Khán giả khóc - cười cùng nhân vật

VHO- Đã qua nửa chặng đường với 13 vở diễn, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM suất diễn nào cũng đầy ắp người xem. Khán giả phần đông là giới trẻ, họ đến với Kịch nói trong tâm trạng háo hức, say sưa và đầy hứng khởi.

Khán giả khóc - cười cùng nhân vật - Anh 1

 Các vở diễn tại Liên hoan luôn kín chỗ

Có thể nói, lần sáng đèn trở lại của các sân khấu trong khuôn khổ Liên hoan như cơn mưa mát lành sau chuỗi ngày nắng hạn, mang theo sắc màu tươi mới lấp đầy những lỗ hổng u ám trong đời sống nghệ thuật suốt mùa dịch vừa qua, điều đó đã cuốn hút người xem thật mạnh mẽ.

"Nóng" không phi vì tên tui din viên

Thông tin vở diễn Lạc giữa biển người có sự tham gia của nghệ sĩ Hoài Linh đã khiến dư luận xôn xao. Phim trường Truyền thông Khang (quận Gò Vấp) lũ lượt khán giả xếp hàng vào xem theo giấy mời BTC đã gửi trước đó. Khán giả được yêu cầu không quay phim, chụp ảnh, xếp hàng và ngồi giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19… Đúng 20h, đèn sân khấu bật sáng, các nghệ sĩ sẵn sàng thì bên dưới khán giả đâu đó đã yên vị, yên lặng để thưởng thức vở diễn. Những màn tung hứng hài hước hay những câu thoại hóm hỉnh, sắc bén đều được người xem hưởng ứng bằng những tiếng cười hoặc những tràng pháo tay giòn giã. Những phân cảnh cảm động cũng nhận được tán thưởng qua những giọt nước mắt nơi khán giả… Lạc giữa biển người là vở diễn “hot” bởi đánh dấu sự trở lại của NSƯT Hoài Linh sau khoảng thời gian im ắng, không có bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào. Chưa kể, đây cũng là lần quay lại của Việt Hương sau 15 năm rời xa sân khấu kịch dài. Tác phẩm mang đến thông điệp về tình người, về sự bao dung, mở lòng tha thứ để cùng nhau xây dựng cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp. Vở diễn dự kiến được đầu tư thành tác phẩm bán vé cho mùa kịch Tết.

Những tưởng sự tham gia của Hoài Linh gây chú ý, khiến vở kịch có lượng người xem áp đảo, tuy nhiên, vở Tình lá diêu bông ngay hôm sau dù không có những tên tuổi tạo sức nóng, cũng không phải là vở mới, lại là câu chuyện khá buồn, quen thuộc, nhưng suất diễn sáng 8.1 tại Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, Quận 3) vẫn hầu như không còn ghế trống. Điều bất ngờ là khán giả đến với Tình lá diêu bông phần đông cũng là người trẻ. Vở diễn được hai tác giả Hà Nam Quang - Nguyễn Bảo Ngọc viết kịch bản; đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc cùng sự tham gia của NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Hạnh Thúy, Trung Dũng, ca sĩ Quốc Đại… Đây là câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình yêu thương của người chị cả - Bé Hai với các em của mình. Tác phẩm mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống xã hội hiện đại, bởi sau tất cả những trục trặc, khúc mắc thì tình yêu thương và sự chân thành sẽ được đền đáp. Nội dung câu chuyện dường như công chúng yêu kịch ai cũng từng biết, thậm chí đã xem nhiều lần tác phẩm này tại sân khấu nhỏ 5B, thế nhưng, tại Liên hoan, một lần nữa Tình lá diêu bông lại lấy nước mắt khán giả…

Trước đó, vở Mưa bóng mây của đạo diễn Ngọc Hùng diễn ra tại Trường Múa TP.HCM với diễn xuất đầy cảm xúc của cặp đôi NSƯT Ngọc Trinh và nam diễn viên Hòa Hiệp cũng khiến người xem thổn thức, day dứt cho bi kịch của nhân vật. Khán giả đồng cảm khi đâu đó họ nhìn thấy hình ảnh của mình qua các nhân vật trong tác phẩm này, đã cho thấy sự tiếp cận ngày càng gần hơn giữa kịch và đời.

Khán giả khóc - cười cùng nhân vật - Anh 2

“Tình lá diêu bông” của sân khấu nhỏ 5B đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả

N lc sáng to trong điu kin còn hn chế

Phát biểu cảm ơn khán giả và Hội đồng nghệ thuật sau buổi diễn, “bà bầu” Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B NSƯT Mỹ Uyên bày tỏ, để chuẩn bị công diễn tại Liên hoan, ê kíp đã tập luyện liên tục, đặc biệt là đầu tư phần thiết kế sân khấu. “Đây là sự nỗ lực rất lớn của Nhà hát và rất mừng khi nhận được sự yêu mến, ủng hộ của khán giả. Cho nên thời gian sắp tới, dù khó khăn như thế nào chúng tôi cũng không bỏ nghề, dù gian truân thế nào chúng tôi cũng quyết tâm gắn bó, nỗ lực sáng đèn trở lại dịp Tết Nguyên đán”, Mỹ Uyên xúc động chia sẻ.

Nhận định sơ bộ về các vở diễn tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 tại TP.HCM, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan chia sẻ: “Hiện mới đi được gần nửa chặng đường, nhưng với tư cách cá nhân, tôi nhận thấy Liên hoan đã manh nha các yếu tố mà tôi cho là rất đáng chú ý: Về diễn xuất thì khả năng và trình độ chung là rất khá, mang dấu ấn của tính chuyên nghiệp. Về sáng tác, đã có những khuynh hướng viết theo hình thức mới hơn, dễ tiếp cận hơn và phản ánh hiện thực lãng mạn, bay bổng hơn hiện thực mà chúng ta đã quá quen thuộc. Thứ ba là tính chất của các đề tài rất đương đại, dù là dưới hình thức nào cũng đều phản ánh đời sống hiện thực của nhân dân lao động, của những người yếu thế để đại diện nói lên tiếng nói của họ…

“Các yếu tố nói trên được phản ánh khá phong phú qua nhiều tác phẩm đã được trình diễn, và tôi tin chắc sẽ có thêm nhiều điều thú vị nữa ở những vở diễn tiếp theo”, NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, qua đây đã bộc lộ một số hạn chế, chủ yếu là yếu tố khách quan. “So với các đơn vị nghệ thuật ngoài Bắc có trình độ kỹ thuật và đầy đủ trang thiết bị thì sân khấu trong Nam hạn chế hơn nên phần nào ảnh hưởng đến tính sáng tạo. Tuy nhiên điều đó không phải là tất cả, bởi đã xuất hiện những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Tôi nhận thấy đang có sự chênh lệch lớn về đầu tư của các đơn vị xã hội hóa. Nếu sân khấu xã hội hóa được đầu tư chỉn chu về mọi mặt thì nó cũng hoành tráng, đầy đủ không kém gì sân khấu chuyên nghiệp”, NSND Trần Minh Ngọc cho hay.

Theo Hội đồng nghệ thuật, tiêu chí chấm giải là tổng thể hài hòa các yếu tố cộng hưởng với nhau, bao gồm đề tài, diễn xuất và cả tính thẩm mỹ trong trang trí, thiết kế không gian… 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc