Đâu là bệ phóng cho tài năng trẻ?

VHO- Chỉ tính riêng trong tháng 10.2020, ngành nghệ thuật đã liên tiếp tổ chức tới 3 cuộc thi dành cho tài năng trẻ với hàng trăm nghệ sĩ được tôn vinh, thế nhưng, phía sau những giải thưởng và những tấm huy chương danh giá là sự trăn trở của giới nghề khi chứng kiến nhiều tài năng trẻ không có cơ hội phát triển, thậm chí phải bỏ nghề...

Đâu là bệ phóng cho tài năng trẻ? - Anh 1

 Trao giải Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 Ảnh: THUỲ DƯƠNG

Điều đó cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi và băn khoăn về chất lượng các giải thưởng, liệu đã được trao cho đúng người xứng đáng?

Không công tâm thì phản tác dụng

Cuộc thi tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 vừa kết thúc cuối tháng 10.2020, Nhà hát Tuồng VN là đơn vị có nhiều thí sinh dự thi và cũng giành nhiều giải thưởng nhất, nhưng dường như người “cầm quân” của đơn vị này chưa thực sự hài lòng về kết quả đạt được. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN chia sẻ: “Sự hạn chế số lượng huy chương cũng như việc trao giải vẫn mang tính “mặt trận”, dẫn đến hiện tượng có diễn viên rất xứng đáng có giải nhưng lại ngậm ngùi ra về “tay trắng”. Gắn bó bao nhiêu năm với nghệ thuật, tôi khẳng định phần dự thi của diễn viên Thanh Phương Nhà hát chúng tôi không hề thua kém các diễn viên đoạt HCV trong cuộc thi, nhưng không hiểu vì sao chỉ được trao HCB?”. Vị giám đốc này cũng lo lắng trước hiện tượng diễn viên trẻ sau khi đi thi trở về, tinh thần tập luyện có phần sa sút. Giá như đối với tài năng trẻ, đừng sợ “mưa” huy chương và đừng khống chế tỷ lệ huy chương như các giải thưởng nghệ thuật khác thì chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa sự động viên để lớp trẻ thêm gắn bó và tâm huyết với nghệ thuật.

Một nhà hát giành được nhiều giải thưởng nhất mà còn băn khoăn như vậy thì chắc chắn các đơn vị nghệ thuật khác không tránh khỏi những suy nghĩ trái chiều khi bước ra khỏi cuộc thi!

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, NSND Trịnh Thuý Mùi cho rằng, đối với các cuộc thi nghệ thuật, đặc biệt là với tài năng trẻ thì Hội đồng giám khảo phải có sự đánh giá cực kì công tâm. Bà nhận định: “Nếu không công tâm thì vô hình trung các cuộc thi sẽ phản tác dụng. Diễn viên trẻ là những người đang đứng ở ngã ba đường, họ sẽ rất dễ mất đi niềm tin với nghề. Trong một cuộc thi tài năng nghệ thuật thì đương nhiên sẽ có người tài năng hơn, nổi trội hơn, nhưng việc lựa chọn trao giải xứng đáng thì người không được trao giải cũng sẽ “tâm phục khẩu phục”.

Như chia sẻ của NSND Trịnh Thuý Mùi, phải chăng đã có những cuộc thi mà thành viên giám khảo không thật công tâm, khiến giải thưởng trao chưa xứng đáng, dẫn đến các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ cảm thấy chưa hài lòng?!

Liệu có chìm vào cuộc mưu sinh?

Rõ ràng, các cuộc thi tài năng nghệ thuật là những hoạt động nghề nghiệp giúp cho lớp nghệ sĩ trẻ có cơ hội thử sức và trưởng thành. Nhưng phía sau những cuộc thi, liệu chúng ta có chế độ đặc biệt nào để tài năng được phát triển và cống hiến? Liệu có bạn trẻ nào thành công từ cuộc thi thay đổi nổi cuộc sống của chính mình? Có ai mang tấm huy chương về mà được tăng lương hay tặng thưởng xứng đáng? Hay là, sau những vinh quang, không ít tài năng trẻ, đặc biệt là diễn viên sân khấu truyền thống lại phải tất tả lao vào cuộc mưu sinh. Bởi nếu chỉ trông chờ vào lương hay khung bồi dưỡng hiện thời để chuyên tâm luyện tập thì ai cũng hiểu, mức thu nhập đó không thể giúp nghệ sĩ an tâm dốc hết tài sức cho nghề. Thế là câu nói quen thuộc “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” lại được đưa ra để “bao biện” cho việc lao vào vòng xoáy của cơm, áo, gạo tiền, khiến tài năng ngày càng mai một...

Gần đây, đã có những đơn vị không tham gia hoặc tham gia với số lượng thí sinh rất ít tại các cuộc thi tài năng nghệ thuật. NSND Trương Hải Thọ, Chi hội trưởng Chi hội sân khấu VN tại Thanh Hoá cho biết: “Nhà hát NTTT Thanh Hoá hiện có 86 định biên với 4 đoàn. Tính trung bình mỗi đoàn chưa tới 22 người gồm các bộ phận như diễn viên, nhạc công, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, hành chính... nên khó có thể bổ sung diễn viên trẻ vào. Nhờ có Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đoàn NTTT của Cục Nghệ thuật biểu diễn nên Thanh Hoá đã đào tạo được một lứa gồm 12 người đạt chất lượng và trình độ rất tốt. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình, các em không được ký hợp đồng lao động, không được vào biên chế vì số lượng định biên ở nhà hát có hạn. Hiện chỉ còn có 2 trong số 12 em là trụ lại nhà hát, nhưng làm việc không hưởng lương, không có chế độ gì. Khi nào nhà hát có vở thì các em mới được tham gia và có tiền bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn”. Tình cảnh này xảy ra không chỉ với Thanh Hoá mà ở nhiều địa phương trên cả nước.

Để tài năng trẻ được nuôi dưỡng, phát triển, phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, chăm lo của đơn vị nghệ thuật cũng như chính quyền địa phương. Trong cuộc thi tài năng diễn viên chèo 2020 diễn ra vào đầu tháng 11, Nhà hát Chèo Ninh Bình có tới 18 diễn viên tham dự. Giám đốc Nhà hát, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập cho biết, công tác đào tạo diễn viên trẻ luôn được địa phương tạo điều kiện, vì vậy mà từ năm 2005 trở lại đây, Ninh Bình đã đào tạo trực tiếp tại địa phương được 4 khoá diễn viên và hiện đang đào tạo tiếp khoá thứ 5. Các diễn viên sau khi tốt nghiệp được nhận về công tác tại Nhà hát và luôn được quan tâm, bồi dưỡng, tin tưởng giao vai chính mỗi khi dựng vở mới. Khi các em tham dự các cuộc thi đoạt giải thưởng cao sẽ được nhận khen thưởng của UBND tỉnh, xét nâng lương đặc cách và xét tặng các danh hiệu. Điều đặc biệt, Ninh Bình còn có những ưu ái riêng, như cấp thêm một khoản kinh phí tương đương 1 lần lương cho các nghệ sĩ yên tâm tập luyện, biểu diễn. Nhưng, có mấy đơn vị nghệ thuật được quan tâm, chăm lo được như Ninh Bình? Đó là lý do mà rất nhiều thương hiệu nghệ thuật chèo nổi tiếng đã vắng bóng diễn viên trẻ tham gia cuộc thi này.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, NSND Trịnh Thuý Mùi nhận định: “Tôi thấy một số đơn vị nghệ thuật địa phương chưa thực sự đầu tư đúng hướng, quanh năm họ không tổ chức tập huấn hay rèn giũa cho diễn viên trẻ. Khi có cuộc thi thì vội vã mời thầy dạy cấp tập vài tuần. Cũng vì thế, tiết mục dự thi đầu tư rất sơ sài, diễn viên chưa đạt tới trình độ để có thể gọi là tài năng. Mặt khác, hoạt động khó khăn nên việc đào tạo và giữ chân diễn viên ở lại đơn vị cũng vô cùng nan giải. Đây là câu chuyện cần sự “vào cuộc” quyết liệt của các đơn vị có trách nhiệm, trước tiên là từ chính địa phương chủ quản. Cần phải có chiến lược và cơ chế đãi ngộ cho tài năng trẻ ngay từ khâu đào tạo, tuyển dụng và cả khi họ đạt danh hiệu trở về”. 

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc