Không thật sự xuất sắc nhưng Nguyễn Quốc Nhựt vẫn đoạt Chuông vàng vọng cổ 2020

VHO - Đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2020 đã diễn ra vào tối 27.9 với chiến thắng thuộc về Nguyễn Quốc Nhựt.

Đêm chung kết xếp hạng cuộc thi  có sự tranh tài của ba thí sinh: Võ Hoàng Dư (Long An), Nguyễn Quốc Nhựt (Long An) và Lê Văn Hậu (An Giang). Ở đêm thi này, 3 thí sinh diễn một trích đoạn cải lương hoàn chỉnh cùng huấn luyện viên của mình và có sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau đó, mỗi thí sinh bốc thăm hát một bài vọng cổ (3 câu).
Trong phần thi trích đoạn, thí sinh Nguyễn Quốc Nhựt cùng huấn luyện viên là NSƯT Thoại Mỹ diễn trích đoạn Kiều Nguyệt Nga với phần phụ diễn của NSƯT Lê Hồng Thắm. Huấn luyện viên - NSƯT Hữu Quốc và nghệ sĩ Mỹ Vân hỗ trợ thí sinh Võ Hoàng Dư diễn trích đoạn Từ Thức lên tiên. Còn thí sinh Lê Văn Hậu diễn cùng huấn luyện viên là NSƯT Phượng Loan diễn trích đoạn Vẹn tấm chung tình với sự hỗ trợ của nghệ sĩ Kim Hồng… 

Không thật sự xuất sắc nhưng Nguyễn Quốc Nhựt vẫn đoạt Chuông vàng vọng cổ 2020 - ảnh 1

Nguyễn Quốc Nhựt trong giây phút đăng quang

Các phần thi của thí sinh được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, trong đó thí sinh Lê Văn Hậu nhận được nhiều lời khen ở cả hai phần thi, tuy nhiên, kết quả chung cuộc, thí sinh Nguyễn Quốc Nhựt có số điểm cao nhất là 99,79 điểm, đoạt Chuông Vàng (với giải thưởng trị giá 100 triệu đồng), trong khi theo đánh giá của nhiều khán giả, Nguyễn Quốc Nhựt có phần dự thi đêm chung kết chưa thật sự xuất sắc như mong đợi. Lê Văn Hậu về vị trí thứ hai với 99,4 điểm, đoạt Chuông Bạc (với giải thưởng trị giá 50 triệu đồng); Võ Hoàng Dư 99,1 điểm đạt giải Ba (giải thưởng trị giá 30 triệu đồng). Ngoài ra, thí sinh Võ Hoàng Dư cũng đồng thời được trao giải do hội đồng báo chí bình chọn (giải thưởng trị giá 20 triệu đồng). Hai thí sinh nhận giải Tư là Nguyễn Thị Thu Mỹ (Long An) và Lê Thị Diệu Hiền (Trà Vinh). 
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV khởi xướng và tổ chức thực hiện từ năm 2006 đến nay với mục tiêu tìm kiếm, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Trải qua chặng đường 15 năm phát triển, Chuông vàng vọng cổ đã thật sự trở thành một sân chơi quen thuộc đối với khán giả yêu thích làn điệu vọng cổ. Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần khích lệ mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết quý trọng, kế thừa và mở rộng phong trào ca vọng cổ, đờn ca tài tử trong xã hội để loại hình nghệ thuật đặc sắc của văn hóa Nam bộ được bảo tồn và phát triển.

KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc