằng, hiện lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần phải có một chính sách mang tính căn cơ, dài hơi và phải là nền móng tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn phát triển trở lại, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì hiện nay, với các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã ban hành, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để trình Chính phủ những Đề án trọng tâm phục vụ cho sự phát triển lâu dài của nghệ thuật. Trong thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu để tham mưu những chính sách như vậy và báo cáo Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành để các đơn vị nghệ thuật có kế hoạch triển khai, thực hiện. 
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề khó khăn mà các nhà hát và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và sắp tới sẽ có chủ trương hỗ trợ các nhà hát. Theo Thứ trưởng, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu việc tăng cường đặt hàng đối với các nhà hát truyền thống; chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Trước mắt, Thứ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát cùng nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả, chất lượng để phục vụ khán giả. Mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL là xây dựng những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL là không chỉ xây dựng giải pháp trước mắt mà còn cần một chiến lược dài hơi và tổng thể. 

 THÚY HIỀN 

Ý kiến bạn đọc